Một gia đình Jrai nuôi 8 người con học đại học

Một gia đình Jrai nuôi 8 người con học đại học
TP - Ở làng Bruk Ngol, phường Yên Thế, TP.Pleiku (Gia Lai) có vợ chồng bà giáo Liên đã nghỉ hưu người dân tộc thiểu số Jrai mặc dù kinh tế còn nghèo, nhưng đã nuôi 8 người con vào đại học.
Một gia đình Jrai nuôi 8 người con học đại học ảnh 1
Niềm vui của vợ chồng bà Liên, bên khung dệt

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, được xây dựng từ khá lâu nhưng rất gọn gàng và sạch đẹp, ông Rơmăh Biêt, chủ nhân vào ngăn tủ lấy ra hai tấm bằng Cao đẳng Sư phạm của vợ chồng ông, được ép plastic cẩn thận.

Năm 1960- 1962, ông bà cùng học ở Trường Trung học Quy Nhơn, sau đó chuyển lên học Cao đẳng Sư phạm ở Buôn Ma Thuột. Ra trường, đi dạy học được 2 năm, họ cưới nhau rồi về sống ở phường Thắng Lợi- thị xã Kon Tum.

Đến năm 1971, ông bà về làng Bruk Ngol tiếp tục dạy học. Đến năm 1982, ông Biết được điều về làm cán bộ Phòng Giáo dục dân tộc, Sở GD- ĐT tỉnh Gia Lai.

Thời gian này bà Kim Liên vừa dạy học ở trường, vừa dạy học cho 8 đứa con ở nhà. Tuy vất vả nhưng với bà đó là niềm hạnh phúc lớn vì các con của mình đứa nào cũng hiếu học và học giỏi.

Sau ngày giải phóng cho đến những năm 80- 87, đời sống của đồng bào các dân tộc nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Để nuôi các con học hành, vợ chồng bà Liên một buổi lên lớp, một buổi ra ruộng trồng cây mì lấy củ ăn và nấu rượu bán, nuôi heo, nuôi bò; tối về thắp đèn dầu soạn giáo án.

Vất vả nhiều mà cuộc sống vẫn không thoát ra khỏi cái nghèo. Vợ chồng ông quyết định “chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, năm sào đất tập trung trồng cây cà phê, cây tiêu được coi là 2 giống cây xóa đói giảm nghèo thời điểm đó.

Ngoài ra ông bà còn dệt thổ cẩm, làm men nấu rượu cần truyền thống. Vải dệt ra thì may quần áo rồi giao hàng cho bà con tư thương ở thành phố Pleiku bán hàng lưu niệm.

Nhờ đó, 3 năm sau kinh tế gia đình ông Biết đã khá lên, 8 đứa con không còn phải lên rẫy, lên nương theo chân cha mẹ trong những ngày mưa dầm hay nắng gắt, bụi đỏ để lấy măng, đào củ...mà chỉ tập trung cho việc học tập.

Người con gái đầu Siu Kim Ngọc học ngành y và hiện làm tại Bệnh viện 331, tiếp theo Siu Oanh cũng làm tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ.

Rồi lần lượt các em: Siu Berrna, Siu Kim Ngăm, Siu Lệ Uyên, Siu Lyna (đều là giáo viên), Siu Kim Ngân (kỹ sư nông nghiệp), con trai út Siu Cao Nguyên đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng.Tất cả đã có công ăn việc làm ổn định. Đây là niềm vui, hạnh phúc lớn lao nhất của gia đình ông bà.

Siu Cao Nguyên tâm sự: “Em là con út của gia đình tốt nghiệp đại học, rất phấn khởi và tự hào vì được sinh ra trong một gia đình hiếu học, quý cái chữ hơn vàng bạc. Em sẽ cố gắng vận dụng những kiến thức đã học vào trong công việc, xứng đáng lòng mong mỏi của thầy cô giáo, cùng cha mẹ và anh chị em…”.

Còn Siu Kim Ngân thì không giấu được niềm vui: “Từ ngày ra trường và được làm việc tại Cty Cao su Chư Pãh, em rất mừng. Hàng ngày, Siu Kim Ngân thường xuyên xuất hiện tại các lô nhận khoán của các hộ đồng bào hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc và cạo mủ.

Bên cạnh đó, Ngân đã nhiên cứu soạn thảo nhiều nội dung bài giảng tiếng Jrai, giúp bà con nắm bắt kỹ thuật về trồng, khai thác, chế biến mủ cao su một cách tốt nhất để cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

MỚI - NÓNG