Nên thăm dò dư luận về chủ trương thi THPT quốc gia

Nên thăm dò dư luận về chủ trương thi THPT quốc gia
TP - Theo Giáo sư Văn Như Cương, nên phát phiếu thăm dò dư luận về chủ trương thi tốt nghiệp THPT quốc gia và thi tốt nghiệp tràn lan của Bộ GD&ĐT. Công việc này nên giao cho một cơ quan ngoài Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT đảm nhận.
Nên thăm dò dư luận về chủ trương thi THPT quốc gia ảnh 1

Cần phát triển thăm dò dư luận trước khi thực hiện chủ trương ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh. Ảnh: Phạm Yên

Giáo sư Văn Như Cương nói: Tôi đặc biệt ấn tượng với ý kiến nói về bộ đề thi trước đây đã có tác hại như thế nào thì nay thực hiện thi trắc nghiệm hay nhập 2 kỳ thi thành 1 kỳ thi quốc gia cũng có tác hại như thế. Vì vậy, việc lấy kiến rộng rãi về các chủ trương này phải thực hiện bằng được.

Tôi cũng bất bình với ý kiến của một quan chức trong Bộ GD&ĐT đã phát biểu về ý kiến của những người trên diễn đàn và cho rằng họ là những người “tự do” chứ không phải là người trong cuộc.

Tôi hết sức ngạc nhiên, rất nhiều ý kiến trên diễn đàn  là ý kiến của các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy, các học sinh, cựu học sinh, cựu sinh viên sao có thể gọi là “tự do”?

Vả lại, khi anh đã lấy ý kiến thì mọi đối tượng, kể cả kiều báo ở nước ngoài cũng có quyền phát biểu ý kiến, vậy nếu xem là “tự do” thì không cần nghe hay sao?

Một số cán bộ các Sở GD&ĐT các tỉnh cũng đã gọi điện cho tôi và phản ánh: nói như một quan chức của Bộ đã phát biểu trên báo là không đúng sự thật vì ngay ở hội nghị Đà Lạt có nhiều ý kiến phản đối, không đồng tình với 2 chủ trương trên.

Vị quan chức của Bộ nói là tuyệt đại đa số đồng tình với 2 chủ trương là không đúng. Ngoài ra, hàng trăm thầy cô giáo từ nhiều miền của đất nước cũng gọi điện đồng tình với quan điểm cần xem xét lại 2 chủ trương của Bộ...

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT phát phiếu thăm dò về các Sở GD&ĐT, để tự các Sở sẽ điều tra thăm dò trong dư luận các thầy cô giáo, các học sinh, phụ huynh và nhân dân.

Đó là những đối tượng quan trọng bậc nhất để hỏi ý kiến vì như tôi biết hiện nay, quyết định này chỉ là chủ quan của một số người làm ở  Bộ, không sát thực tế, chuyên môn không rõ ràng, căn cứ vào những ý kiến chủ quan của một số cá nhân mà thôi.

Điều quan trọng hơn nữa là phải có một cơ quan ngoài Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT, một cơ quan khác đứng độc lập với ngành GD&ĐT để thu thập, tổng kết ý kiến; nếu không, kết quả cũng vẫn sẽ là: đa số tán thành.

Chưa có quyết định rõ ràng gì thì Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐTđã đưa ra cấu trúc đề thi, phát tán câu hỏi... đối với môn Toán, môn Lý... là vô cùng sai lầm. Rồi còn hướng dẫn các trường trong toàn quốc phải học theo, dạy  theo trong khi các câu hỏi đó còn chưa đâu vào đâu. Việc quan trọng có liên quan đến hàng triệu con người như thế này phải đưa ra Quốc hội bàn bạc rộng rãi, rồi mới quyết định chứ.

Một điều khó hiểu nữa là, ngay cả Hội đồng Quốc gia Giáo dục, một cơ quan tư vấn cho Chính phủ, quan trọng như thế cũng không đưa ra bàn thảo, không có ý kiến gì về các vấn đề này (đã hơn một năm qua Hội đồng này không có một hoạt động họp hành, thảo luận nào cả trong khi trong ngành GD&ĐT xảy ra biết bao nhiêu điều quan trọng và quy định thì nêu rõ Hội đồng phải họp định kỳ  3 tháng 1 lần).

Là một thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục, ông có tư vấn gì về các vấn đề đang được tranh cãi hiện nay?

Nên thăm dò dư luận về chủ trương thi THPT quốc gia ảnh 2
Giáo sư Văn Như Cương

Theo tôi, thi tốt nghiệp THPT nên đưa về để các Sở GD&ĐT tự tổ chức, không nên tổ chức thi quốc gia một đề chung như hiện nay để đánh giá một thước đo chung cho cả những tỉnh TP lớn như Hà Nội, TPHCM, với các tỉnh như Thái Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long hay xa xôi như Đắc Lắc. Ngày thi không cần chung một ngày. Hãy để kỳ thi đó phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của từng tỉnh, giống như ta đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học hay trung học cơ sở.

Ngay cả với việc thi vào ĐH, Bộ GD&ĐT cũng không “ôm” nữa, giao quyền tự chủ cho các trường. Ở nhiều trường môn Toán là quan trọng, phải tổ chức thi tự luận hoàn toàn; nhưng ở một số trường môn Toán có thể chỉ thi trắc nghiệm (TN) hoàn toàn.

Như vậy là ông không phản đối thi theo phương pháp TN?

Tôi không phản đối phương pháp thi TN mà chỉ phản đối thi TN tràn lan, lấy TN làm số 1, là duy nhất đánh giá học sinh kể cả tốt nghiệp và vào ĐH.

Nếu các tỉnh tự tổ chức thi thì mặt bằng học sinh sẽ khác nhau vì không được đo bằng một thước đo chung?

Vấn đề của giáo dục nước ta còn ở chỗ đó nữa. Sao lại bắt một học sinh ở Đắc Lắc hay ở miền núi có trình độ như học sinh ở Hà Nội hay TPHCM? Sách của tôi viết cho toàn quốc học và thi như nhau là rất gay. Làm sao ở miền núi người ta học được?

Ngay như nước Mỹ, chương trình mỗi bang khác nhau, SGK cũng khác nhau. ĐH ở đó cũng thế, trường nào muốn lấy kết quả kỳ thi quốc gia thì lấy, trường nào thi thì thi. 

Đề nghị của GS trong cuộc trò chuyện này?

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lấy ý kiến nhân dân thì đề nghị cứ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Từ đó sẽ “vỡ” ra nhiều  vấn đề mà bấy lâu nay các nhà quản lý giáo dục chưa lường trước được.

Cám ơn giáo sư.

Hồ Thu
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".