Một ngày trước kỳ thi THPT quốc gia: Thí sinh lo đề thi khó hơn đề minh họa

Sáng 23/6, sĩ tử đến Văn Miếu Quốc Tử Giám cầu may trước khi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019. Ảnh: Hồng Vĩnh
Sáng 23/6, sĩ tử đến Văn Miếu Quốc Tử Giám cầu may trước khi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày mai (25/6), thí sinh trên toàn quốc bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019, điều thí sinh lo lắng nhất vẫn là độ khó, dễ của đề. Trong khi đó, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, đề thi năm nay tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, vừa có câu hỏi dễ, vừa có câu hỏi có độ khó phù hợp.

Ngán với học sinh không học vẫn có điểm “khủng”

Nguyễn Thị Kim Thanh, học sinh lớp 12, Trường THPT Yên Khánh (Ninh Bình), cho rằng, nếu đề thi của Bộ GD&ĐT giữ đúng cấu trúc, độ khó như đề minh họa thì sẽ không làm khó thí sinh. Theo Thanh, đề minh họa kiến thức vừa phải, bao quát, không quá khó. “Suốt năm học cuối cấp, ngoài học chương trình trên lớp, tất cả các buổi chiều em cũng như các bạn ôn đều 6 môn thi. Tuy nhiên, trước kỳ thi em vẫn rất hồi hộp, lo lắng, đặc biệt là lo chuyện có những thí sinh gian lận, không học hành gì vẫn đạt mức điểm “khủng” trong khi những thí sinh học thật lại mất cơ hội”, Thanh nói.

Chị Trần Thu Hà, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trong quá trình luyện đề, thầy cô đánh giá con chị làm được đề ở mức khá, tức đạt mức điểm 7-8 nhưng con vẫn lo lắng đề thi thật sẽ khó hơn đề của thầy cô ra. “Vì thế, có ngày con học 4 ca ở trung tâm nhưng tối về vẫn thức học đến 1-2 giờ sáng. Chỉ mong thời tiết bớt nắng nóng để các con thi đỡ vất vả”, chị Hà nói.

Các địa phương sẵn sàng

Đến sáng 23/6, các đoàn cán bộ, giảng viên cuối cùng đến từ các trường ĐH, CĐ đã về các địa phương để phối hợp tổ chức thi. Năm nay, có một số thay đổi như, trường ĐH, CĐ phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình. Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm, do đó vai trò các trường cũng nặng nề, lực lượng hùng hậu hơn. Đặc biệt, phó trưởng điểm thi là cán bộ thuộc trường ĐH, CĐ năm nay cũng phải trực bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, tránh tình trạng cán bộ địa phương lợi dụng buổi tối có thể can thiệp vào bài thi.

Với 125 điểm thi, trải rộng trên 30 quận, huyện và có tới 74.000 thí sinh dự thi, năm nay Hà Nội điều động gần 7.800 cán bộ, giảng viên, giáo viên coi thi. Năm nay với sự điều chỉnh một số điều kiện kỹ thuật nên Hà Nội đã sớm bắt tay vào chuẩn bị cơ sở vật chất, phối hợp với các lực lượng đảm bảo nguồn điện, y tế… Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, trước kỳ thi đã quán triệt tinh thần đến toàn bộ cán bộ, giáo viên coi thi nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho thí sinh. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thi, nếu phát sinh tình huống, các điểm thi phải báo cáo Ban chỉ đạo thi quốc gia của thành phố để xin ý kiến chỉ đạo, không chủ quan làm theo kinh nghiệm của mình.

Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, cho biết, năm nay địa phương có 32 điểm thi, điểm xa nhất trung tâm là 40 km. Đến thời điểm này, các phần việc chuẩn bị đã hoàn tất, cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ ở địa phương khác cũng đã về sớm cách kỳ thi 3 ngày để cùng họp, thống nhất công tác tổ chức thi. Ngày 24/6, các lực lượng sẽ vận chuyển toàn bộ đề thi về điểm thi. Với kinh nghiệm 4 năm tổ chức thi THPT quốc gia, cả phía tổ chức và thí sinh, phụ huynh đều không có nhiều lo lắng, căng thẳng vì đã làm tốt công tác chuẩn bị cũng như nắm rõ các điểm mới, quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ coi thi… Theo bà Tiến, trước kỳ thi, địa phương cũng lưu ý các trưởng điểm thi, nhắc nhở thí sinh về việc giữ gìn sức khoẻ, ghi nhớ thời gian, lịch thi và bình tĩnh làm bài thi.

Ðề vừa cơ bản vừa có câu hỏi khó

Về đề thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT xác định, quan trọng nhất của đề thi là phải đảm bảo chính xác, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình và có độ phân hoá phù hợp, đánh giá được khách quan năng lực của thí sinh. Kết quả thi là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh việc dạy, học phù hợp, đồng thời cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Vì vậy, như đã công bố từ trước, đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Đề tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi sẽ có nhóm các câu hỏi ở mức độ cơ bản để phục vụ xét tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi với độ khó phù hợp nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.

Để làm tốt bài thi, Thứ trưởng Độ cho rằng, thí sinh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý, sức khỏe và kiến thức. Do đề thi sẽ ra theo hướng mở, có tính ứng dụng thực tiễn, nên thí sinh cần hệ thống lại và nắm chắc các nội dung đã học, chủ yếu trong chương trình lớp 12. Chỉ khi vững kiến thức, kỹ năng, các em mới có tâm lý tốt, tự tin để hoàn thành tốt bài thi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề thi sẽ ra theo hướng mở, có tính ứng dụng thực tiễn, nên thí sinh cần hệ thống lại và nắm chắc các nội dung đã học, chủ yếu trong chương trình lớp 12. Chỉ khi vững kiến thức, kỹ năng, các em mới có tâm lý tốt, tự tin để hoàn thành tốt bài thi.

MỚI - NÓNG