Môn ngoại ngữ trong chương trình ĐH: Lãng phí!

Môn ngoại ngữ trong chương trình ĐH: Lãng phí!
Môn ngoại ngữ chiếm một thời lượng học khá lớn trong các trường ĐH. Tuy nhiên, có tới trên 50% SV được hỏi vẫn đi học thêm tại các trung tâm!

“Em nên “kiếm” ngay chứng chỉ C Anh văn và chứng chỉ A tin học đi, điều kiện tối thiểu của một bộ hồ sơ xin việc đấy! Tốt nhất là nên làm lúc còn đi học, như chị bây giờ ra trường mới lo, mệt lắm”! Đó là lời khuyên chân thành chị Nga - cựu SV ĐHVH đã truyền lại cho tôi khi được hỏi về những khó khăn khi đi xin việc.

Thu Hương- tốt nghiệp ĐHKTQD kể: “Hồ sơ của mình out ngay từ “vòng gửi xe” vì chỉ có kết quả của môn tiếng Anh trong bản điểm chung thay vì chứng chỉ C”. Hương đã phải tức tốc đến một trung tâm ngoại ngữ đăng ký học trong 3 tháng để thi lấy chứng chỉ bằng C với học phí không nhỏ.

Hoàng Anh cũng rơi vào tình huống tương tự. Tốt nghiệp ra trường, H.Anh xin việc tại một công ty Du lịch của nhà nước. Phòng tổ chức nói rằng hồ sơ của cô còn thiếu chứng chỉ ngoại ngữ chuyên ngành. Hoàng Anh bức xúc nói: “Bọn mình được học 4 kỳ ngoại ngữ đại cương và 3 kỳ ngoại ngữ chuyên ngành. Bọn mình thi hết học phần như các môn khác, điểm thì tính chung. Không có một kỳ thi nào để cấp chứng chỉ cả”.

 Vậy là sau 4-5 năm miệt mài đèn sách, ngoài tấm bằng ĐH do nhà trường cấp, SV không có  chứng chỉ về ngoại ngữ, mặc dù đã được học rất nhiều. Ngoại ngữ với họ cũng chỉ là một môn đại cương như bao môn khác. Đó có phải là một sự lãng phí lớn? SV lại cuống cuồng đi học thêm ngoài để lấy chứng chỉ, thậm chí bỏ một số tiền lớn để mua chứng giả...

Thực tế, những bằng cấp về ngoại ngữ hiện nay đã trở thành một yêu cầu tối thiểu của hầu hết các bộ hồ sơ xin việc. Nhưng liệu những chứng chỉ có phải là thước đo chính xác cho trình độ? Câu trả lời là không. Thậm chí nhiều nhà tuyển dụng còn không nhìn đến những chứng chỉ đó. Theo quan niệm của ông Trưởng phòng tổ chức – Hành chính của một công ty du lịch thì: “Chúng tôi chỉ tin tưởng chứng chỉ của những trung tâm có tiếng”.

89% SV nói: “rất cần một chứng chỉ ngoại ngữ”.

Đây là kết quả thu được khi SVVN tiến hành trên 10 trường ĐH thuộc 3 nhóm ngành cơ bản là: Kinh tế, Kỹ thuật, Khoa học xã hội. Những ngành sau này sẽ sử dụng nhiều đến ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ chuyên ngành. Theo kết quả khảo sát, trong suốt quá trình học, có tới 85% SV được học 5 kỳ ngoại ngữ trở lên. 70% SV đánh giá tích cực chất lượng giảng dậy bộ môn ngoại ngữ.

Vậy tại sao nhà trường không cấp chứng chỉ phân loại cho SV như các trung tâm bên ngoài? Thầy Lê Mẫn- trưởng phòng đào tạo HV Ngân hàng: “Theo đúng quy định của Bộ giáo dục đã ban hành, nhà trường không được phép cấp bất cứ một loại chứng chỉ ngoại ngữ nào cho SV.” Tuy nhiên một số trường ĐH vẫn có thể đề nghị và đã được cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho SV (như trường ĐHDL Hải Phòng).

Có một thực tế là hầu hết các trường ĐH lớn đều có trung tâm ngoại ngữ-nơi có đủ tư cách pháp lý trong việc cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, trên thực tế, trung tâm ngoại ngữ này lại hoạt động độc lập. Còn môn ngoại ngữ trong trường vẫn là một môn học bắt buộc. Vì thế, SV không còn cách nào khác là đi học tại các trung tâm để thi lấy chứng chỉ nếu có nhu cầu.

Phương án: 2 trong 1

Vụ trung tâm ngoại ngữ lớn SITC sụp đổ vẫn chưa hết bàng hoàng trong dư luận SV. Trong số rất nhiều SV theo học, đa số đều mong muốn có một chứng chỉ ngoại ngữ đẳng cấp quốc tế để thuận tiện trong hồ sơ xin việc sau này. Khi được hỏi ý kiến: “Bạn có mong muốn được nhà trường cấp 1 chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ sau khi học xong chương trình ĐH không?”

Bích Thảo-HV Tài chính đã trả lời : “Chúng tôi rất muốn sau khi kết thúc học ngoại ngữ, sẽ có một kỳ thi đánh giá chất lượng học của chúng tôi và cấp một chứng chỉ công nhận trình độ đó. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó không những sẽ giúp chúng tôi ý thức học tốt hơn, mà tránh cho chúng tôi lại phải theo học tại các trung tâm bên ngoài chỉ để lấy chứng chỉ”.

Nhà tuyển dụng:

Theo Hoàng Hải Âu – GĐ Công ty Hoàng Gia: “Chứng chỉ là để chứng minh cho trình độ. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, các chứng chỉ về ngoại ngữ được cấp khá dễ dàng. Ngoài bằng chính quy của các sinh viên ngoại ngữ thì hầu như tất cả các hồ sơ xin việc của sinh viên ra trường đều có một chứng chỉ nào đó về ngoại ngữ. Bằng cấp không phải là cơ sở tuyệt đối để chúng tôi đánh giá năng lực của các ứng viên, nếu không muốn nói là xếp cuối cùng trong các tiêu chí đánh giá. Điều chúng tôi quan tâm là năng lực thực tế của họ. Mặc dù vậy, nếu Bộ Giáo Dục có một quy chế về cấp chứng chỉ rõ ràng hơn, đáng tin cậy hơn thì sẽ là một thuận lợi lớn cho các nhà tuyển dụng”.

Ý kiến nhà trường:Thầy Lê Mẫn- Trường phòng Đào tạo-Học viện Ngân Hàng

“Ngoại ngữ là một môn học bắt buộc đối với Sinh Viên theo đúng khung chương trình mà Bộ giáo dục và đào tạo đã quy định. Sau khi kết thúc học phần, nhà trường sẽ tổ chức thi hết môn và tính điểm như các môn học khác. Nhà trường không được phép cấp chứng chỉ ngoại ngữ.

Nếu SV muốn có chứng chỉ, thì có thể đăng ký thi ở các Trung tâm có tư cách pháp lý trong việc cấp chứng chỉ được bộ GD quy định. Theo tôi được biết, hầu hết các trường ĐH, HV đều có trung tâm ngoại ngữ. Ví dụ như Học viện Ngân hàng, SV có nhu cầu thi lấy chứng chỉ sẽ đăng ký tại TT ngoại ngữ của trường. Tuy nhiên, nếu SV muốn có một bản điểm ngoại ngữ riêng để thuận tiện khi nộp hồ sơ xin việc thì chúng tôi sẽ cung cấp”. 

Theo Minh Trang- Hà Hương
SVVN

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.