Năm 2007: 20 trường ĐH sẽ được toàn quyền tự chủ

Năm 2007: 20 trường ĐH sẽ được toàn quyền tự chủ
TP - Theo bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH-Sau ĐH, các trường ĐH đang chịu sự giám sát quá chặt chẽ của nhiều tầng lớp quản lý, ngay các Bộ chủ quản cũng can thiệp quá sâu vào hoạt động của trường.
Năm 2007: 20 trường ĐH sẽ được toàn quyền tự chủ ảnh 1
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Sau vụ việc Trường ĐH FPT tổ chức tuyển sinh khi chưa được phép của Bộ GD-ĐT, phong trào” đấu tranh đòi quyền tự chủ của các trường đại học (ĐH) dường như mạnh hơn.

Nhân dịp này, phóng viên Tiền phong đã trao đổi cùng bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học-Sau Đại học, Bộ GD-ĐT  xung quanh vấn đề này.

Đại học FPT: Chưa được tuyển sinh vì chưa đủ điều kiện

Đại học (ĐH) FPT chưa được phép tuyển sinh là sự  đi ngược lại xu thế nâng cao quyền tự chủ cho các trường ĐH, bà đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Trong quy định của Bộ từ trước đến nay, khi có quyết định thành lập của Bộ trưởng, các trường ĐH phải mở mã ngành và đề nghị chỉ tiêu tuyển sinh. Sau khi Bộ GD-ĐT giao mã ngành và chỉ tiêu tuyển sinh, trường ĐH mới được phép tuyển sinh.

Đương nhiên, trường ĐH phải chứng minh được các yếu tố: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy... Trong trường hợp của ĐH FPT, trường này chưa mở mã ngành đã nêu kế hoạch, thông báo tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh và dĩ nhiên Bộ GD-ĐT phải “thổi còi”.

Công bằng mà nói, ĐH FPT có gửi công văn lên Bộ  xin cho phép tự chủ về tuyển sinh và đào tạo. Nhưng theo quy định hiện hành, để mở mã ngành  không chỉ công văn là đủ mà còn phải kèm theo là cả một đề án bao gồm các vấn đề: đào tạo đảm bảo chất lượng bằng cách gì, giáo viên là ai, bao nhiêu sinh viên/lớp; CSVC ra sao, thậm chí  phải chứng minh có bao nhiêu giáo viên là tiến sĩ hay thạc sĩ...

Điều này đã cho thấy rất rõ ĐH FPT chưa đủ các điều kiện để được phép tuyển sinh.

Vậy nếu làm đủ các thủ tục ĐH FPT có được phép tuyển sinh muộn hơn không hay phải chờ đến mùa tuyển sinh năm 2007?

Với những trường ĐH đã có quyết định thành lập trong năm nay và đã được đưa vào cuốn Những điều Cần biết trong tuyển sinh thì có thể tuyển sinh theo đúng kế hoạch.

Những trường đã muộn do sau tuyển sinh mới có quyết định thành lập như trường hợp ĐH FPT nếu mở mã ngành và đề nghị chỉ tiêu tuyển sinh kịp vẫn có thể thực hiện được; dĩ nhiên, chậm nhất là trong tháng 10-11/2006; nếu chậm quá không đảm bảo đủ kỳ học nữa thì không được.

Hiện nay các trường ĐH ở Việt Nam đang được tự chủ đến đâu? Bộ “ôm đồm” quá nhiều việc như vậy có nên, thưa bà?

Quyền tự chủ hiện nay của các trường ĐH bao gồm tất cả các lĩnh vực: điều hành, tài chính, tổ chức nhân sự, đào tạo, tuyển sinh, xây dựng chương trình, hợp tác quốc tế...

Nền giáo dục Việt Nam đang chuyển dần từ quản lý tập trung sang tự chủ và tự chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của Nhà nước. Quá trình  này không thể hoàn tất một cách nhanh chóng và trôi chảy được mà đang chịu sức ỳ và quán tính rất lớn từ cả 2 phía Nhà nước và nhà trường.

Hiện nay, các trường ĐH đang chịu sự giám sát quá chặt chẽ của nhiều tầng lớp quản lý trong sự chia nhỏ lẻ của các Bộ chủ quản khác nhau; ngay các Bộ chủ quản cũng can thiệp quá sâu vào hoạt động của trường từ phân bổ tài chính đến chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung đào tạo, tuyển dụng nhân sự...

Các trường bị hạn chế, mất chủ động trong các hoạt động, điều hành, quản lý,  chuyên môn…làm cho các trường không quan tâm đến trách nhiệm trước xã hội, chỉ quan tâm đối phó với những  gì Nhà nước quản lý; còn những thứ liên quan đến những người mang lại lợi ích cho nhà trường không được quan tâm.

ĐH dân lập nở rộ vì…mục tiêu của Quốc hội

Hiện trường ĐH tư thục và dân lập ngày càng nở rộ. Nhiều tỉnh, thành đòi lập trường ĐH dân lập. Như vậy có quá nhiều, thưa bà?

Trong chỉ đạo chung của Quốc Hội và Chính phủ chúng ta phấn đấu tới đây đạt 40% sinh viên (SV) là  SV các trường ngoài công lập (NCL) để  đưa quy mô SV đến 2010 đạt mức 200 SV/1 vạn dân.

Đó là những chỉ tiêu phải phấn đấu; vì vậy, trong quy hoạch mạng lưới ĐH, CĐ, chúng ta phải  đẩy mạnh hơn nữa việc thành lập các trường ĐH NCL để  đẩy mạnh tốc độ xã hội hoá giáo dục.

Nhưng chúng ta đang cần thợ lành nghề chứ không phải cần nhiều thầy. Vì sao không phát triển mạng lưới trường nghề thay vì mở nhiều đại học dân lập?

Hai điều đó sẽ song hành với nhau chứ không phải cái này lấn lướt cái kia. Hiện tại số SV vào ĐH, CĐ mới đáp ứng 1/4 nhu cầu thực tế.

Nhưng thực tế, nhiều trường ĐH dân lập và tư thục không tuyển sinh nổi. Những trường này có nên đóng cửa, thưa bà?

Trường học không phải là doanh nghiệp thông thường, nó có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội trên nhiều mặt nên không thể đóng cửa cái rụp là xong. Những ngành nào không tuyển sinh được có nghĩa là xã hội không tín nhiệm và sẽ tự  đào thải.

Nhiều trường sẽ tự in và cấp bằng

Bà có thể phác họa bức tranh tự chủ trong tương lai gần của các trường Đại học?

Sắp tới, tuyển sinh sẽ theo hướng đổi mới như sau: Việc ra chỉ tiêu cho các trường ĐH căn cứ vào một số các tiêu chí Bộ đặt ra để đảm bảo chất lượng cơ bản nhất và trên cơ sở các tiêu chí đó các trường đăng ký khả năng tuyển sinh. Việc này sẽ được thực hiện vào năm 2007.

Về đào tạo, các trường muốn mở ngành đào tạo nào trên cơ sở danh mục đào tạo của Nhà nước thì làm hồ sơ và Bộ quyết định cho phép mở ngành. Trường ĐH sẽ quyết định chương trình đào tạo, Bộ chỉ quy định chương trình khung (chiếm 40%).

Về nhân sự, các trường không phân  biệt trong hay ngoài biên chế;  chỉ tiêu hợp đồng Bộ GD-ĐT không khống chế mà chỉ khống chế tiêu chuẩn giáo viên như học hàm học vị... còn lại tự các trường tuyển và tự chịu trách nhiệm.

Quyền tự chủ về tài chính là phần các trường kêu nhiều nhất nhưng những quy định này thuộc về ngành tài chính không nằm trong tay Bộ GD-ĐT. Hiện nay Bộ GD-ĐT cũng đang quản lý phôi bằng. Tuy nhiên, sắp tới những trường đại học đã được kiểm định, có thâm niên 10 năm đào tạo sẽ được giao cho làm công tác in ấn, cấp phát bằng.

Bà Hà cho biết: Hiện Bộ trưởng đang chỉ đạo sát sao theo một trình tương đối rõ ràng:  Năm 2006 có khoảng  20 trường được kiểm định; đến 2007 tất cả các trường sẽ tự đánh giá; đến 8/2007 có một trường tự đánh giá cũng đưa ra công bố và lựa chọn một số tiêu chí soi chung cho các trường.

Với lộ trình này tăng thêm các quyền cho các trường từ tuyển sinh đến đào tạo. Khi đã thực hiện kiểm điểm đánh giá chất lượng thì đến năm 2007 sẽ có khoảng 20 trường ĐH được trao quyền tự chủ ở mức độ cao, có thể hiểu như tự chủ gần như toàn bộ các khâu của quá trình đào tạo.

MỚI - NÓNG