Nạn bằng giả ở Pháp liên quan học viên châu Á

Cảnh sát Pháp ập vào bắt toàn bộ Ban giám hiệu Trường Thương mại ở Paris. Ảnh: Figaro
Cảnh sát Pháp ập vào bắt toàn bộ Ban giám hiệu Trường Thương mại ở Paris. Ảnh: Figaro
TP - Báo chí Pháp đưa tin, đã xuất hiện tình trạng sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả của người học đến từ một số nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam… Một số trường trực tuyến của Pháp cũng bán bằng giả, kiếm bộn tiền.

Báo chí Pháp đưa tin, một số sinh viên du học với chứng chỉ đỗ đại học giả ở Việt Nam. Sang Pháp, một số người tự làm bảng điểm giả từng năm để được gia hạn thẻ sinh viên, thực chất đi làm kiếm tiền. Nghi ngờ một số trường hợp, Sở Nội vụ Pháp kiểm tra, gọi điện thoại đến trường, phát hiện không có tên sinh viên như vậy.

 Sinh viên này đã mượn sinh viên khác giấy tờ rồi tẩy xóa tên, sau bị đuổi về nước, không được gia hạn. Một số về Việt Nam với bằng tự làm giả để đối phó cha mẹ và xin việc ở quê nhà. Hiện nay còn có hiện tượng du học sinh qua Pháp thuê người đi thi hộ tiếng Pháp để lọt vào đại học. Không có trình độ Pháp nhất định, người nước ngoài không được ghi danh đại học. Báo chí Pháp đưa tin, có người đã trả 2.000 euro để bạn đi thi hộ tiếng Pháp.

Vừa rồi, cảnh sát Paris bắt giữ toàn bộ ban giám hiệu Trường Thương mại quận 15 chuyên dạy ngoại ngữ, nhưng thực chất chuyên làm giấy tờ nhập học giả cho người Trung Quốc muốn sang Pháp qua đường du học. Trường đã đưa hơn 100 người Trung Quốc sang Pháp, kiếm được hơn 1 triệu USD trong vòng vài tháng.

Biết một bộ phận người dân các nước đang phát triển sính bằng cấp, các khoa kinh tế, thương mại, hành chính… đào tạo trên mạng nở rộ, vì khó đánh giá ngay năng lực học viên những ngành nghề này. Năm 2009, vài  trường đại học trên mạng ở Pháp, như Đại học Tổng hợp Lyon, khoa Truyền thông, Đại học Tổng hợp Toulon, Perpignan ngành kỹ thuật bị phát hiện bán hàng loạt bằng giả. Các trường này đã thu về hơn 20 triệu euro từ hàng loạt sinh viên nước ngoài, đặc biệt là sinh viên ở châu Phi, Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Ở Việt Nam cũng có hệ thống ăn tiền để đưa sinh viên du học với giấy tờ giả, thực chất là đưa đi lao động.

Giả đơn thuốc, trục lợi bảo hiểm

Pháp mới đây bắt một «tiến sĩ dược sĩ» người Pháp gốc Việt về tội làm khống đơn thuốc moi tiền bảo hiểm. Báo chí Pháp đưa tin, đơn thuốc phải do bác sĩ Pháp cấp; bác sĩ phải có giấy phép hành nghề và đăng ký ở trung tâm bảo hiểm, nếu không, bảo hiểm không thanh toán. 

Hiệu thuốc cũng phải đăng ký mã số ở trung tâm bảo hiểm. Bệnh nhân không phải trả tiền trực tiếp, hầu như tất cả qua hệ thống điện tử. Lợi dụng hệ thống và lòng tin của trung tâm bảo hiểm, một người Pháp gốc Việt tên là Marie Christine Ho đã làm giả một loạt đơn thuốc của một vài bác sĩ, để lấy tiền bảo hiểm. 

Nạn bằng giả ở Pháp liên quan học viên châu Á ảnh 1

Bà Marie Christine Ho.

Số tiền tăng nhanh (340.000 euro trong vòng vài tháng) đã gây sự chú ý của trung tâm bảo hiểm. Hơn nữa, tất cả giấy tờ thanh toán của bảo hiểm đều có hai bản, một bản gửi cho nhà thuốc và một bản gửi cho bệnh nhân để có thể thanh toán nốt bảo hiểm phụ, vì bảo hiểm chính phủ chỉ trả 70% và 100% cho số bệnh nghiêm trọng như đau tim… 

Nhiều bệnh nhân nhận thư bảo hiểm không để ý, nhưng bảo hiểm phụ là bảo hiểm tư nhân nên thường được kiểm tra kỹ lưỡng. Quỹ Bảo hiểm nào cũng có đội ngũ thanh tra riêng.

   

Bảo hiểm tư đã phát hiện ra sự bất thường liên tục trong các toa bác sĩ. Bà Marie Christine Ho đã phủ nhận việc làm giả, đổ tội cho khách hàng giả mạo. Thanh tra đã phải dùng biện pháp kiểm tra chữ, và bà đã bị kết án 3 năm tù (trong đó có 18 tháng tù treo). Thanh tra còn phát hiện bà sử dụng bằng tiến sĩ dược giả để mở tiệm thuốc từ năm 2008. 

Ở Pháp, bằng cấp đều có số ghi trong thư viện trường. Riêng với bằng tiến sĩ, bác sĩ đang hành nghề, có thể kiểm tra trên mạng. Thi vào ngành y dược rất khó, thi 3 lần trượt thì vĩnh viễn không thể thành dược sĩ hoặc bác sĩ.

Học ở khu nào hành nghề nơi đó vài năm mới được chuyển để tránh tình trạng thi trường dễ ở các tỉnh chạy về thủ đô Paris hành nghề. Chính sách này nhằm đào tạo bác sĩ cho các vùng xa xôi. Tất nhiên, trình độ như nhau, nhưng điểm thi vào thấp hơn.

MỚI - NÓNG