Đồng loạt khai giảng năm học mới:

Mùa tựu trường phấn chấn

Tất cả các trường học trong cả nước sẽ chọn cùng một thời khắc để chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca. Ảnh: Như Ý.
Tất cả các trường học trong cả nước sẽ chọn cùng một thời khắc để chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca. Ảnh: Như Ý.
TP - Lễ khai giảng năm nay (5/9) gọn nhẹ, không hô hào, không có lãnh đạo phát biểu mà vẫn đảm bảo tính trang trọng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho hàng chục triệu thầy cô giáo, học sinh. Các trường trong cả nước chào cờ, hát quốc ca và đánh trống khai giảng cùng một thời khắc.

Năm học 2015-2016, toàn quốc có 22,2 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới. Trong đó, có hơn 4,5 triệu trẻ mầm non, 7,6 triệu học sinh khối tiểu học, hơn 5,1 triệu học sinh khối THCS và gần 2,5 triệu học sinh khối THPT.

Giảm hình thức, tăng thiết thực

Để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới, 41.824 trường từ mầm non đến khối THPT đã lên kế hoạch tổ chức trước đó nhiều ngày. Có trường tại Hà Nội đã khoác tấm áo mới cho trường bằng cách đặt rất nhiều hoa từ Đà Lạt về đặt dọc lối đi. Có trường huy động cán bộ, giáo viên treo cờ, trang hoàng trường lớp để chào đón học sinh. Tuy nhiên, thay vì việc tập luyện, hô khẩu hiệu đảm bảo âm thanh phải đều, vang các câu: “Chúng cháu chào đại biểu, chúc đại biểu khỏe”, xếp hàng dưới trời mưa nắng như mọi năm, năm nay, các trường chú trọng phần tổ chức vui chơi, giải trí cho học sinh. Phần lễ được rút gọn dưới 1 giờ. Ở nhiều nơi, Sở GD&ĐT còn chỉ đạo các trường chỉ tổ chức phần lễ gói gọn trong 30 phút.

“Ngày 5/9, từ 5 giờ 30 sáng, chúng tôi tập trung để chuẩn bị đi chia vui với các trường. Năm nay, với tinh thần đổi mới ngay từ lễ khai giảng, chúng tôi và các thầy cô giáo, học sinh các trường giảm được nhiều áp lực. Trong lễ khai giảng, thầy cô làm sao để học sinh có được nhiều niềm vui, dấu ấn của ngày tựu trường”.

Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh Đồng Ngọc Lập 

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm lên sẵn hai phương án đối phó thời tiết đỏng đảnh của mùa thu Hà Nội. Nếu trời nắng, gần 3.000 học sinh của toàn trường sẽ mặc đồng phục, tay cầm cờ xếp hàng dưới sân trường để cùng hàng triệu học sinh trên cả nước hòa vào giây phút linh thiêng chào cờ, hát quốc ca, nghe đọc thư của Chủ tịch nước. Nếu trời mưa, đội nghi lễ vẫn cử hành lễ chào cờ, hát quốc ca dưới sân khấu có mái che, toàn bộ học sinh đứng kín hành lang để hát hưởng ứng và xem các tiết mục văn nghệ. 

“Trường không chọn tổ chức ở hội trường vì muốn toàn bộ học sinh được hưởng niềm vui, không khí ngày khai giảng”, bà Đào Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho hay. Theo bà Thủy, phần lễ ước lượng chưa đầy 1 tiết học (45 phút), toàn bộ các phần khen thưởng cũng sẽ cắt hết. Sau đó, học sinh được liên hoan nhẹ và tham gia các trò chơi, đố vui có thưởng…

Bà Phùng Tố Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội), chia sẻ: “Hơn 20 năm gắn liền với những mùa tựu trường, năm nay tôi và các giáo viên thấy phấn chấn nhất. Bởi, trước đây, mỗi mùa khai giảng, nhà trường phải chuẩn bị rất nhiều việc, lo lắng đủ thứ, còn năm nay, trường chỉ mong sao thời tiết thuận lợi để ngày khai giảng được hanh thông”. Về kế hoạch khai giảng của trường, bà Nga cho biết, phần lễ chỉ diễn ra khoảng 30 phút, sau đó học sinh thả bóng bay lên trời và tham gia các chương trình văn nghệ. “Ngày khai giảng năm nay đặc biệt hơn khi rơi vào thứ Bảy, đa số phụ huynh sẽ đến trường để chia vui với các con. Vì thế, học sinh và nhà trường đều rất háo hức cho ngày lễ này”, bà Nga nói.

Mùa tựu trường phấn chấn ảnh 1

Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tố (TPHCM) vui chơi trước ngày khai giảng. Ảnh: T.Triều.

Đơn giản mà vui

Chị Trần Thị Lâm, ở quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ, năm trước, con gái chị được vào đội văn nghệ của trường nên trước lễ khai giảng, cháu phải tập cả tuần vất vả, trong khi gia đình phải sắp xếp thời gian để đưa đón. Ngoài ra, cháu phải tham gia diễu hành, tập nghi thức. Chị Lâm kể: “Đêm trước ngày khai giảng, cháu lo lắng đến mức mất ngủ. Năm giờ sáng, chị đã dậy để chuẩn bị bữa sáng cho con 6 giờ có mặt tại trường để ráp một lần nữa, vậy mà lễ khai giảng đến hơn 11 giờ mới xong”. 

Chị Nguyễn Thị Hằng Nga, giáo viên Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), chia sẻ, sau khi Bộ GD&ĐT có quy định về đổi mới từ ngày khai giảng, chị đã rất hào hứng. “Với phần nghi lễ chỉ chưa đầy 1 giờ như năm nay, thời gian chỉ đủ cho các thủ tục cần thiết, các trường không phải nghĩ ra đủ thứ để bắt học sinh tập dượt. Điều này đỡ khổ rất nhiều cho cả giáo viên và học sinh”, chị Nga nói.

Những năm trước, học sinh phải tập trung trước ngày khai giảng nhiều ngày để tập chào cờ, xếp hàng đón đại biểu... rất vất vả. Năm nay, trường trang hoàng lại các phòng học. Trước lễ khai giảng một ngày, học sinh chỉ tổng duyệt qua phần nghi lễ chưa đầy 30 phút, sau đó tham gia văn nghệ đơn giản mà vẫn vui. “Mong sao chủ trương này sẽ tiếp tục được giữ vững trong những năm tiếp theo”, chị Nga nói.

Mùa tựu trường phấn chấn ảnh 2

Học sinh lớp 5 đón và đeo vòng hoa cho học sinh lớp 1. Ảnh: Ngô Bình.

Vui chơi bổ ích

Ông Nguyễn Thanh Triều, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TPHCM), cho biết, nhà trường chỉ tổ chức lễ khai giảng trong 30 phút, bắt đầu từ 7h sáng, nhằm tránh nắng cho học sinh, sau đó, các hoạt động vui chơi diễn ra khoảng một tiếng. Theo ông Triều, để ngày khai giảng nhiều ý nghĩa, làm cho học sinh phấn khởi, hào hứng với năm học mới, trước đó, trường tổ chức các buổi tham quan lớp học, bếp ăn, phòng ngủ… “Các em học sinh đầu cấp sẽ được làm quen với các anh chị lớp trên, được hướng dẫn vào khu vực ăn, ăn bữa miễn phí và tham quan phòng ngủ trước khi xuống sân tham gia các trò chơi”, ông Triều nói.

Bà Huỳnh Mỹ Dung, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11, TPHCM), cho biết, lễ khai giảng bắt đầu lúc 7h10 sáng và kết thúc lúc 8h, sau đó là các hoạt động vui chơi. “Những năm trước, vì nể nhà tài trợ, mạnh thường quân nên buổi lễ khai giảng diễn ra có rườm rà một chút, nhưng từ năm nay, trường sẽ cắt bỏ những nội dung này để tập trung vào phần hoạt động vui chơi cho các em”, bà Dung nói. Trong hơn một tiếng, học sinh chia ra nhiều nhóm theo sở thích như bóng đá, bóng ném, nhạc hội, đọc sách, xem phim hoạt hình, tìm hiểu về cuộc thi robocon, trò chơi dân gian, gian hàng ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn… Hơn một tuần trước, chủ nhiệm các lớp tranh thủ những buổi nghỉ, Chủ nhật để làm những miếng kẹp sách cho gian hàng của lớp để ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Học sinh, phụ huynh có thể mua ủng hộ, tự bỏ tiền vào thùng quyên góp.

Ngoài ra, học sinh được tham gia biểu diễn thời trang, mang trang phục, đồng phục theo sở thích về thể thao như bóng đá, bóng ném, bóng chuyền… Kèm theo đó là các tiết mục văn nghệ. Sau lễ khai giảng kết thúc, nhà trường sẽ tặng quà cho học sinh, gồm thú nhồi bông và thư chúc mừng của hiệu trưởng. Nhà trường cũng tổ chức lễ đón học sinh lớp 1. Mỗi lớp 1 sẽ được một lớp 5 đứng đón từ ngoài cổng, đeo vào cổ mỗi em một vòng hoa rồi dẫn vào vị trí ngồi.

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TPHCM), cho biết, mỗi năm, trường tổ chức lễ khai giảng với các chủ đề khác nhau, năm nay chủ đề là “Tổ quốc và mẹ”. Phần văn nghệ do học sinh và giáo viên thực hiện. Hành lang sân lễ sẽ được thiết kế với hình ảnh những người mẹ như Âu Cơ, mẹ Thứ chèo đò trong kháng chiến chống Mỹ… Dịp này, học sinh sẽ được giao lưu với bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Cách. Trường còn đưa vào sử dụng bộ đồng phục học sinh (mặc vào thứ Hai) lấy cảm hứng từ trang phục của các chiến sĩ hải quân. “Chúng tôi muốn một buổi khai giảng do chính các em làm, các em đạo diễn, bởi lễ khai giảng là của các em chứ không phải của ai cả”, ông Hiếu nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM), nói rằng, lễ khai giảng sẽ có đầy đủ phần lễ và hội, trong đó phần lễ ngắn gọn, linh động, phần hội có nhiều trò chơi dân gian… Năm nay, lễ khai giảng diễn ra vào thứ Bảy nên Chủ nhật sau đó là ngày hội câu lạc bộ. Trường tổ chức ngày hội câu lạc bộ cho học sinh vui chơi, giới thiệu các câu lạc bộ cho các em lớp 10 biết để tham gia. Theo bà Cúc, do sân trường hẹp, học sinh đông (khoảng 3.000 em) nên trường sẽ tổ chức hai lễ khai giảng sáng và chiều để tất cả học sinh đều được tham dự.

Năm học đổi mới

Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã ra chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới các khối. Trong đó, yêu cầu khối mầm non đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Tăng cường hoạt động vui chơi và trải nghiệm, giáo dục hình thành các thói quen phù hợp độ tuổi của trẻ. Đối với khối giáo dục phổ thông, phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh. Rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Tiếp tục áp dụng một số mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới phù hợp với Việt Nam. Triển khai có hiệu quả đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.