Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đăk Lăk:

Mua “suất đỗ” giá 30 triệu đồng

Mua “suất đỗ” giá 30 triệu đồng
TP - Lâu nay, dư luận râm ran về việc thí sinh có mua “vé đậu” vào trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật (CĐVHNT) Đăk Lăk, với giá vài chục triệu đồng.  Đi sâu tìm hiểu thì những thông tin này là có cơ sở…
Mua “suất đỗ” giá 30 triệu đồng ảnh 1
Trường CĐ VHNT Đăk Lăk

Theo quy định, điểm thi môn Năng khiếu vào trường được nhân hệ số 2, là môn thi quyết định kết quả tuyển sinh. Đa số cán bộ giáo viên dạy môn Năng khiếu của trường CĐVHNT Đăk Lăk đều tổ chức luyện thi tại trường và nhà riêng.

Điều đáng chú ý là từ nhiều năm qua lãnh đạo trường đã tạo điều kiện cho nhiều giáo viên trong số này vừa có chân trong Hội đồng Tuyển sinh của trường, được ra đề thi lại vừa coi thi, đệm đàn cho thí sinh, chấm thi, và làm cả việc vào bảng điểm thi.

Gần đây một số đơn thư tố giác về việc chạy điểm vào trường CĐVHNT Đăk Lăk đã được gửi đến báo Tiền phong và các cơ quan chức năng.  Riêng huyện Cư M’gar đã có 4 phụ huynh công khai danh tính trong việc đã chi tiền chạy điểm cho con. 

Em Tố N. từng một lần thi rớt Trung cấp VHNT Đăk Lăk (trước khi trường này được nâng cấp lên Cao đẳng vào năm 2005) thì được cha mẹ dùng 20 triệu đồng nhờ người quen tên Thưởng gửi gắm với thầy Nguyễn Hùng.

Ông Thưởng dành 5 triệu đồng mời thầy hiệu trưởng, hiệu phó đi nhậu còn 15 triệu đồng mang đến “biếu” thầy Hùng sau khi Tố N. nhận được giấy báo trúng tuyển.  

Ngày 4/10/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Lữ Ngọc Cư ký Công văn số 2964 gửi Sở VHTT và trường CĐVHNT về việc xử lý vi phạm quy chế tuyển sinh tại trường này, đã chỉ đạo:

Phê bình nghiêm khắc Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh trường CĐVHNT đã không thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh; Nhà trường phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc... để rút ra bài học kinh nghiệm về tuyển sinh cho những năm tiếp theo; Không gọi nhập học đối với các thí sinh có hành vi gian lận trong thi cử ở tất cả các môn thi và phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc các cán bộ công chức có vi phạm mà Công an tỉnh đã làm rõ ...

Đáng tiếc, các văn bản họp hành, kiểm điểm sau đó của trường CĐVHNT Đăk Lăk đều cho thấy các cá nhân sai phạm  vẫn tìm cách tránh né sự thật, thậm chí còn ngang nhiên khẳng định “cuộc thi diễn ra bình thường, nghiêm túc, hiệu quả”.

Báo cáo kiểm điểm của lãnh đạo trường do ông Nguyễn Hùng, Bí thư chi bộ, Hiệu phó nhà trường chủ trì được copy phần lớn câu chữ từ bản kiểm điểm của hiệu trưởng, tự nhận định cách phân công giáo viên có dạy thêm vừa ra đề thi, vừa chấm thi kiểu “khép kính” (khép kín, sai chính tả - PV) thì “về mặt logic có thể tạo kẽ hở, vi phạm có thể xảy ra” nhưng “xác suất tiêu cực có thể xảy ra thấp”, còn đối với môn thi Âm nhạc “xác suất tiêu cực (nếu có) cao hơn”.

Thật buồn cho chữ nếu có trong ngoặc đơn, bởi chính ông Nguyễn Hùng đã thừa nhận bằng văn bản chỉ riêng một trường hợp em Tố N. ông đã cầm đến 15 triệu tiền “biếu”, dù sau này ông đã trả lại số tiền cho người đưa khi biết bị lộ.

Báo cáo phân loại chất lượng đảng viên năm 2006 của chi bộ trường CĐVHNT Đăk Lăk gửi lên Đảng ủy Sở VHTT vẫn đề nghị công nhận “Chi bộ trong sạch vững mạnh”.

60 triệu đồng để chạy 2 suất?

Gần đây, ông Đào Xuân Thủy ở xã Ea B’hôk (huyện Krông Ana) tố cáo: Con gái ông đã học hết THPT nhưng không có khả năng thi đại học. Với mong muốn con mình có nghề nghiệp ấm thân, ông đã cho con lên ôn thi trường CĐVHNT Đăk Lăk tại nhà cô H ở phường Tân An.

Sau đó, được cô H mách nước: Cháu học kém lắm nên muốn đậu phải hỏi ý các thầy trong Ban giám hiệu. Ông Thủy tìm đến nhà thầy hiệu phó Môlôhiu, được thầy chỉ giáo cho 4 điều: Đứa nào giỏi cứ tự thi đậu khỏi mất tiền; Đứa yếu thì 20 triệu; Đứa kém thì 30 triệu; Cách đưa: Gói tiền vào phong bì, ngoài phong bì ghi số báo danh, số phòng thi, tiền thì viết tắt ví dụ “30 tr” đến nhà người ta cứ để trên bàn rồi đi về.

Ông Thủy về bàn với gia đình. Không những vợ ông nhất trí mà người chị họ tên Đào cũng xin cùng “chạy” cho con của bà. Hai gia đình bán gần 4 tấn cà phê mới gom đủ 60 triệu để chạy cho hai suất.

Tối 22/7/2005, ông Thủy và bà Đào lên nhà thầy Môlôhiu đưa 60 triệu cho vợ thầy. Sau đó, con gái ông Thủy đậu thẳng vào khoa Sư phạm Âm nhạc còn con bà Đào thi lần 2 mới đậu vớt vào khoa Sư phạm Mỹ thuật.

Khổ nỗi, dù thầy cô có hứa hẹn tạo điều kiện nhưng do không có năng khiếu nên cả hai nữ sinh này đều thường xuyên phải hứng chịu sự châm chọc xỏ xiên của bạn bè.

Sau một thời gian khủng hoảng tinh thần, con gái ông Thủy gây sức ép với cha mẹ nếu không cho bỏ học con sẽ tự tử. Rốt cục chị em ông Thủy đành phải để hai đứa con bỏ học.

Vợ chồng ông Thủy cũng ý thức được việc mình bỏ tiền mua điểm cho con là phạm pháp, nhưng vì nghe nói có một số trường hợp đã đòi lại được tiền nên hy vọng mình cũng có cơ hội thu hồi ít nhiều trong khoản tiền quá lớn đã bỏ ra, lại tin chủ động tố giác sẽ được luật pháp khoan hồng nên càng “tha thiết đề nghị các cấp có thẩm quyền làm rõ sự việc” . 

“Xin thầy cô cho em lại được ít nào hay ít đấy”

 Một buổi tối tháng 12/2006, bố con ông Thủy đến nhà ông Môlôhiu - Họa sĩ, Hiệu phó trường CĐVHNT Đăk Lăk . Bà Loan vợ ông Môlôhiu ra tiếp. Nội dung buổi gặp đã được ghi âm. Tiền phong xin trích lại nội dung:

Bà Loan:  Thầy  đi làm chưa về. Tôi gặp anh ở đâu rồi nhỉ…?

Ông Thủy: Thưa, năm ngoái (2005) em có đến gửi thầy cô 30 triệu nhờ lo cho cháu. Nhưng khó quá, cháu không học được, phải nghỉ. Thú thật với cô hoàn cảnh gia đình em khó khăn, công làm có 25.000 đồng một ngày mà mất đứt 30 triệu thì xót quá, nên xin thầy cô  cho em lại được ít nào hay ít đấy .

Bà Loan: Ui giời ơi, anh nói như chuyện đùa. Công việc anh nhờ đã hoàn thành. Bỏ học là chuyện của cháu. Bây giờ tiền còn đâu mà trả !  ........     

Nếu anh không tin thì trực tiếp đến gặp thầy Phước. Tất nhiên chỉ một thầy Phước cũng không làm được mà cả Hội đồng chấm cùng lo.

Con ông Thủy:  Lúc đầu thầy cô bảo học đơn giản nhưng khi học thì có phải vậy đâu. Em không học thầy Phước, thầy Phước không dạy em buổi nào hết. Em chỉ gặp cô thôi vì chuyện này em chỉ biết cô chứ em đâu có biết ai.

Ông Môlôhiu về, nổi nóng lớn tiếng: “Tôi không biết gì chuyện đó. Con anh đã được đậu, vào học rồi, không học được thì hậu quả anh phải chịu”.

Bà Loan: Nếu xét về tình, tôi sẽ thử nói giúp xem các thầy có trả lại cho anh không? Nếu xét về pháp luật thì anh sai trước chứ không phải người cầm tiền sai đâu... Dầu sao thì thầy Hiu cũng giúp anh mới dẫn anh đến gặp thầy Phước.

Con anh bỏ học tức là nó phá hợp đồng là nó sai. Nó kém như vậy mà đậu là được giúp rồi. Cái gì cũng có giá của nó... Tôi chẳng sợ, anh có bằng chứng nào đâu? Thầy Hiu chỉ như người hoa tiêu dẫn đường thôi, việc đó do thầy Phước với mấy thầy bên Nhạc, bên Văn cùng lo...

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.