Quy định về tỷ lệ chỉ tiêu đào tạo đại học chính quy và phi chính quy:

Nên để cơ chế thị trường điều tiết?

Nên để cơ chế thị trường điều tiết?
TP - Đại diện nhiều trường đại học bức xúc phàn nàn rằng quy định của Bộ GD&ĐT cho phép các trường này tuyển sinh hệ phi chính quy với chỉ tiêu chỉ bằng 70% tổng chỉ tiêu hệ chính quy là “quá ít” và “bất hợp lý”.
Nên để cơ chế thị trường điều tiết? ảnh 1

Nhu cầu học tập ở cả hệ đại học chính quy và phi chính quy đều rất lớn.
Ảnh: Hồng Vĩnh

Năm 2007, Học viện Tài chính đề nghị  tuyển 2.250 (tăng 10% so với chỉ tiêu đúng như Bộ quy định). Tuy nhiên, trường này chỉ dám đề nghị xin 2.000 chỉ tiêu phi chính quy cho các hệ tại chức, văn bằng 2... và chỉ dám hy vọng được duyệt 1.800 chỉ tiêu mặc dù nhu cầu đào tạo các hệ này là rất lớn, gấp 4 lần chỉ tiêu đề nghị. Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội xin 2.300 chỉ tiêu hệ chính quy nhưng đề nghị tuyển tới 3.400 chỉ tiêu phi chính quy.

Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, tổng chỉ tiêu của tất cả các loại hình đào tạo phi chính quy gồm: vừa làm vừa học, văn bằng 2, đào tạo liên thông của một trường chỉ được phép ở mức 70% tổng số chỉ tiêu đào tạo chính quy mà thôi. Lý  do chính là Bộ GD&ĐT đang muốn chấn chỉnh lại các loại hình đào tạo phi chính quy, đặc biệt là đào tạo tại chức đang có nhiều phức tạp và  khuyến khích các trường tập trung vào đào tạo sau đại học.

Trong khi đó, ông Ngô Thế Chi – GĐ Học viện Tài chính cho biết: Nhu cầu học  tập của học viên tại Học viện quá lớn. Năm nay có trên 50 cơ sở  tại các tỉnh, thành phố xin đào tạo tại chức với hơn 8.000 chỉ tiêu. Ông cho rằng Bộ GD&ĐT nên  tăng chỉ tiêu đào tạo hệ này cho các trường vì  cơ sở vật chất của các loại hình đào tạo này phải được tính ở các tỉnh. Hơn nữa, có những ngành đào tạo không cần thiết bị.

Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng không thể  lý giải nổi việc Bộ GD&ĐT quy định chỉ tiêu các loại hình đào tạo phi chính quy chỉ bằng 70% chỉ tiêu chính quy. Theo ông, số giờ học của các hệ này dù cao nhất cũng thấp hơn số giờ học của hệ chính quy do sinh viên không phải học một số môn như giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng...

“Với thời lượng học như vậy, đáng lẽ chỉ tiêu của những loại hình đào tạo phi chính quy ít nhất cũng phải bằng chỉ tiêu hệ chính quy và chỉ tiêu hệ chính quy chỉ nên bằng 70% hệ phi chính quy” – Ông Sơn kiến nghị.

“Đó là chưa kể một lý do tế nhị khác là hệ chính quy càng tuyển nhiều các trường càng phải bù lỗ. Đáng ra phải cho phép các trường tuyển phi chính quy nhiều hơn để các trường có thể bù lỗ cho đào tạo chính quy” - Ông Sơn nói – “Điều này còn góp phần chống tiêu cực nhờ tạo nguồn thu nâng cao đời sống giáo viên”.

Còn ông Nguyễn Hòa - Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho rằng nên tùy từng ngành mà quy định tỷ lệ chỉ tiêu giữa chính quy và phi chính quy.

Chẳng hạn, đối với ngành ngoại ngữ, nhu cầu người học rất lớn -người ta không chỉ học để đi dạy, đi dịch, đi làm việc mà nhiều người muốn học đơn giản là để đi du lịch hoặc thưởng thức cuộc sống.

“Nên để cơ chế thị trường điều tiết (tỷ lệ chỉ tiêu). Các trường dựa vào nhu cầu và khả năng để định chỉ tiêu. Bộ GD&ĐT đóng vai trò quản lý nhà nước ở chỗ kiểm tra và đánh giá chất lượng” – ông Hoà đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN (trước đây là ĐH Quản trị Kinh doanh Hà Nội) cho rằng định chỉ tiêu đào tạo theo tiêu chí của Bộ GD&ĐT không thực tế đối với trường vì cán bộ giáo viên của trường kiêm giảng rất nhiều. Vì vậy, trường đã đề nghị số lượng chỉ tiêu tương đối lớn so với quy định.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.