Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
TP - Bộ GD&ĐT nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, giao quyền về cho các trường “xét tuyển”, nhất định sẽ tránh được “học tài thi phận”. Nếu xét kết quả học lực, phấn đấu của học trò suốt 3 năm THPT sẽ khiến ngay từ lớp 10, học trò nỗ lực học tập.

Dù “nhập hai kỳ thi làm một” như người ta nói rất hình ảnh: “Hai trong một”, hoặc như Bộ GD&ĐT “xây dựng kế hoạch đề án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả thi để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và căn cứ xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp xét tuyển theo nhiều tiêu chí”, bản chất cũng chỉ là “hai trong một” chẳng có gì khác nhau.

Có điều nên bỏ kỳ thi nào để việc công nhận tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển vào ĐH, CĐ khách quan, công bằng, chọn đúng nhân tài, không để học sinh đỗ, trượt “oan”, “ngồi nhầm lớp”.

Bớt một kỳ thi, khâu tổ chức đỡ cồng kềnh và đương nhiên tiết kiệm được nhiều tỷ đồng cho Nhà nước, nhân dân. Nhưng nên bỏ kỳ thi nào là hợp lý, hợp tình.

Đành rằng chúng tôi cũng hiểu, trong bối cảnh “lều chõng” của ta hiện nay, hình thức thi nào cũng khó mà “sạch” được hoàn toàn. Thôi thì cứ chọn phương án ít tiêu cực hơn, thực chất hơn để chọn ra “cậu tú, cô tú”.

Chúng tôi cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp phổ thông, giao quyền về cho các trường “xét tuyển”, nhất định sẽ tránh được “học tài thi phận”. Nếu xét kết quả học lực, phấn đấu của học trò suốt 3 năm THPT sẽ khiến ngay từ lớp 10, buộc học trò nỗ lực học tập, phấn đấu rèn luyện đạo đức.

Người theo dõi, dạy dỗ, nắm vững diễn biến nhân cách, chất lượng học của trò chẳng ai bằng các thầy chủ nhiệm, bộ môn trực tiếp giảng dạy suốt 3 năm THPT. Hội đồng “xét tuyển” gồm Chủ tịch là thầy Hiệu trưởng, thành viên hội đồng là các thầy cô giáo, chủ nhiệm, tổ trưởng chuyên môn, thư ký hội đồng có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng, có cái tâm của ông thầy nữa, chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Trò đáng đỗ sẽ đỗ. Trò đáng trượt sẽ không đỗ. Học sinh cả 3 năm THPT đạt kết quả hạnh kiểm khá, học lực trung bình được công nhận tốt nghiệp phổ thông. Trò không bị “căng”, thầy không quá bận rộn coi thi chấm thi, công việc làm có hiệu quả, tránh tiêu cực, không tốn công sức, tiền bạc.

Thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) là một kỳ thi tuyển chọn nhân tài. Học sinh có bằng tú tài, xét thấy đủ khả năng, ham muốn được học ĐH, CĐ dứt khoát phải tham dự kỳ thi tuyển và cũng chỉ những em đạt đủ điểm “chuẩn” mới trúng tuyển ĐH, CĐ.

Bộ GD&ĐT nên giao quyền tổ chức thi tuyển cho các trường ĐH, CĐ tự quyết từ A đến Z. Các trường sẽ chủ động và có trách nhiệm cả quá trình đào tạo theo kế hoạch mà Bộ giao cho họ. Nếu làm sai, tiêu cực Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Nhà nước, nhân dân.

Ở nước ta, điều kiện cơ sở vật chất, lực lượng các thầy dạy ở bậc ĐH, CĐ có “đẳng cấp” còn thiếu nhiều nên chưa đủ khả năng “ôm” hết các tú tài vào các trường ĐH, CĐ. Do đó, việc tổ chức thi tuyển vào ĐH, CĐ là cần thiết, phù hợp với thực tế trong giai đoạn hiện nay.

Hơn nữa, nền kinh tế đất nước cần nhiều thợ có “bàn tay vàng”. Con đường vào các trường học nghề rộng mở, sẵn sàng đón nhận tất cả các trẻ thử vận may. Một người thợ xây giỏi chắc chắn cuộc sống cần hơn một kỹ sư tồi. Nhiều nghệ nhân biết làm giàu khẳng định mình bằng bộ óc sáng tạo, bàn tay khéo léo làm đẹp cho đời.

Cũng có ý kiến cho rằng, học tập kinh nghiệm một số nước, trường ĐH, CĐ nhận hết học sinh tốt nghiệp phổ thông, không cần qua thi tuyển. Đào tạo theo kiểu “hình chóp”, hàng năm loại dần những sinh viên không đạt yêu cầu “lên lớp”. Hậu quả dẫn đến số đông cử nhân “hụt”, “cao không tới, thấp không xong” sẽ đi về đâu?

Giá như họ được định hướng con đường vào đời khi tốt nghiệp phổ thông, họ không mất thời gian công sức chạy theo giấc mơ hão huyền, trong lúc còn nhiều hướng đi khác phù hợp với khả năng của họ hơn.

Việc Bộ GD& ĐT dự định lấy kết quả thi tốt nghiệp phổ thông xét tuyển vào ĐH, CĐ e rằng sẽ có nhiều bất cập. Hiện nay tuyển sinh lớp 10 THPT còn căn cứ vào “xét tuyển” và “thi tuyển”. Chẳng lẽ vào ĐH, CĐ chỉ cần “xét tuyển”?

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông phải làm hai nhiệm vụ: tốt nghiệp phổ thông và tuyển vào ĐH, CĐ. Học trò mang tâm lý căng thẳng, nặng nề, chắc chắn hiện tượng tiêu cực sẽ diễn biến phức tạp.

Thi trắc nghiệm: Thi chơi, có điểm thật

Thi trắc nghiệm giống như trò chơi truyền hình, một câu hỏi, kèm theo ba đáp án. Người chơi chọn đáp án cho là đúng được nhận giải thưởng. Người tham gia chơi trong thời gian ngắn phải trả lời trước ban giám khảo, đông đảo cử tọa theo dõi, kiểm tra, không thể “quay cóp”, khó hơn cả thi “vấn đáp”.

Thi trắc nghiệm khác trò chơi ở chỗ cho đề “chẵn”, đề “lẻ” nghiêm túc không hạn chế thời gian, với cách trả lời bằng đánh dấu thập (+) học trò chỉ “liếc” qua hoặc hỏi nhau bằng nhiều cách của đám “nhất quỷ nhì ma”, thí sinh dễ dàng có đáp án đúng.

Thi trắc nghiệm buộc học sinh thuộc bài máy móc, khi làm bài không cần thông minh, sáng tạo, học trò khó bộc lộ hết khả năng trình độ. Thầy làm sao phát hiện được một bài văn hay giàu cảm xúc có cá tính của trò hoặc lời giải “đẹp” của một bài toán, bởi vì, đề trắc nghiệm chỉ “bó” vào tri thức sẵn có trong sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT cho là hợp với “xu thế chung” thì cứ thí điểm, vừa làm vừa lắng nghe ý kiến phản hồi của dư luận vừa rút kinh nghiệm. Bộ nên sớm có kết luận, đừng để quá lâu tới gần 20 năm như chương trình cải cách phân ban sẽ chẳng còn gì để nói nữa.

Vì những lẽ trên, thi trắc nghiệm chưa nên làm đại trà, chỉ nên tập trung vào các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ. Riêng các bộ môn khoa học xã hội, đặc biệt môn văn, không nên thi trắc nghiệm.

Ví dụ đại loại câu hỏi trắc nghiệm: Bài thơ Đất nước của tác giả nào? A. Nguyễn Thi, b. Bùi Bình Thi, c. Nguyễn Đình Thi. Câu trả lời đúng chỉ dừng lại buộc học sinh nhớ tên tác phẩm và tác giả đừng để “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Đánh giá trình độ học văn của trò chỉ thế thôi, chưa đủ.

Sỹ Tứ
Trường THPT Trần Phú, Hà Nội

MỚI - NÓNG