Diễn đàn: Lấy kết quả thi THPT quốc gia xét tuyển vào ĐH, CĐ và...

Nên suy nghĩ kỹ hơn về hai vấn đề lớn trong giáo dục

Nên suy nghĩ kỹ hơn về hai vấn đề lớn trong giáo dục
TP - Hai vấn đề lớn được đặt ra hiện nay đó là : Thi tốt nghiệp THPT bằng tự luận hay trắc nghiệm? Có nên lấy kết quả thi THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ không?

Để giải đáp 2 câu hỏi này, nghĩ rằng nên tham khảo tình hình ở một số nước tiêu biểu để biết cho đến hiện nay (2007) họ đã tiếp cận 2 vấn đề này như thế nào?

Ở đây tôi xin dẫn chứng 4 nước: Pháp, Mỹ là những nước có trình độ phát triển cao về kinh tế và giáo dục, Hàn Quốc là con rồng nhỏ ở châu Á (và cũng ở trên thế giới) và Brazil là nước lớn nhất ở châu Mỹ Latinh, là nước bước đầu đứng vào hàng ngũ những nước phát triển.

Pháp

1. Thi Tú tài (tốt nghiệp THPT) hoàn toàn bằng tự luận, không có môn thi nào bằng trắc nghiệm.

2. Theo một “lệ” đã có từ hơn 170 năm nay là cứ có bằng Tú tài thì có thể ghi tên vào đại học, không phải thi. (Phải chăng thời ấy Tú tài còn quá hiếm, không nhiều như ngày nay nên người ta có biện pháp khuyến khích?).

Tuy nhiên hiện nay, sau năm học thứ nhất ở đại học, sinh viên phải qua một kỳ thi lên lớp rất nghiêm ngặt, hàng loạt sinh viên không đạt yêu cầu nghĩa là không đủ trình độ theo học tiếp đã bị loại ra.

Kỳ thi lên lớp này chính là thi tuyển sau năm thứ nhất.

Mặt khác, một số trường đại học hiện nay đã phá lệ, nghĩa là bắt các Tú tài phải thi tuyển ngay từ đầu vào, như trường Đại học Bách khoa (đào tạo kỹ sư), Đại học Thương mại v.v...

Mỹ

1. Thi Tú tài (tốt nghiệp THPT) bằng trắc nghiệm.

2. Muốn vào đại học, các Tú tài đều phải thi tuyển rất nghiêm ngặt.

Hàn Quốc

1. Không thi tốt nghiệp THPT mà ở năm cuối cấp lấy điểm kiểm tra học kỳ 1 và điểm kiểm tra học kỳ 2. Hình thức kiểm tra bằng trắc nghiệm với thang điểm 100.

2. Muốn vào đại học, những học sinh đã đạt yêu cầu trong hai kỳ kiểm tra nói trên đều phải thi tuyển rất nghiêm ngặt. Hầu hết các bậc cha mẹ đều hết sức lo lắng cho con mình liệu có trúng tuyển vào đại học được không!

Brazil

1. Thi Tú tài (tốt nghiệp THPT) hoàn toàn bằng tự luận.

2. Muốn vào đại học, các Tú tài phải xuất trình học bạ, chứng minh là đã học đầy đủ tất cả các môn ở bậc trung học và sau đó phải dự một kỳ thi tuyển gọi là “Vestibula” (từ tiếng gốc Bồ Đào Nha “vestibulo” nghĩa là phòng tiền đình, phải đi qua phòng này mới vào được các phòng khác trong ngôi nhà).

Kỳ thi “Vestibula” gồm 4 môn là Toán, Lý, Hóa, Văn và ngữ pháp. Về môn thi Văn có 3 đề chọn 1.

Qua đó chúng ta thấy việc thi cử ở 4 nước nói trên có những chỗ khác nhau, nhưng cả 4 nước nói trên đều coi trọng việc thi tuyển đại học, kể cả nước Pháp với cách thi tuyển sau năm thứ nhất.

II - Ở nước ta, đã có thể xét tuyển vào ĐH, CĐ được chưa?

Những người phản đối việc xét tuyển đã lập luận là kỳ thi Tú tài và thi vào đại học có mục đích và tính chất khác nhau nên không thể lấy kết quả thi THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ được.

Tôi xin góp thêm 3 ý sau đây :

1. Chúng ta quen nói “Thi tốt nghiệp THPT”. Thực ra chữ “thi” chưa chính xác. Vì “thi” là ganh đua hơn kém. “Thi” THPT không cần ganh đua, đủ điểm trung bình là đỗ.

Tiếng Pháp có phân biệt rõ: thi tốt nghiệp là “Examen” (đọc là éc-da-manh) có nghĩa là khảo sát, còn thi tuyển để phân biệt hơn kém là “concours” (đọc là công-cua).

Do đó nguyên tắc ra đề trong “thi” tốt nghiệp là phải ở mức độ trung bình của kiến thức. Thí sinh nào làm trọn vẹn và đúng các đề thi có thể được ghi “loại giỏi” vào văn bằng.

Nay trong đề thi có 1/3 hoặc 1/2 số câu hỏi vào loại khó nhằm phục vụ xét tuyển ĐH, CĐ thì thí sinh ấy có thể chỉ đỗ vào loại trung bình hoặc nhiều lắm là khá.

Như vậy là thiệt thòi cho thí sinh ấy và cũng là vi phạm nguyên tắc ra đề thi.

2. Muốn lấy kết quả thi THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ thì điểm thi tốt nghiệp THPT phải hoàn toàn trung thực, không thể do gian lận mà có.

Những năm trước đây kết quả thi tốt nghiệp THPT trong cả nước là trên 90%  số thí sinh. Năm 2007, qua 2 đợt thi, kết quả là trên 80%, nghĩa là chỉ kém khoảng 10%.

Tất nhiên trước khi thi đợt 2, một số thí sinh được mấy tuần ôn tập thêm, nhưng nhìn chung con số hơn 80% này đã phản ánh đúng là trên 80% học sinh lớp 12 của ta có trình độ thực chất là Tú tài chưa?

Chẳng lẽ những năm trước chỉ có khoảng 10% là gian lận quay cóp hay sao? Trong tình hình ấy người ta có thể hỏi rằng lấy gì để chứng minh một cách cụ thể là năm 2007 việc coi thi đã hoàn toàn nghiêm túc?

Liệu có còn tình trạng trong khi vắng mặt giám sát của Bộ, nhiều giám thị ở một số phòng vẫn buông lỏng cho thí sinh quay cóp? Chẳng phải vì thành tích mà có thể vì “thương” học sinh hoặc “cho nó đỗ cả đi cho nhẹ gánh”?! 

(Còn nữa)

Lê Huy
Nguyên Trưởng đoàn chuyên gia giáo dục Luanda - Angola

MỚI - NÓNG