Một sinh viên tố cáo thầy trên mạng Edu.net

Một sinh viên tố cáo thầy trên mạng Edu.net
TPCN - Một sinh viên có nick là “seekvn2000” phản ánh "có những sinh viên bỏ hơn 500.000đ để qua được môn đồ án" của thầy Ng.T.D, Tiến sĩ, Trưởng bộ môn Cơ sở thiết kế máy, ĐH Bách Khoa, Hà Nội.

Chuyện này, được sinh viên "seekvn2002" đưa lên diễn đàn http://diendan.edu.net.vn, ngay trong chuyên mục “Chất lượng đại học là thế này đây thưa bộ trưởng” in chữ mầu đỏ. Lập tức, gây một cú “sốc” trong giới SV, thu hút sự quan tâm đông đảo của dân mạng.

"Trong thời gian sắp thông qua đồ án, sinh viên tung tin đã ghi được hình ảnh một vụ mua điểm của một thầy giáo bộ môn Cơ sở thiết kế máy.

Ngay lập tức thầy D. cho gọi sinh viên các lớp chịu sự hướng dẫn của thầy giáo đến nhận lại tiền. Nội dung nhận lại tiền được hợp đồng như sau :

Tên em: Nguyễn Văn A

Lớp: Máy hoá K47

Em đã nhận được quà 20/11 của thầy

Kí tên.

Toàn bộ thông tin này được lưu vào một cuốn sổ để tránh sinh viên đòi lần 2...”

(Trích thư ngày 16/1/2006 gửi lãnh đạo Bộ tại địa chỉ: http://diendan.edu.net.vn - mạng chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Ngay từ khi lá thư xuất hiện trên diễn đàn đã gây một cú “sốc” trong giới SV, thu hút sự quan tâm đông đảo của dân mạng.

Hàng nghìn lượt người truy cập vào địa chỉ này, hàng trăm ý kiến tham gia thảo luận sôi nổi và nghiêm túc.

Cũng trong lá thư trên, người viết có nick (bí danh) là “seekvn2000” (dưới đây gọi tắt là seek) phản ánh thầy Ng.T.D. (trên mạng tên thầy D. được viết đầy đủ), tiến sĩ, trưởng bộ môn Cơ sở thiết kế máy của trường ĐHBK HN đã không hướng dẫn SV đủ số giờ học (chỉ dạy 6 trên tổng số 24 tiết).

Việc góp ý sửa chữa đồ án cho SV không thực hiện tại trường mà lại tiến hành ở... nhà thầy, vào buổi tối.

Về chuyên môn, là người hướng dẫn, nhưng có đồ án thầy D. thông qua một cách qua loa, đến khi SV bảo vệ (với một thầy giáo khác), thầy này phát hiện thấy sai ngay từ đầu, hỏi : “Ai hướng dẫn anh làm đồ án, sai thế này mà cũng cho đi bảo vệ à ?”.

Sự thiếu trách nhiệm và tùy tiện của thầy D. còn thể hiện ở chỗ, có SV chỉ được thầy thông qua đồ án trước lúc đi bảo vệ có 30 phút (theo quy định là phải trước 1 ngày), dẫn đến những chuyện dở khóc, dở cười. Vì sao thầy D. lại dễ tính như vậy ?

“Trong quá trình chuẩn bị cho đến khi bảo vệ, một số lớp đã tổ chức đi phong bì cho thầy giáo hướng dẫn để nhờ giúp đỡ...” “một lần thực tế tôi có mặt tại nhà riêng thầy D, số lượng sinh viên tụ tập trước nhà thầy rất đông, trong đó bao gồm cả sinh viên chính quy và tại chức. Họ bàn luận công khai và nói mức tiền để được qua đồ án. Có những sinh viên bỏ hơn 500.000đ để qua được môn đồ án”.(seek)

Chúng tôi chú ý đến chi tiết khôi hài nhất là thầy giáo tặng “quà” cho SV nhân ngày 20/11, ngày cả nước tôn vinh các nhà giáo. Đọc kỹ thì hình như đây là thầy “trả lại quà” (của trò biếu) nhân ngày 20/11.

Chúng tôi hoang mang, thậm chí phẫn nộ, tự hỏi phải chăng, “seek” là một SV dốt nát nào đó đang tìm cách bôi nhọ thầy giáo của mình ?

ĐHBK HN là một trường lớn có bề dày thành tích gần 50 năm, đã đóng góp cho đất nước ta một đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư, trí thức tài năng. “Sự cố” ở một bộ môn là điều đáng tiếc. Chúng tôi được biết nhà trường đang khẩn trương điều tra, xem xét và xử lý nghiêm túc vụ việc.

Thời buổi bây giờ, độ tin cậy thông tin trên mạng thường không cao. Nhưng rồi lại nghĩ, thư đăng trên một diễn đàn nghiêm túc của Bộ GD&ĐT, đã được các admin (quản trị mạng) kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa nó nằm trong chuyên mục “Chất lượng đại học là thế này đây thưa bộ trưởng” in chữ mầu đỏ.

Seek tuy giấu tên nhưng không giấu tung tích: “Tất cả những thông tin trên hoàn toàn chính xác, tôi có thể đảm bảo chính kiến của mình nếu phải đối mặt chất vấn... cá nhân tôi thầy Quách Tuấn Ngọc (một nhà giáo có uy tín, giám đốc TT mạng) đã có đủ thông tin. Nếu Bộ trưởng (Nguyễn Minh Hiển) và Vụ trưởng (Vụ Đại học và sau đại học Trần Thị Hà) cần nhân chứng và cơ sở căn cứ tôi có thể huy động tới gặp”.

Đây hẳn là người dám dấn thân và dám chịu trách nhiệm. Chúng tôi quyết định gặp một số SV lớp Máy hóa K47 để tìm hiểu thực hư vụ việc.

“Chúng em cần sự công bằng và xử lý nghiêm minh”

4 sinh viên có gương mặt thông minh, lanh lợi khiến ai gặp chắc đều phải tấm tắc tiếc thời còn đi học của mình. Thoạt tiên các em từ chối trả lời câu hỏi của chúng tôi.

Nhưng khi chúng tôi thuyết phục, rằng nếu seek sai, thì đây là hành động cần phải bị lên án; còn nếu seek đúng thì chúng ta không thể để bạn ấy đơn độc, thì họ đã đồng ý.

“Đầu tháng 2 lớp chúng em được thông báo là thanh tra trường và bộ môn sẽ xuống xác minh thêm vụ việc. Đến khi gặp mới biết “thanh tra trường và bộ môn” lại chính là thầy D. và một số thầy trong bộ môn Cơ sở thiết kế máy.

Thầy D. đặt cho lớp 14 câu hỏi, đại loại “thầy có gợi ý SV mang phong bì đến không?”, “ai là seekvn2000”, “có ai xúi giục các em không”... sau đó nội dung cuộc họp được ghi thành biên bản, và đại diện lớp phải ký vào”.

“Chuyện thầy D. tặng “quà” cho SV có hay không ?”

“Thầy D. đã thừa nhận là có nhận quà của SV, nhưng không biết trong quà có phong bì tiền, nên khi phát hiện ra thì thầy trả lại”

“Trả lại sao thầy còn bắt viết giấy biên nhận?”

“Chúng em chịu. Nhưng quyển sổ biên nhận thì hình như bây giờ đang lưu trên văn phòng khoa”

“Việc SV phải đi thầy trước mỗi kỳ thi có phổ biến không ?”

“Cũng khó nói, ai đi thì người ấy biết thôi !”

Tham gia diễn đàn trên, bạn có nick “bluesea” cay đắng kể lại :  “khi đọc bài Chất lượng giáo dục đại học..., tôi thấy hoàn toàn không bất ngờ và tin vào chuyện này 100%... Tôi đang là sinh viên năm cuối của HVNH, chuẩn bị ra trường nhưng tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ muốn quay trở lại hay để con cái mình sau này học ở trường này nữa!

Qua 4 năm học ở trường, tôi và các bạn tôi thấy rằng ngoài một số rất rất ít thầy cô giáo không nhận tiền của sinh viên ra thì hầu như đã thành thông lệ, cứ mùa thi là đến mùa sinh viên nhộn nhịp đến nhà thầy cô để mua điểm.

Nhận tiền rồi thì bài thi của những sinh viên đó dù có làm được hay không cũng được điểm 8,9,10... Trắng trợn hơn nữa, có thầy giáo còn gợi ý sinh viên công khai ở trên lớp về việc “đến thăm thầy trước khi thi” để được thầy tạo điều kiện, còn em nào không nghe lời thầy thì dù có giỏi đến mấy cũng không bao giờ mơ đến điểm cao!

Điển hình trong trường tôi là thầy N.T.T, dạy môn Thanh toán quốc tế và Tín dụng quốc tế... Điểm số sẽ tỉ lệ thuận với số tiền đi thầy, những ai không đi thì làm bài tốt đến mấy cũng chỉ dám cầu trời cho được 6,7 là may. Còn ai đi thầy nặng đô thì khỏi phải lo, chỉ cần không để giấy trắng thì chắc chắn điểm giỏi!”

Chúng tôi hỏi tiếp : “Số tiền mỗi lần đi là bao nhiêu ?” Đáp : “Tùy mức độ dễ, khó của môn học, tùy vào việc mình là SV chính quy hay tại chức. Dao động từ 100 đến 500 nghìn. Bọn em tính với một số môn thi và số lượng SV trả thi, có thầy chỉ sau một năm là có thể xây được nhà!”.

“Em đã theo dõi và đọc rất kĩ chủ đề này . Em đang theo học chương trình hợp tác đào tạo quốc tế ITP thuộc trường ĐH BK và được thầy D. dạy hai môn trong hai kì 4,5 là Chi tiết máy và Nguyên lý máy, sắp tới là đồ án chi tiết máy.

Sự thực về thầy D. thì như mọi người đã nói và bản thân em đã được chứng kiến, em không phủ nhận điều đó. Nhưng em thấy tất cả cũng chỉ tại sinh viên mà thôi những người muốn nâng điểm hay học kém .

Bằng chứng là trong khi 2/3 số các bạn trong lớp em đến gần kì thi đều đến nhà thầy, đưa cho thầy phong bì từ 200 nghìn đến 500 nghìn  để mong thầy giúp đỡ, nghe các bạn kể lại là được thầy tiếp đón rất nhiệt tình và cho 6 đề trước, và thậm chí hướng dẫn cách làm trước.

Các bạn có khuyên em nên “đi thầy” để lo cho điểm của mình, nhưng em nhất định không đi và kết quả cũng không tồi, em được 7 điểm. Và có những bạn đã “đi” mà không làm được bài thì vẫn trượt như thường...”

“Thế vì sao seek lại quyết định phá vỡ luật im lặng ?”

“Thà cắn răng vào mà học, thi không được thì học lại! Bọn em chịu không nổi sự bất công mãi thế này”

“Có sợ thầy biết, thầy trù không ?”

“Có chứ ạ. Nhưng chúng em còn cần công bằng và sự xử lý nghiêm minh hơn”.

Tôi tự nhủ, đây là những SV thời @! Thời chúng tôi đi học, quan hệ thầy trò đơn giản hơn nhiều. Một bó hoa, một túi kẹo lạc, thầy trò quây quần bên ấm trà là đã có một kỷ niệm không bao giờ quên.

Bài trên lớp không hiểu, thầy xuống tận ký túc xá giảng lại. Ngày nghỉ, thầy trò cùng kéo ra sân bóng, quần nhau một trận ra trò. Mỗi thời một khác, chúng ta không thể sống mãi trong sự hoài cổ.

Các bạn SV thời @ thực dụng hơn, nhưng cũng quyết liệt hơn chúng tôi nhiều lắm. Có thể chúng ta chưa tán thành cách làm của seek, nhưng sự dũng cảm, quyết tâm đấu tranh chống những khuất tất trong môi trường đại học khiến chúng ta không thể thờ ơ. Điều tưởng như đơn giản này các SV lớn hơn thế hệ seek một vài năm đã không dám làm, như bluesea day dứt chia sẻ :

Buồn nhất là hình như sống lâu trong sự dối trá bất công thì hình như người ta cũng dần quen với nó, chịu đựng nó mà thủ tiêu đấu tranh. Chúng tôi đã không làm gì cả suốt 4 năm đại học chỉ vì hèn nhát!

Nay khi sắp ra trường, chúng tôi chỉ dám hi vọng rằng mọi sự sẽ đổi khác để cho đàn em của chúng tôi sau này đỡ khổ, hay có lớp đàn em nào sẽ dũng cảm hơn chúng tôi, dám đứng lên bảo vệ quyền lợi và sự trung thực. Có như vậy thì nền giáo dục của ta mới không còn những cử nhân, tiến sĩ giấy!”

Để cho không khí bớt nặng nề, chúng tôi hỏi vui: “Thế trong số các em đây, ai là seek nào ?” Cả 4 khuôn mặt đều tủm tỉm, và cách trả lời thật thông minh: “Câu này nghe quen quen, giống câu của thầy D. hỏi trước lớp !”

Bộ GD&ĐT chỉ đạo trường ĐH Bách Khoa thanh tra và xử lý dứt điểm vụ việc trong đầu tháng 3/2006

Với tính thận trọng cố hữu của người làm báo, chúng tôi dự định sẽ gặp lãnh đạo Bộ GD & ĐT, trước hết là bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau đại học, một trong những người mà seek đã gửi thư.

Chưa liên hệ được với bà Hà thì một người tự nhận mình là seek gọi điện cho chúng tôi: “ Theo thông tin chúng em nhận được thì khoa Cơ khí đã có kết luận là thầy giáo D. “không có gì”. Nếu như vậy thì em sẵn sàng cùng các anh đi gặp lãnh đạo Bộ!”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hà cho biết, về việc này bà đã làm việc với thầy Nguyễn Cảnh Lương - Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng là người phụ trách công tác thanh tra của trường.

Những gì SV phản ánh liên quan đến việc dạy và học, Bộ đã có quy chế và sẽ xử lý nghiêm khắc các sai phạm. Những sự việc khác, Bộ chỉ đạo trường làm thật nghiêm túc, báo cáo kết quả  lên Bộ vào đầu tháng 3/2006.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Cảnh Lương thì được biết ông đang đi công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho biết, hiện nay trường đang tiến hành thu thập các thông tin và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm túc vụ việc theo chỉ thị của Bộ.

Chạy điểm, một thạc sĩ lãnh 3 năm tù

Sáng 14/2, TAND TPHCM đã đưa ra xét xử vụ án Phan Thị Ngọc Sơn, nguyên là thạc sĩ tin học, giảng viên tin học trường Đại học Mở bán công TPHCM nhận hối lộ. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Sơn 3 năm tù giam về hành vi “chạy điểm” để nhận 10,9 triệu đồng của 11 sinh viên.

Nguồn: Vietnamnet

Hỏi : “Thưa ông, trước đây ở trường đã xảy ra những vụ việc nào tương tự như thế này chưa ?” - “Những việc nhỏ, ở mức độ khác nhau thì cũng từng có và chúng tôi đã xử lý. Nhưng đưa thông tin lên mạng thế này thì đây là lần đầu tiên”.

“Nhà trường có đảm bảo rằng người tố cáo sẽ không bị trù dập không ?” - “Thay mặt nhà trường, tôi cam đoan là người tố cáo đúng sẽ được bảo vệ, người sai phạm sẽ bị xử lý.”

Chúng tôi đã từng nghe, ở nhiều trường đại học, trước mỗi kỳ thi SV phải có “bao thơ” cho thầy. Những lớp học viên có điều kiện kinh tế thì thành lập hẳn “quỹ riêng” giao cho một người hoặc một nhóm phụ trách, khi nào tiêu gần hết thì thông báo để mọi người đóng tiếp.

Đáng buồn là những việc làm này lại được thừa nhận như một lẽ đương nhiên trong một số quan hệ thầy trò ngày nay. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với bao ước mơ và hoài bão, nhiều SV đã phải thực hiện hành vi đút lót và đối mặt với nạn hối lộ.

Hiện tượng một số SV thông qua công cụ mạng thông tin Internet đã dũng cảm tố cáo những việc làm sai trái của thầy cô giáo không phải là việc làm trái đạo lý mà đã chứng tỏ bản lĩnh và trách nhiệm của các em với bản thân và xã hội. Các em không phải là những con cừu non thụ động, mà đã biết tận dụng quyền làm chủ của bản thân với tương lai của chính mình.

Trường đại học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn là nơi rèn luyện bản lĩnh, nhân cách cho hành trang vào đời của các trí thức trẻ. Giữ cho môi trường này không bị ô nhiễm là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của bản thân các trường đại học.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin kết quả xử lý vụ việc nói trên vào một dịp thích hợp. 

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...