Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009:

Một số vấn đề cần lưu ý

Một số vấn đề cần lưu ý
TP - Tại diễn đàn tư vấn tuyển sinh do báo Thanh Niên tổ chức hôm qua, ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT) và nhiều chuyên gia cung cấp một số thông tin mà thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay cần lưu ý.

Thời điểm này, có hai mốc thời gian quan trọng thí sinh cần lưu ý: từ nay đến hết 10/4/2009, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo tuyến nhận hồ sơ của Sở GD&ĐT; đến hết ngày 10/4.

Nếu chưa khai và nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh có thể nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi tuyển sinh.

Khi khai hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh phải cân nhắc, thận trọng, đảm bảo các thông tin chính xác, trung thực. Các thông tin tại phiếu đăng ký dự thi số 1, phiếu đăng ký dự thi số 2 và trên túi đựng hồ sơ đăng ký dự thi phải thống nhất, không được tẩy xoá.

Một bộ hồ sơ đầy đủ gồm túi đựng hồ sơ, phiếu đăng ký dự thi số 1, phiếu đăng ký dự thi số hai, ba ảnh chân dung cỡ 4 x 6 được chụp trước đó lâu nhất là 6 tháng (tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi), ba phong bì dán sẵn tem (có ghi địa chỉ liên lạc của thí sinh), giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có) bản phô tô hợp lệ.

Với những thí sinh có nguyện vọng học ở những trường CĐ, ĐH không tổ chức thi (năm nay có 134 trường không tổ chức thi), vào hệ CĐ các trường ĐH, hoặc các trường CĐ thuộc trường ĐH thì các em phải phô tô thêm mặt trước của phiếu đăng ký dự thi số 1 để nộp cùng phiếu đăng ký dự thi.

Về cơ bản, hình thức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay được giữ ổn định như năm ngoái. Có ba đợt thi, đề thi của mỗi đợt được sử dụng chung cho tất cả các trường có tổ chức thi.

Các môn ngoại ngữ, lý, sinh, hóa thi trắc nghiệm; văn, toán, sử, địa thi tự luận. Riêng các môn năng khiếu do các trường chịu trách nhiệm về việc ra đề thi. Mỗi bộ hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh cho phép thí sinh đăng ký ba nguyện vọng (trong đó có hai nguyện vọng được ghi trong hồ sơ).

Quy định mới

Tuy nhiên, với kỳ thi tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT bổ sung một số quy định mới. Về điểm ưu tiên khu vực của thí sinh dự thi, với những trường ĐH, CĐ đào tạo nhân lực cho các vùng có nhiều người dân tộc thiểu số hoặc những trường đào tạo theo nhu cầu của địa phương có thể quy định điểm chênh lệch giữa hai khu vực liền kề lớn hơn 0,5 điểm nhưng không quá 1,0 điểm.

Quy định về cấu trúc đề thi cũng là một thông tin mới. Năm nay là kỳ thi tuyển sinh đầu tiên của học sinh lớp 12 học theo chương trình THPT phân ban đại trà nên cấu trúc đề thi phụ thuộc vào yếu tố này. Đề thi tất cả các môn (trừ môn ngoại ngữ) đều có hai phần: phần chung và phần riêng. Phần chung là phần mà tất cả thí sinh đều phải làm.

Phần riêng có hai nội dung: chương trình chuẩn; chương trình phân ban. Với phần riêng, thí sinh được chọn làm một trong hai nội dung bất kỳ dù khi học lớp 12 thí sinh theo học ban nào. Thí sinh nào lỡ làm hai phần (dù chỉ lỡ một câu) sẽ bị mất điểm hoàn toàn ở phần riêng.

Để đảm bảo kết quả thi của thí sinh công bằng, chính xác, khách quan, năm nay Bộ GD&ĐT cũng quy định, với các trường tổ chức thi, cán bộ làm phách không tham gia vào ban thư ký chấm thi và ngược lại.

Tài liệu những điều cần biết về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 được Bộ GD&ĐT phát hành từ một tuần nay. Trong tài liệu này, lần đầu tiên tất cả các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều được đánh dấu bằng ký hiệu * để thí sinh nhận biết.

Ngoài ra, tất cả những trường thuộc loại hình này đều thông tin về mức học phí. Về phía thí sinh, tất cả các trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp lệ không chỉ bị buộc thôi học mà còn bị cấm thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, TCCN trong hai năm tiếp theo.

Trường nào đào tạo ngành kép, bằng kép?

Tại buổi tư vấn, một lãnh đạo trường ĐH Kinh tế- ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Ngoại ngữ (cũng thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) có một chương trình phối hợp đào tạo. Theo đó, sau khi học một năm ở các trường ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ, nếu kết quả học tập khá, sinh viên trường này sẽ được đăng ký học chuyên ngành hai ở trường kia.

Như vậy, sau 5 - 6 năm học, SV sẽ đồng thời tốt nghiệp cùng một lúc hai bằng cử nhân do hai trường ĐH cấp. Tuy nhiên, chương trình chỉ áp dụng với các ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh tế đối ngoại (ĐH Kinh tế), tiếng Anh (ĐH Ngoại ngữ).

Mặt khác, cả hai trường cũng phối hợp để mở thêm ba ngành mới cho mỗi trường. Cụ thể, sau năm đầu tiên, sinh viên ba ngành tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, kinh tế đối ngoại của ĐH Kinh tế nếu đạt kết quả học tập khá sẽ được học thêm 30 tín chỉ ngoại ngữ.

Khi tốt nghiệp, SV sẽ có bằng cử nhân mà ngành chính là tài chính ngân hàng/ quản trị kinh doanh/ kinh tế đối ngoại, ngành phụ là tiếng Anh. Phía ĐH Ngoại ngữ cũng tương tự.

MỚI - NÓNG