Món quà 1.000đ của thầy giáo hotboy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Món quà 1.000đ của thầy giáo hotboy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
TPO - “Một lần thầy ốm, phải nghỉ học. Buổi chiều hôm đó bạn cùng lớp với thầy qua chơi và đưa cho thầy một tập giấy phô tô. Mở ra thầy mới biết đó là bài học buổi sáng thầy nghỉ. Tập giấy photo ngày đó chỉ giá trị 1.000đ nhưng đó là 1.000đ của sự quan tâm. Hành động nhỏ nhưng đã sưởi ấm trái tim thầy đến bây giờ”.

Đó là câu chuyện được TS tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý, trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ với học sinh trường THCS Chu Văn An, Hà Nội tại buổi nói chuyện chuyên đề về kỹ năng giao tiếp, ứng xử giải quyết mô thuẫn phòng chống bạo lực do trường tổ chức.

Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh thầy giáo hotboy.

Nói chuyện về kỹ năng ứng xử với học sinh, thầy Hiếu cho biết có ba kỹ năng cơ bản đó là hành động của mình đừng ảnh hưởng đến người khác. Thứ hai là dành sự quan tâm của mình tới người khác. Câu chuyện món quà 1.000đ được thầy đưa ra để lấy ví dụ minh họa cho kỹ năng này. Thầy cũng kể thêm câu chuyện về hai cái bình chứa nước của một bác nông dân. Một bình lành, một bình bị nứt. Hai chiếc bình với hai hình thái khác nhau sẽ cho ra hai kết quả khác nhau. “Nếu các em không biết chia sẻ một chút (giống như chiếc bình bị nứt) thì xung quanh sẽ có hoa vàng, cỏ xanh. Còn nếu không (giống như chiếc bình lành) thì xung quanh em chỉ có sỏi đá” – thầy Hoàng Khắc Hiếu nhắn nhủ.

Kỹ năng nữa mà thầy Hiếu hướng tới đó là kỹ năng lắng nghe. “Thầy từng ngồi tuyển nhân sự cho một công ty. Có những người trình độ, thực tế rất tốt nhưng lại thiếu rất nhiều kỹ năng. Ví dụ như với vị trí kế toán, có ứng viên không cẩn thận, không tiết kiệm, trong khi đó là hai kỹ năng lại rất cần đối với nghề kế toán. Do đó, mà ứng viên này trượt khi tuyển dụng” – thầy Hiếu chia sẻ.

Chính vì vậy, thầy gửi tới một thông điệp tới các học sinh của trường THCS Chu Văn An đó là những kỷ luật được rèn luyện trong nhà trường dù rất nhỏ nhưng sẽ trở thành tính cách lớn đối với mỗi người sau này.

Với thời lượng hơn một giờ đồng hồ, ngoài việc chia sẻ những câu chuyện từ thực tế, thầy Hiếu còn đưa ra những tình huống để học sinh nắm được thông tin mình muốn gửi tới.

“Các em học sinh cũng giống như như thủy tinh. Trong sáng nhưng dễ vỡ. Nếu các em dùng nắm đấm để ứng xử với bạn bè thì bạn không chỉ tổn thương về thể chất mà còn cả tinh thần. Còn bản thân các em, mảnh vỡ của thủy tinh sẽ găm vào nắm đấm đó mãi mãi. Vì vậy khi lỡ va chạm với bạn, thì lời xin lỗi luôn là chất keo dẻo để đá với đá không va vào nhau” – thầy Hiếu nói.

 Các thầy cô cũng cần hạ tần số

Nói về vấn đề giáo dục học sinh trong giao tiếp, ứng xử, thầy Hiếu cho rằng học sinh cũng giống như điện thoại, các em cũng có tần số.

Nếu thầy cô phát tần số không khớp thì các em sẽ không lắng nghe. Như vậy các thầy cô, phụ huynh hạ tần số xuống cho gần với lứa tuổi các em khi muốn giáo dục. Ví dụ như tần số các em chính là những câu chuyện kể, những hoạt cảnh những ví dụ gắn với đời thường, những hiện tượng trên mạng mà các em hay thấy… Ngôn ngữ của các em chính là tần số của các em. Dùng ngôn ngữ của giới trẻ để nói với giới trẻ thì sẽ nhanh tiếp thu hơn.

Nhưng theo thầy Hiếu, thông thường người lớn thường dùng ngôn ngữ của người lớn, khá đao to búa lớn nào là văn hóa ứng xử, tôn trọng… thì các e có thể thấy cao quá, xa quá, không hợp với mình.

Ngoài ra, thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng cho rằng, với các trường muốn dạy được kỹ năng sống phải cho các em thời gian thực hành thực tập. Có ba nội dung để dạy đó là đưa tình huống cho học sinh xử lý. Đây là mức 1. Thứ hai là cho các em đóng vai để xử lý tình huống. Đó là mức 2. Thứ ba là cho các em tự trải nghiệm.

“Hiện nay, với các trường, nếu quan tâm lắm thì có thể dạy đến mức 2. Đây là đã rất tốt rồi. Tuy nhiên, nếu chỉ xử dụng nói, nghe, đóng vai thôi thì các em chỉ biết mà không làm được” – thầy Hiếu nói.

Bên cạnh đó các trường còn có khó khăn đó là nguồn lực về giáo viên, tài liệu giáo trình…Thứ hai để các trường có năng lực hơn thì các chuyên gia giỏi có thể đào tạo lại cho giáo viên. Thứ ba là cơ sở vật chất.

Hiện nay các trường đang cố gắng làm cho học sinh trong khả năng mình có. Bộ hiện nay đã có chủ trương nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như chưa có chính sách để các trường làm một cách mạnh mẽ và bài bản. Vì thế Bộ cần mở hơn. Còn với các trường sư phạm, cũng phải đưa môn kỹ năng sống vào chương trình đào tạo. Cha mẹ cũng dùng chính cuộc sống hàng ngày để dạy cho con là hiệu quả.

Là trường đang thực hiện dạy kỹ năng sống cho học sinh, ông Đặng Việt Hà, hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An cho rằng chương trình này có tác động rất lớn đối với học sinh và phụ huynh. Ngay cả học sinh chưa ngoan thì qua những buổi trò chuyện như này cũng có tác dụng. Trường cũng thấy cùng với đổi mới chung, việc thay đổi cách giáo dục học sinh theo cách này rất cần thiết.

Tuy nhiên, phụ thuộc nhiều yếu tố. Các nhà trường hiện nay dạy gì, dạy như thế nào chưa được chính thống, chưa có chuẩn. Thời gian dạy vào lúc nào, ai là người dạy, kinh phí lấy ở đâu ra thì rất khó cho các trường, Trong khi công việc hàng ngày cũng là một áp lực lớn đối với các trường rồi.

Ông Hà cho biết thêm, hiện nay tại quận Tây Hồ, có 8 trường THCS đang triển khai thực hiện chương trình tập huấn kỹ năng sống cho học sinh. Mỗi trường khoảng 1,2 khối tham gia.

MỚI - NÓNG