Mốt học trường quốc tế ở châu Á

Mốt học trường quốc tế ở châu Á
Samakamon Chaintanaseri mong các con của mình được học hành tốt hơn những gì chị từng được dạy dỗ hồi bé. Vì thế chị ghi tên cho chúng học trường quốc tế.

"Chúng tôi trước đây không được học cách bày tỏ ý kiến của mình", chị nhớ lại những ngày học phổ thông trong các trường công của Thái Lan. "Thầy cô không dạy chúng tôi cách đứng lên trước đám đông để nói".

Chaintanaseri lo lắng không biết làm sao cho con chị có thể vượt trội trong thế kỷ 21 nếu chúng không được khuyến khích nói ra những điều mình nghĩ, nếu chúng không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài Thái Lan.

Trên khắp châu Á, các bậc cha mẹ đang đua nhau đưa con tới các trường quốc tế, vì lý do giống như C. Phần lớn các trường học ở khu vực này dạy theo cách giáo viên giảng, đọc, chứ không theo phương pháp lấy học sinh làm trung tâm.

"Ngày càng nhiều bậc phụ huynh hiểu rằng các kỹ năng mà con họ cần nhiều hơn việc chỉ nghe đọc chính tả", Judith Guy, giám đốc khu vực châu Á Thái Bình dương của tổ chức International Baccalaureate Organization nói. Họ ngày càng "chán hệ thống giáo dục quốc gia".

Hiện tại Thái Lan có tới 107 trường quốc tế, chủ yếu là học theo chương trình của Anh và Mỹ. Cách đây 8 năm, số trường kiểu này chỉ có 30.

Xu hướng này được cổ vũ bởi toàn cầu hóa, với sự xuất hiện của hàng loạt công ty đa quốc gia tiến vào Thái Lan và khu vực trong những năm 1990.

Thái Lan là nước đầu tiên trong khu vực nới lỏng các quy định về giáo dục quốc tế, ngay từ đầu những năm 90, cho phép các trường này tuyển tới 50% học sinh là người địa phương.

Chính phủ Thái ngay từ khi đó đã rất chú trọng và thấu hiểu nhu cầu "tạo ra những con người có tầm nhận thức quốc tế" mà vẫn mang bản sắc dân tộc Thái, bà reUsa Somboon, hiệu trưởng Trường Quốc tế Bangkok, nhận xét.

Các trường quốc tế chủ yếu vẫn thu hút con cái của các nhân viên nước ngoài làm việc ở Thái Lan, nhưng nhu cầu học ở môi trường này của trẻ em Thái ngày càng nhiều. Theo số liệu của Bộ Giáo dục Thái Lan, số học sinh bản địa trong các trường quốc tế đã lên đến một phần ba.

Trường Quốc tế Harrow ở Bangkok là một ví dụ. Nó được thành lập năm 1998 và có mối liên hệ chặt chẽ với trường Harrow danh giá ở Anh - nơi có tới 23 công chúa và hoàng tử, hoàng thân Thái Lan theo học kể từ thế kỷ 19.

Lúc đầu chỉ có 40 học sinh, giờ trường có 1.200 em thuộc 24 quốc tịch, trong đó 70% là người Thái.

Các nước khác cũng đang theo chân Thái Lan. Đầu năm nay, Malaysia - nơi có 32 trường quốc tế, đã nới lỏng lệnh cấm dân địa phương và cho phép các trường ngoại tuyển sinh 40% học sinh người Malaysia.

Tính đến tháng 8, chỉ có 3.500 người Malaysia theo học các trường này, nhưng các chuyên gia giáo dục nói rằng họ hy vọng việc nới lỏng lệnh cấm trên sẽ khiến số lượng đông hơn.

Còn ở Thái Lan, sự xuất hiện của nhiều trường quốc tế giúp các bậc cha mẹ trung lưu không cần phải gửi con ra nước ngoài. Tuy thế, học phí cũng không phải là rẻ. Chẳng hạn khoản tiền phải đóng trong một năm học ở trường American Pacific International School tại Chaing Mai lên đến 12.800 USD.

Các trường này khẳng định họ sẽ đào tạo học sinh với chất lượng quốc tế, trong khi vẫn duy trì bản sắc Thái.

Nhưng làm được điều đó không phải là dễ dàng.

Con trai của chị Orapen Vongsuvan là Paul 15 tuổi, học ở trường Harrow đã 5 năm. Người mẹ rất vui sướng nhận thấy con mình suy nghĩ ngày càng độc lập.

Nhưng chị cũng có điều lo lắng: "Nó không nghe lời tôi như trước nữa. Có thể nó mới là một thiếu niên, và chuyện đó là bình thường, nhưng tôi thấy các học sinh ở trường Thái hình như ngoan ngoãn hơn". Chị cũng cho biết là khả năng viết tiếng Thái của cu cậu giảm đi trông thấy.

Trường Harrow có 5 giờ học tiếng Thái mỗi tuần, và nhiều trường khác rất chú trọng đến việc tổ chức những ngày lễ của người địa phương.

"Chúng tôi hiểu rằng sinh viên các trường quốc tế cần được làm giàu kiến thức và kinh nghiệm sống theo cách của người Thái", Mark Hensman, hiệu trưởng trưởng Harrow và là tổng thư ký hiệp hội các trường quốc tế Thái Lan nói.

Tuy nhiên, Hensman thừa nhận rằng việc giáo dục theo chuẩn quốc tế ở đây luôn song hành với câu hỏi "bản sắc Thái sẽ nhượng bộ tính quốc tế đến mức nào".

Theo Mai Trang
Vnexpress/IHT

MỚI - NÓNG