Nắng nóng, trường học lo mất điện

Nắng nóng, trường học lo mất điện
TP - Bước vào đợt nắng nóng đầu tiên, nhiều trường học ở Hà Nội cũng như phụ huynh nơm nớp lo trường mất điện.

 > Mưu sinh bên lửa hồng giữa 'chảo' nắng nóng

Vừa học vừa lo mất điện
Vừa học vừa lo mất điện.

Nhiều hiệu trưởng cho biết, dù tình hình cung cấp điện cho các trường học năm nay tốt hơn năm ngoái nhưng trường nào cũng đều chuẩn bị kế hoạch ứng phó khi mất điện.

Ngày 3-5, nhiều phụ huynh trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Thanh Xuân) bày tỏ lo ngại khi được nhà trường khuyến cáo, nhiều khả năng hôm đó nhà trường sẽ bị cắt điện để sửa chữa.

Một phụ huynh nói: “Tôi không hiểu nhu cầu sửa chữa bức xúc đến đâu mà ngành điện lực lại nỡ có kế hoạch cắt điện trường học vào ngày hành chính. Cho dù có thiếu điện, cần cắt điện luân phiên thì cũng nên ưu tiên học sinh, nhất là các cháu mầm non và tiểu học. Nếu chỉ là sửa chữa thì họ có thể cắt điện khu vực có trường học vào thứ bảy, chủ nhật”.

Rất may là việc cắt điện đã không diễn ra. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, dù có bị cắt điện, tình hình vẫn không bí bách đến nỗi phải cho học sinh nghỉ học.

Cô Diệp nói: “Sau khi được thông báo cắt điện, tôi gọi cho các anh bên điện lực và đề nghị bên đó cố gắng buổi trưa mở điện trở lại để các con có thể ngủ. Họ cũng hứa là sẽ cố gắng hết sức”.

Cô Kim Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa), cho biết, do trường quá đông học sinh và lớp học khá chật chội nên nếu bị cắt điện vào tiết trời nóng nực như mấy hôm nay thì trường không còn cách nào khác là cho học sinh nghỉ học.

Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy), việc quyết định cho học sinh nghỉ học kéo theo nhiều hệ luỵ, đặc biệt với phụ huynh học sinh.

“Ngoài việc phải xin ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên, chúng tôi phải quan tâm tới nhu cầu của phụ huynh. Nắng nóng phụ huynh cũng phải đi làm, không ai được nghỉ để trông con. Chúng tôi chỉ khuyến khích phụ huynh nào có điều kiện thì buổi trưa đón con về, chiều lại cho các cháu đến trường học.

Còn phía nhà trường sẽ nỗ lực hết sức để chống nóng cho các con như huy động lao công, bảo vệ tưới nước trên sân trường. Buổi trưa khi các con ngủ thì hai cô giáo cầm hai quạt nan đứng giữa lớp phe phẩy quạt vòng quanh như chong chóng”, cô giáo Lan nói.

Cô Ngô Thị Hoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Phúc Đồng (quận Long Biên) cho biết, sau khi trường mới đi vào hoạt động, nhà trường đã trích ngân sách mua một máy phát điện.

“Rất may hồi đó Nhà nước chưa yêu cầu siết chặt chi tiêu nên Kho bạc chấp nhận ngay đề xuất của chúng tôi. Nhiều trường trong khu vực chậm chân hơn nên đến giờ vẫn chưa được duyệt mua máy phát điện”.

Đã thành nội quy, về mùa hè, mỗi lần bị mất điện, trường cho phát máy nổ là giáo viên các lớp tắt hết hệ thống chiếu sáng, chỉ để hệ thống quạt hoạt động.

Hầu hết hiệu trưởng cho rằng, dù ngành điện lực không có thông báo chính thức về việc ưu tiên sử dụng điện đối với các trường học nhưng trên thực tế, đề xuất của các trường đều được ngành điện lực đáp ứng.

Cô Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) kể: “Năm 2010, có ngày trường tôi mất điện hàng chục lần do hệ thống tải điện của trường quá cũ, thiết bị lại nhiều. Sau khi tôi làm đơn đề nghị Điện lực quận Hoàn Kiếm nâng cấp đường điện cho trường, họ thực hiện ngay. Mỗi lần bên điện lực thông báo cắt điện để sửa chữa, nếu đang là mùa thi thì chúng tôi đề nghị họ lùi lại việc này vào thứ Bảy, Chủ nhật, họ đều vui vẻ chấp thuận”.

Cơ quan quản lý ngành giáo dục các cấp cũng thường chủ động đề xuất ngành điện lực ưu tiên về điện với các trường học. Ngày 4-5, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ký công văn gửi Tổng Cty Điện lực Thành phố Hà Nội và cơ quan điện lực các quận, huyện, thị xã về việc đảm bảo cấp điện tại các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố.

Nội dung công văn có đoạn: “Để khắc phục tình trạng nắng nóng bất thường, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội trân trọng đề nghị Tổng Cty Điện lực Thành phố và Điện lực các địa phương quan tâm chỉ đạo, khi bố trí lịch cắt điện chung theo kế hoạch vẫn cần có phương án ưu tiên để cung cấp điện lưới ổn định, liên tục tại các trường trong thời gian giảng dạy và học tập (ban ngày), đặc biệt quan tâm tới các trường mầm non, tiểu học có học sinh bán trú trên địa bàn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG