Năm học mới: Gánh nặng đóng góp ngày càng tăng?

Năm học mới: Gánh nặng đóng góp ngày càng tăng?
Theo quy định của Chính phủ về việc thu, sử dụng học phí ở các trường phổ thông công lập thì những khoản phụ huynh phải đóng góp không nhiều. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Năm học mới: Gánh nặng đóng góp ngày càng tăng? ảnh 1

Con đến trường, cha mẹ lại lo... đóng góp

Theo QĐ73 của UBND thành phố Hà Nội  thì với một học sinh (HS) cấp tiểu học, mức đóng thông thường tối đa là 130.000 đ/năm. Trong đó bao gồm 40.000 đ tiền xây dựng trường, 90.000 đ tiền hỗ trợ các hoạt động phục vụ HS tiểu học.

Với phụ huynh (PH) làm nông nghiệp, mức đóng này được giảm xuống còn một nửa. Nếu PH cho con theo học mô hình lớp 2 buổi/ ngày do nhà trường tổ chức thì sẽ phải đóng thêm 50.000 đ/tháng (450.000 đ/ năm).

HS học ở cấp cao hơn thì PH phải đóng nhiều hơn một chút (chủ yếu do khoản học phí), nhưng cũng không đáng kể. Đối tượng phải đóng học phí cao nhất là HS bậc THPT thì cũng chỉ mất 30.000 đ/ tháng.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều hiệu trưởng trường học, các mức thu trên là bất hợp lý. Ông Lê Ngọc Quang - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT HN – cũng thừa nhận, những mức thu đó là rất thấp: “Đã 5 năm rồi, thời giá phải khác chứ!

Trong khi đó, Nhà nước lại bắt các trường trích 40% nguồn thu để chi vào lương cho giáo viên (do hệ số lương tối thiểu tăng từ 210.000 đ lên 290.000đ – PV). Những yếu tố đó đã gây khó khăn cho việc chi tiêu thường xuyên từ các khoản thu của các trường”.

Ngoài ra, trong thực tế, có một số khoản thu mang tính thực tiễn phát sinh nhưng chưa được quy định cụ thể nên đã nảy sinh những khó khăn và vướng mắc cho các trường khi thực hiện (ví dụ như khoản thu liên quan tới mô hình học 2 buổi/ ngày).

Vì vậy, từ tháng 4/2005, liên ngành Sở GD&ĐT và Sở Tài chính đã làm tờ trình gửi lên UBND TPHN về việc điều chỉnh, bổ sung mức thu và sử dụng nguồn thu học phí cũng như các khoản thu khác ở các cơ sở GD&ĐT trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, không chỉ các mức thu từ năm 2005 trở đi được đề xuất đều tăng mà trong danh mục các khoản thu còn thêm một số mục. Song cho đến thời điểm hiện tại, UBND TPHN vẫn chưa đồng ý với đề xuất này.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Ngữ - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT khẳng định: “Trước mắt, năm học 2005 - 2006, các địa phương vẫn phải thực hiện theo tinh thần QĐ70 của Thủ tướng Chính phủ. Tất nhiên, sẽ phải có một nghị định thay thế quyết định này nhưng điều đó cần thời gian”.

Học trường công lập: Một tiền gà, ba tiền thóc

Năm học mới: Gánh nặng đóng góp ngày càng tăng? ảnh 2

Giờ lên lớp của học sinh ở  một trường tiểu học tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Các khoản thu theo quy định tuy thấp, nhưng số tiền mà họ phải chuẩn bị để đóng cho con em mình sẽ không hề nhỏ.

Chị P.T.V (tập thể Bệnh viện Không quân, P.Tân Mai, Q. Hoàng Mai) cho biết: “Năm nay chưa họp PH nên tôi cũng chưa biết thế nào! Nếu cứ như những năm trước thì nhiều khoản lắm. Con tôi mới học tiểu học thôi, vậy mà bắt đầu vào năm học cũng phải đóng đâu 400 - 500 ngàn gì đấy!”.

Theo trí nhớ của các PH, những khoản mà họ sẽ không thể “thoát” được (ngoài học phí/ hoặc tiền hỗ trợ GD tiểu học; xây dựng trường...) trong dịp đầu năm là các khoản đồng phục, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, hỗ trợ quỹ đoàn đội, khuyến học, phô tô tài liệu, quỹ PH (lớp, trường), quỹ lớp, quỹ trường.v.v...

Ngoài ra hàng tháng còn có các khoản như học 2 buổi/ ngày, tiền ăn (với HS bán trú), tiền nước uống, quỹ tổ... Thỉnh thoảng lại còn có các quỹ như ủng hộ đồng bào bão lụt, ủng hộ người mù, quỹ người nghèo...

Những khoản “ra tấm ra món” đòi hỏi phải chi một lúc nhiều làm PH sốt ruột đã đành! Đằng này, nhiều khoản rất “lắt nhắt, lặt vặt” càng làm PH bực bội. Anh P.H - một lái xe ôm khu vực ga Hà Nội – nói: “Mỗi lần chỉ vài nghìn bạc, chẳng đáng là bao nhưng tôi thấy khó chịu với cách thu ấy quá. Mà các cháu mới học lớp 2, lớp 3 sao đã phải lo lắm gánh nặng xã hội thế!”.

Với những HS có con học lớp đầu cấp, họ lại phải lo những khoản “tự nguyện” hỗ trợ nhà trường để cải thiện điều kiện học tập. “Tự nguyện” nhưng nhiều PH vẫn phải “bấm bụng” mà đóng. Với diện HS trái tuyến, khoản “tự nguyện” càng nặng nề.

Một PH kể về việc nhập học lớp 1 cho con mình năm ngoái: “Đích thân hiệu trưởng đưa tôi đến bàn đóng tiền tự nguyện. Tôi rút trong ví ra 1 triệu đồng - một mức được gọi là “thông thường” – mà cảm giác như mình vừa bị móc túi!”.

Một hình thức thu gặp nhiều phản ứng của PH nhất lại chính là quỹ... PH. Về loại quỹ này, ông Quang cũng khẳng định: “Sở GD&ĐT chỉ đạo là ngăn cấm, không tổ chức các quỹ tương tự. Nhưng nhiều khi một nhóm PH họ tự tổ chức với nhau, nhà trường cũng không giám sát được” (?).

Tâm lý của phần lớn PH là chấp nhận đóng các khoản thu. Một số PH thậm chí không còn muốn để ý đó là những khoản gì, khi được hỏi đến thì chép miệng thở dài: “Các cô vẽ ra để mà thu ấy mà!”.

Nhưng một số ít phụ huynh thì phản ứng khá quyết liệt. Anh T.N.K (Số 2F Quang Trung, Hà Nội) đã quyết định năm học này cho con học lớp 10 ở một trường THPT dân lập dù cháu đủ điều kiện xét tuyển vào một trường công lập thuộc quận Hai Bà Trưng.

Anh nói: “Tôi thà đóng nhiều một chút nhưng thấy thoải mái. Học trường công lập thì một tiền gà, ba tiền thóc. Nếu cứ để tình trạng thu lắt nhắt như thế này, dân còn nghĩ tiêu cực về nhà trường”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.