Nên có 2 bộ sách Lịch sử

Nên có 2 bộ sách Lịch sử
TP - Điểm thi môn Lịch sử của thí sinh trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 cực kỳ thấp là nỗi buồn với rất nhiều giảng viên dạy môn này.

>> 'Thảm họa' điểm thi môn Lịch sử

Nên có 2 bộ sách Lịch sử ảnh 1
TS. Hà Minh Hồng

Trong số đó, TS. Hà Minh Hồng là một trong những người nặng lòng nhất. Tiền phong đã có cuộc trao đổi với TS. Hà Minh Hồng - Trưởng khoa Lịch sử ĐH KHXH&NV TPHCM. Ông Hồng nói:

Cả xã hội luôn quan niệm: môn Lịch sử chỉ là môn học bài. Nhưng để học Sử tốt, học sinh phải “học để biết Sử  chứ không phải học để thuộc Sử”.

Xã hội cũng luôn nghĩ rằng: Lịch sử là môn học không thực tế và ai không có khả năng học mới phải đi theo môn này.

Trong các năm, thực tế những thí sinh có nguyện vọng thực sự vào học môn Lịch sử chỉ xấp xỉ từ 10-15%. Những người khác thì chấp nhận vào khối C vì không biết thi gì khác.

Cách giảng dạy của khối các trường sư phạm để đào tạo ra giáo viên môn Lịch sử vẫn còn quá cứng nhắc. Nếu truyền dạy theo kiểu các trường sư phạm hiện nay thì sẽ không thay đổi được các xã hội nhận thức về môn học này.

Phải đổi cách dạy ở trường sư phạm bằng việc ngoài tryền đạt nghiệp vụ sư phạm, sinh viên cần phải được tiếp thu kiến thức Lịch sử theo hướng nghiên cứu.

Một lý do khác theo tôi cũng không kém phần quan trọng là sách giáo khoa (SGK). SGK hiện nay hơi nặng nề và kinh viện. Vì thế, người dạy phải chạy theo khối lượng chương trình và dạy đúng giờ, không đủ thời gian giảng dạy và truyền đạt cái hay của môn Lịch sử.

SGK Lịch sử là một trong những môn cần giảm tải đầu tiên nhưng vẫn chưa có chuyển biến gì nhiều?

Lý do SGK Lịch sử hiện nay nặng nề nằm ở đâu? Theo tôi, lý do đầu tiên nằm ở việc soạn SGK Lịch sử  phải bị ràng buộc rất nhiều, không thể tùy tiện được.

Thứ hai là khi các thầy soạn SGK đưa ra hội đồng phản biện thì những người phản biện đều là học trò, rất khó đưa ra ý kiến không đồng thuận. Mà nhiều thầy soạn sách đều nghĩ: vấn đề này phải bài bản thế này, thế kia thì mới đúng…

Theo ông, cần thay đổi theo hướng nào là tốt nhất?

Phải có một cơ chế thoáng hơn để cách viết khác đi. Ví dụ: biến quan điểm, sự kiện, vấn đề thành những câu chuyện lịch sử. Trước kia không có khả năng viết sử thì người ta vẫn viết thành những câu chuyện về thời vua Hùng dựng nước đấy thôi.

Những câu chuyện lịch sử bao giờ cũng khiến học sinh nhớ lâu hơn những con số, sự kiện vốn khô khan. SGK Lịch sử hiện nay phần lớn chỉ thiên về nghiên cứu chứ không phải để học.

Bởi thế, tôi nghĩ nên có 2 bộ SGK Lịch sử. Một bộ sách thiên về những câu chuyện lịch sử để giảng dạy và một bộ sách dùng để nghiên cứu, tham khảo cho giáo viên, học sinh yêu thích môn Lịch sử…

MỚI - NÓNG