Năm học mới ở ĐBSCL: Mong trường không sập!

Năm học mới ở ĐBSCL: Mong trường không sập!
Năm học mới đã đến, ĐBSCL lại bắt đầu đối mặt với bao nỗi lo toan, trong đó có nỗi lo về trường lớp xuống cấp, đe dọa đến tính mạng học sinh giáo viên và cả thiếu phòng học...

Trường THPT Thạnh An (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) năm học này dự kiến có 83 lớp. Trong khi 43 phòng học của trường vẫn cảnh tạm bợ, nhiều phòng bằng sắt tiền chế, xuống cấp.

Thầy Nguyễn Đức Mạnh - Hiệu trưởng cho biết: “Năm qua, trong các phòng tiền chế học sinh thường xuyên bị ngất xỉu vì quá nóng. Giáo viên thì chốc chốc phải chạy ra hành lang thở vì trong phòng quá ngột ngạt”.

Có hai dãy phòng “kiên cố” thì xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Năm 1992 một dãy đã phải đập bỏ một tầng để khỏi đổ, một dãy bị nghiêng đang phải xây thêm hàng cột chống đỡ.

Trường THPT Hà Huy Giáp (Cờ Đỏ, Cần Thơ) còn chung cấp 2 và 3. Thầy Đỗ Hiển Giang, Hiệu trưởng cho biết: “Đã xây trường THPT Cờ Đỏ với kinh phí 5 tỷ đồng để tách cấp nhưng đến nay chưa xong, mái lợp chưa xong, sân chưa san. Năm học này 72 lớp của cả 2 cấp còn phải chen chúc trong 35 phòng cũ kỹ”.

Điểm trường Kênh 15 thuộc trường tiểu học Vĩnh Trinh 3, xã Vĩnh Trinh (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) có 3 phòng cây lá xiêu vẹo, hễ nước lên là … ngập. Thế nhưng chủ đất lại đang đòi lại đất vì không cho trường thuê nữa.

Trường tiểu học Thạnh Thới An 1, xã Thạnh Thới An (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nằm bên tỉnh lộ 11, có 6 phòng. Trong đó 2 phòng dùng cho giáo viên và quản lý, còn 4 phòng học tường đã bị nứt nhiều chỗ, có chỗ vệt nứt dài, xé ngang như chờ… sập.

Nền phòng học sụp lún, bục giảng vỡ ra như đống gạch vụn. Những thanh gỗ làm đòn tay trong các phòng học đã bị mối mọt ăn nham nhở, nhiều thanh như sắp rớt xuống. Dãy cột chịu lực ở hàng hiên trơ lõi sắt vì xi măng đã “dứt áo ra đi”.

Một người dân cho biết: “Tôi có con học ở đây mà cứ sợ lắm. Trẻ nhỏ nghịch ngợm hiếu động, hay chạy nhảy, lỡ mà nó xô vào tường thì nguy quá”.

Ngôi trường bị xuống cấp từ nhiều năm nay, nhà trường đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên cho sửa chữa nhưng không có hồi âm. Chỉ với 4 phòng học ọp ẹp nhưng năm nào nhà trường cũng bố trí cả chục lớp học. Tức là phải học 3 ca. Năm học mới này dự kiến sẽ có 11 lớp.

Trường tiểu học xã Viên An (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) có 11 phòng học thì 7 phòng đã xuống cấp. Vách tường nứt nhiều chỗ, nền bị sụp lún, cửa xộc xệch. ở trường này cửa sổ làm bằng khung sắt hàn lưới B40, chỉ sau một thời gian rỉ sét các mối hàn bung ra, cửa sổ thành lỗ hổng cho trẻ vào ra.

Trường THCS xã Viên An có chưa đến 5 phòng rưỡi mà chỉ có 2 phòng tương đối rộng, còn 3 phòng rưỡi thấp lè tè, vách tường nứt nhiều chỗ, hàng cột chịu lực ở hiên bị lở lói, trơ lõi sắt.

Ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có trường tiểu học Khánh Hòa (xã Khánh Hòa) cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) có trường THCS Phú Lộc (thị trấn Phú Lộc) là trường điểm của huyện với 20 phòng học thì trong đó 12 phòng đã xuống cấp trầm trọng đang đe dọa đến tính mạng thầy và trò.

Ở thị xã Sóc Trăng cũng có một số trường như trường Tiểu học phường 8, trường THCS phường 3, trường THPT Lê Lợi... tất cả đều đang mong được sửa chữa để vào năm học mới.

Trường mới xây chậm, xuống cấp nhanh

Trường THPT Mỹ Quới ở xã Mỹ Quới (huyện Ngã Năm, Sóc Trăng) xây dựng 2,5 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng cách đây 3 năm, nhưng ngay từ khi đưa vào sử dụng đã bộc lộ chất lượng yếu kém. Nền sụp lún khiến cho gạch lót bong tróc khắp nơi.

Có phòng đã phải dỡ lên lót lại. Còn ở hành lang coi như sụp lún toàn bộ. Tường bị xé các vệt dài ở nhiều chỗ. Đặc biệt nơi các dãy phòng học giáp nhau có kẽ hở đút lọt bàn tay. Phần ô văng phía trên bị thấm nước có nguy cơ mục vỡ. Cũng ở huyện này có trường THCS Long Tân, mới xây dựng xong một trệt một lầu trị giá gần 2 tỷ đồng nhưng chất lượng cũng rất kém.

Tại huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), trường THCS xã Thạnh Trị, mới xây xong vào tháng 2/2005, trường có 8 phòng, 1 trệt 1 lầu, kinh phí 1,7 tỷ đồng sẽ đưa vào sử dụng năm học 2005-2006 nhưng nền đã sụp lún, cửa gắn sơ sài.

Được biết, khi thi công, đơn vị thi công không đổ đà xung quanh mà cho lấp cát rồi xây lên, do đó phần nền xung quanh trường sụp lún là điều không thể tránh khỏi. Trường mới xây xong, chưa sử dụng đã hư hỏng, không biết một vài năm sau sẽ ra sao ?

Tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), ở trường THCS Dân tộc nội trú, mới đưa vào sử dụng được ít năm nhưng nay đã hư hỏng. Nền bị sụp lún cả trước, sau và trong các phòng học. Cửa lớn, cửa nhỏ làm bằng gỗ chất lượng kém nên xộc xệch.

Đặc biệt cửa sổ gắn kính đã bị vỡ nhiều chỗ. Hàng lan can ở trên lầu đến nay đã gãy. Ô văng ngấm nước bong tróc nhiều mảng có nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào. Mái ngói có chỗ bị rớt ra ngoài gây dột nặng, thậm chí ánh nắng cũng chiếu vào bàn học.

Chương trình kiên cố hóa trường lớp ở các tỉnh tiến hành rất chậm cũng làm cho nỗi lo về trường lớp vào năm học mới thêm nặng nề. Tỉnh Đồng Tháp có nhu cầu xây dựng 2.836 phòng học và HĐND tỉnh đã thông qua đầu năm 2004 nhưng sau đó Bộ GD-ĐT chỉ chấp thuận 1.032 phòng. Đến nay mới xây dựng được 686 phòng (24% nhu cầu và 66% kế hoạch).

Tỉnh An Giang triển khai xây dựng 968 phòng học đến nay mới hoàn thành 212 phòng (gần 22%). Dù phòng học xuống cấp, tre lá tạm bợ nhưng các tỉnh ở ĐBSCL cũng đang phải lo sửa chữa tạm thời, “giật gấu vá vai” để phấn đấu … không tăng phòng học 3 ca ở năm học mới.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.