Một tháng soạn xong sách giáo khoa phân ban?

Một tháng soạn xong sách giáo khoa phân ban?
Chỉ một tháng, sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý với Bộ GD-ĐT về việc phân ban THPT thành 3 ban, NXB Giáo dục đã “ở giai đoạn hoàn tất” sách giáo khoa!
Một tháng soạn xong sách giáo khoa phân ban? ảnh 1

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, một trong 7 trường của TP.HCM thí điểm chương trình phân ban

Khi thí điểm thì có 2 bộ SGK, nhưng khi hoàn thiện thì trở thành “2 trong 1”, tức là “kế thừa” cả hai...

Những nội dung trả lời trên của Tổng Giám đốc NXB Giáo dục - ông NGÔ TRẦN ÁI, gợi cho chúng tôi nhiều băn khoăn, suy nghĩ về một cung cách làm sách giáo khoa quá dễ dãi.

Phải chăng, vì vậy mà suốt bao nhiêu năm qua SGK luôn là đề tài được dư luận quan tâm...

2 ban hay 3 ban đều dùng chung nội dung SGK!

Thưa ông, từ việc thí điểm SGK cho chương trình THPT chỉ có 2 ban, nay Chính phủ quyết định tăng lên 3 ban, như vậy SGK thí điểm có phải làm lại?

SGK thí điểm ở bậc THPT là tài liệu được sử dụng để hoàn thiện thành SGK chương trình chuẩn và SGK chương trình nâng cao, như vậy công việc được tiếp tục và hoàn thiện tốt hơn chứ không phải bỏ hết việc thí điểm hai năm qua. Nên hiểu đây là công việc kế tục và hoàn chỉnh theo đúng yêu cầu của Thủ tướng.

Các tác giả SGK đã kế thừa cả 2 bộ SGK thí điểm để hoàn thiện SGK theo chương trình phân ban theo chủ trương mới. Hơn nữa những ý kiến góp ý về SGK thí điểm của cơ sở trong 2 năm qua cũng được các tác giả nghiên cứu để hoàn thiện bộ SGK phân ban.

Riêng ban cơ sở là ban mới hoàn toàn, việc biên soạn SGK cho ban cơ sở đã tiến hành đến đâu, thưa ông ?

“Ban cơ sở” học theo SGK chương trình chuẩn và học một số môn nâng cao theo SGK nâng cao (nếu có nguyện vọng). Hiện SGK ban cơ sở đang được thẩm định vòng 2.

Tháng 1-2006 bộ mới có tờ trình về ban cơ sở. Chỉ trong một tháng mà đã xong sách thì chất lượng sách sẽ như thế nào?

Việc tổ chức hoàn thiện SGK (theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao) đã được tiến hành đồng thời với quá trình thi hành Luật Giáo dục 2005, nghĩa là đã được chuẩn bị từ trước.

Như đã nói, SGK của ban cơ sở được thiết kế theo SGK chương trình chuẩn và SGK chương trình nâng cao nên việc biên soạn sách không có tình trạng cập rập “nước đến chân mới nhảy”. Sau khi chương trình phân ban được Thủ tướng Chính phủ quyết định, việc hoàn thiện SGK đang ở giai đoạn hoàn tất cuối cùng.

Lúc nào SGK cũng được giảm tải và kiểm định tốt!?

Ông có thể cho biết bao giờ sẽ có SGK phân ban?

SGK phân ban sẽ được NXB Giáo dục in đồng bộ, đầy đủ để phục vụ việc bồi dưỡng giáo viên vào tháng 6. Như vậy vào khoảng cuối tháng 6, SGK phân ban sẽ được phát hành.

Nhiều ý kiến cho rằng việc biên soạn SGK phân ban của chúng ta tiến hành theo quy trình ngược. Mặt khác, giữa Viện Chiến lược và chương trình (nơi thiết kế chương trình), nhóm tác giả viết sách và Vụ Giáo dục phổ thông (phân phối tiết học) không có tiếng nói chung. Sách viết xong phải “gọt chân cho vừa giày”. Nguyên nhân quá tải cũng xuất phát từ đây?

Thật sự không có tình trạng này. Trong quá trình biên soạn SGK phân ban, luôn luôn có sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT liên quan đến công tác này với các nhóm tác giả. Khi có ý kiến chính thức của cơ quan có thẩm quyền, dù thời gian có eo hẹp, các đơn vị này và các nhóm tác giả đã tích cực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để điều chỉnh, hoàn thiện SGK phân ban, tránh mắc phải những sai sót đáng tiếc.

Liệu khi triển khai đại trà, SGK phân ban có giảm tải một cách đúng nghĩa chứ không phải bằng cách cắt xén chương trình ?

Yêu cầu giảm tải được lãnh đạo Bộ GD-ĐT quán triệt từ khâu xây dựng chương trình đến việc biên soạn SGK ở tất cả các bậc học, từ tiểu học đến trung học. Hơn nữa giảm tải SGK phân ban phải tương thích với SGK ở cấp dưới. Các cán bộ liên quan đến những công việc này đều có ý thức thực hiện yêu cầu giảm tải nói trên.

Thay vì chỉnh sửa thì sao chúng ta không biên soạn lại chương trình cho phù hợp với mục tiêu phân ban đã đề ra ? Khó khăn ở đây là vấn đề thời gian hay là vì NXB sợ lãng phí 100 tỉ đồng tiền viết sách.

Chương trình được chuẩn bị để thực hiện mục tiêu phân ban, gắn với yêu cầu phân ban; do đó chương trình trung học phân ban phù hợp, thống nhất với mục tiêu phân ban. Số tiền chi cho việc biên soạn SGK phân ban mà nhà báo nêu ra thì tôi không được rõ.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Dự án biên soạn SGK phân ban giao cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức biên soạn, lựa chọn nhóm tác giả viết SGK. NXB Giáo dục có trách nhiệm biên tập, in ấn, phát hành bộ SGK phân ban cũng như các bộ SGK và sách tham khảo khác.

Ông có thể cho biết quy trình thẩm định sách? Nhiều ý kiến cho rằng Hội đồng thẩm định là “người nhà” với NXB nên việc nhận định, góp ý chưa “đến nơi đến chốn”.

Hội đồng thẩm định SGK do Bộ GD-ĐT quyết định. Các tác giả viết SGK phân ban chắc chắn không ở Hội đồng thẩm định. Quy trình thẩm định SGK ở trung học phân ban về cơ bản giống như quy trình thẩm định SGK ở tiểu học và THCS như đã tiến hành ở các năm trước.

Về trách nhiệm của NXB Giáo dục, sau khi thẩm định vòng 2, chúng tôi sẽ cho in thử và gửi đến các Vụ chức năng của Bộ GD-ĐT, một số hội khoa học như Viện Toán, Viện Vật lý, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học…, giáo viên ở một số tỉnh thành để xin ý kiến. Cách làm này sẽ giúp cho việc hoàn thiện SGK phân ban tốt hơn.

Theo Sài Gòn Giải phóng

MỚI - NÓNG