"Mưa" điểm 10 và sự bất thường của đề thi

"Mưa" điểm 10 và sự bất thường của đề thi
Kỳ thi ĐH năm nay, "mưa" điểm 9, 10 nhiều đến mức, điểm chuẩn của nhiều trường nếu từ 24 - 25 cũng thừa chỉ tiêu nguyện vọng (NV)1. "Mưa" điểm 10 là do sự bất thường của đề thi. 

Mùa tuyển sinh năm nay, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã "xác lập" kỷ lục trong 30 năm trở lại đây (tính từ 1975) về hiện tượng số thí sinh có điểm bài thi ba môn tuyệt đối: 30/30. Con số đáng kể đó góp phần đẩy danh sách thí sinh thuộc diện này lên cao, tới 97 em, dù rằng, còn một số trường vẫn chưa xong công việc công bố điểm thi.

Bên cạnh đó, điểm 10 các bài thi của  trường cũng vô số. Thống kê sơ bộ ba môn thi Toán, Lý, Hóa có gần 1.300 điểm 10. Cụ thể là: khoảng 450 thí sinh có điểm 10 môn Toán, hai môn Lý và Hóa cũng có gần 400 thí sinh đạt điểm 10.

Riêng khối A ĐHQG Hà Nội năm nay cũng có hơn 320 điểm 10. Trong đó, môn Toán có 104 điểm, Hóa có 164 và môn Lý có 54 điểm 10.

Nếu lấy mức điểm 8, mức điểm "khởi đầu" của loại học sinh giỏi trong xếp loại học tập, thì con số này ở các trường khối A quả thực là... "vui mắt".

ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội có 3.308 thí sinh có điểm trung bình 3 môn trên 24 điểm. Con số này ở ĐH Ngoại thương Hà Nội là 1.339 và Học viện Tài chính là 1.408.

Một thực tế, 14 thí sinh đạt điểm bài thi 30/30 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2004 đều được tuyển thẳng vào lớp đào tạo Kỹ sư tài năng. Tuy nhiên, trong số đó, chất lượng không được như mong muốn của nhà trường. Bởi lẽ, không phải tất cả thủ khoa đều xuất sắc. Có những em kiến thức chỉ đạt loại khá, có em hơi non...

Do đó, năm nay, con số này nhiều hơn nhưng chủ trương tuyển thẳng vào lớp Kỹ sư tài năng sẽ có thay đổi. Để tuyển được người tài thực sự và không bị thiệt cho những thí sinh khác, trường dự kiến sẽ tổ chức thi tuyển đối với những thủ khoa và không tuyển thẳng nữa.

Chọn trường theo điểm chuẩn: Tính sao?

GS Phạm Phụ (ĐH Bách khoa TP.HCM) nhận xét: "Điểm cao cũng có nhiều nguyên nhân, trình độ học sinh cao hoặc đề thi dễ. Thi ĐH là cuộc đua nên tính chất ra đề phải có sự phân biệt. Tuy nhiên, năm nay, đề chưa có điểm nhấn để phân biệt được thí sinh giỏi và trung bình".

Theo GS Phụ, cái khó hiện nay là điểm chuẩn giữa trường này và trường kia khá chênh lệch. Thành ra, năm ngoái điểm thấp, năm nay điểm cao cũng ít nhiều tác động đến việc chọn trường của thí sinh.

Xu hướng phổ biến trong việc đăng ký dự thi ĐH của thí sinh là căn cứ theo điểm chuẩn những năm trước. Xét ở góc độ cá nhân, đây là điều hoàn toàn hợp lý nếu "điểm chuẩn" ĐH thực sự là thước đo để thí sinh lượng chừng sức học của mình xem xét có phù hợp hay không.

Trong điều kiện thí sinh thi khối A chỉ được thi một trường (vào đợt 1) và xét tuyển NV2 (hầu hết là các trường dân lập) thì cân nhắc chọn trường theo điểm chuẩn vô cùng quan trọng.

Cao - thấp thất thường

Những nỗ lực trong việc ra đề thi theo hướng "cơ bản, không lắt léo, đánh đố" đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, không có nghĩa là "thả lỏng" tới cái mức để học sinh dù đạt điểm bài thi loại giỏi cũng bơ vơ trước cổng trường ĐH.

Dự kiến điểm trúng tuyển của một số trường khối A cao không có nghĩa là chất lượng thí sinh năm nay tiến bộ hơn, mà chủ yếu do mức độ khó dễ của đề thi hằng năm - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân Phan Công Nghĩa nhận xét.

Theo ông Dương Đức Hồng - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội, mức độ ra đề khối A đúng với chủ trương của Bộ khi bám sát chương trình; đảm bảo học sinh địa phương có thực lực có thể đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề phân loại học sinh giỏi thực sự thì đề chưa đạt yêu cầu. Có nghĩa là, khoảng cách giữa học sinh khá và giỏi rất khó đánh giá vì điểm tuyệt đối năm nay quá nhiều...

Ý kiến của ông Hồng cũng là quan điểm của nhiều nhà quản lý giáo dục.  Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) Bùi Duy Cam băn khoăn, điểm 10 nhiều như thế thì việc tôn vinh người giỏi thực sự rất khó.

Để phân loại được người giỏi thì khoảng cách giữa điểm 9, điểm 9,5 và điểm 10 trong đề thi phải được thể hiện rõ. Thế nên, đề ra nên hạn chế bớt điểm đạt tuyệt đối, ông Cam kiến nghị.

Nhưng, điểm cao năm nay không phải là tăng đồng đều giữa các khối. Bởi, trong khi các trường khối A tưng bừng với phổ điểm đẹp thì các trường khối C lại "rầu lòng" bởi điểm thi môn Sử đã kéo điểm chuẩn xuống thấp.

Dẫu rằng ai cũng biết để "kiếm" một điểm 8 của các bài thi của khối ngành Khoa học Xã hội không dễ như khối A, nhưng những so sánh dưới đây cũng thấy được sự chênh lệch bất thường giữa các khối thi ĐH năm nay.

Cùng ở mức điểm 24 ở ĐHQG Hà Nội, trong khi ĐH Khoa học Tự nhiên có 555 bài thì ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chỉ có 2. Ở ĐH Sư phạm TP.HCM, khối A có 245 bài, trong khi khối B có 4, khối D góp 5, còn khối C thì không có bài nào. Trường ĐH ở miền Trung là Quy Nhơn cũng có 78 thí sinh khối A bài thi từ 24 trở lên, nhưng ở 2 khối C, D thì vắng bóng.

Đề thi - yếu tố vốn vẫn được xem là thước đo chính của một kỳ thi...Kết quả tưng bừng của khối A và sự thật "thê thảm" của khối C trong kỳ thi năm nay khiến nhiều người không khỏi lo lắng về sự cảm tính, chưa khoa học của thước đo quan trọng: "Đề thi".

Những bất thường này, tất nhiên, sẽ được rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho năm sau. Chỉ có điều, điều chỉnh như thế nào để thí sinh và phụ huynh của năm tới không bị một phen phập phồng lo ngại vì không biết lấy "thước đo" nào để đoán định sức học của mình?

MỚI - NÓNG