Một cô giáo phạt học trò ngậm giẻ

Một cô giáo phạt học trò ngậm giẻ
TPCN - Ở Hà Tĩnh lại rộ lên việc một cô giáo dạy ở trường chuẩn quốc gia tại huyện Đức Thọ phạt học sinh bằng hình thức bắt tự nhét giẻ vào mồm.

Ngày 8/11, cô Hoàng Thị Mai Lê, giáo viên Trường tiểu học Trường Sơn 2 huyện Đức Thọ- Hà Tĩnh, chủ nhiệm lớp 4C, giao cho lớp tự quản để đi dự giờ thao giảng ở lớp 4A.

Khi cô trở về bắt gặp 2 em Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Quốc Anh rời chỗ ngồi đang đùa nghịch to tiếng và đấm đá nhau. Cô Lê lôi hai em vào lớp và tuyên bố: “Sáng mai hai đứa này mang giẻ đến tự nhét vào mồm để khỏi nói chuyện”.

Ra lệnh xong, cô Lê cho giải tán lớp. Sáng thứ 5 ngày 9/11, như thường lệ gần 40 học sinh của lớp 4C đến trường, tự quản sinh hoạt đầu giờ khá nghiêm túc.

Cô Mai Lê xuống lớp gọi 2 em đứng dậy hỏi:“Đã đem giẻ đi theo chưa?”. Em Quốc Anh “Thưa cô đã có giẻ rồi”, cô cho ngồi lại còn Nguyễn Văn Hậu không mang giẻ đi theo cô bắt về lấy.

Hậu về nhà nhờ mẹ tìm giẻ, chị Phạm Thị Hoa tưởng con mình làm trực nhật nên lấy nùi giẻ lau bàn đưa cho Hậu. Thấy nùi giẻ to quá, Hậu lắc đầu bảo là không được. Sau đó Hậu tìm thấy nửa chiếc khăn quàng đỏ cũ mang lên lớp trình với cô... và cô Mai Lê đã cho Hậu vào lớp. 

Nguyễn Văn Hậu thực hiện yêu cầu của cô, khi tấm giẻ đã nhét vào mồm được một lúc không chịu được, Hậu bị ngạt phải nôn ra.

Cô giáo Lê cho rằng Hậu giả vờ đã ra lệnh cho hai bạn là Kiên Cường và Lê Vũ đưa Hậu ra khỏi lớp. Bị đuổi học, Hậu về nhà kể cho mẹ nghe... Chị Phạm Thị Hoa cùng người nhà lên trường báo cáo với Hiệu trưởng và lập biên bản.

Biết mình sai, cô giáo Hoàng Thị Mai Lê đã xin lỗi gia đình nhưng rồi sau đó về lớp có dặn các cháu một điều gì đó, các cháu về nói với người nhà, đã gây bức xúc cho nhiều phụ huynh.

Ngày 10/11, chúng tôi về xã Trường Sơn gặp gia đình cháu Hậu, bà con xóm giềng kéo đến rất đông tỏ thái độ phản ứng về việc làm phi giáo dục của cô giáo Mai Lê, yêu cầu ngành giáo dục phải xử lý nghiêm.

Khi chúng tôi đến trường, toàn thể lãnh đạo đều đi vắng, chỉ có nhóm trưởng khối 4 - cô giáo Đặng Thị Lam Phương đang bồi dưỡng học sinh giỏi. Cô Lam Phương cho rằng: “Việc có gì đâu, chẳng qua học sinh nó nghịch thì cô giáo phạt. Tại người lớn nên chuyện bé xé ra to...”.

Hiện tại chính quyền địa phương và ngành đã vào cuộc cho kiểm tra để có hình thức xử lý kỷ luật đối với cô giáo Mai Lê.

Cô giáo Hoàng Thị Mai Lê sinh 1977, đã dạy học được gần chục năm. Khi cô Lê sinh con trai đầu lòng được 7 tháng tuổi cháu đã mắc phải căn bệnh tim rất nặng vừa rồi phải vay mượn gần 100 triệu đồng để mổ tim cho con, vợ chồng lâm vào cảnh túng bấn nên nội tâm có nhiều nỗi bức xúc, bất ổn.

Sau khi sự việc xảy ra, chồng của cô Mai Lê đã đến tận từng nhà phụ huynh cầu xin được sự tha thứ.

Tuy đang lâm vào tình cảnh đặc biệt nhưng hành động phi giáo dục của một cô giáo đang công tác ở trường đạt chuẩn quốc gia là không thể bỏ qua. Dư luận bất bình yêu cầu ngành giáo dục phải xử lý nghiêm và nêu lên thành bài học cho giáo viên ở những trường khác.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.