Nên thay đổi cách quản lý tài chính với đề án 322

Nên thay đổi cách quản lý tài chính với đề án 322
TPO - Qua theo dõi các ý kiến phản ánh của lưu học sinh thuộc đề án 322, tôi thấy, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính nên có cách thức thay đổi lại cung cách quản lý về tài chính đối với đề án này.
Nên thay đổi cách quản lý tài chính với đề án 322 ảnh 1
Du học sinh Việt Nam du học tại Úc bằng học bổng của Chính phủ Úc.

>> Ý kiến của các LHS về vấn đề này

Qua cách trả lời của Ban đề án 322, sinh hoạt phí (SHP) phải qua rất nhiều khâu trước khi được chuyển đến tay của lưu học sinh (LHS).

Cụ thể:

Sau khi LHS gửi báo cáo về Việt Nam theo từng học kỳ, Đại sứ quán Việt Nam (nơi cũng nhận được báo cáo này) sẽ gửi ý kiến về Bộ GD&ĐT để kiểm tra tình hình học tập của LHS. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT trình Bộ Tài chính. Bộ Tài chính chuyển tiền cho Đại sứ quán Việt Nam và từ đây, LHS mới nhận được tiền chuyển đến tài khoản.

Như vậy, với quy trình phức tạp này, chỉ cần một cơ quan thiếu trách nhiệm, một khâu bị chậm (do chờ đợi các khâu khác), LHS đã phải chờ đợi. Do đó, chuyện SHP bị muộn từ 1 đến 3 tháng là điều cũng không quá khó hiểu.

Thứ hai, liên quan đến chuyện tăng SHP cho LHS, cũng phải qua các thủ tục như: Có ý kiến của Đại sứ quán, Bộ GD&ĐT làm tờ trình gửi Bộ Tài chính, Bộ Tài chính trình Chính phủ, sau khi có quyết định, mới được tăng.

Như vậy, cũng chỉ cần một cơ quan không có trách nhiệm, việc tăng SHP sẽ bị chậm lại. Điều này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến các LHS theo học, đang từng ngày, từng giờ chịu tác động của việc trượt giá sinh hoạt, đồng tiền thanh toán...

Thứ ba, về đồng tiền thanh toán, việc lựa chọn đồng đôla Mỹ của Bộ tài chính là việc làm cứng nhắc, mà người chịu thiệt là các LHS đang theo học tại các nước có đồng tiền thanh toán không phải là đồng đôla Mỹ.

Việc các LHS theo học tại các nước phải thanh toán bằng chính đồng tiền bản tệ là một quy định bắt buộc của các nước, nếu vẫn chuyển tiền bằng đồng đôla Mỹ, LHS thiệt đơn, thiệt kép vì mất tỷ giá chuyển đổi, phí chuyển tiền và hàng loạt các vấn đề liên quan.

Thứ tư, việc lập ra một Ban đề án tại Bộ GD&ĐT để thực hiện quản lý đề án, nhưng trên thực tế, cơ quan này chỉ làm được nhiệm vụ trợ giúp thủ tục, giấy tờ cho LHS, ngoài ra không có bất cứ một ảnh hưởng nào trong việc trợ giúp người học mỗi khi chuyển tiền muộn.

Cách thức điều hành của ban Đề án không hợp lý bằng cách quản lý của các dự án như Dự án đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ của UBND TP Hồ Chí Minh (chuyển tiền theo năm, và chuyển trực tiếp cho LHS không qua trung gian, thanh toán bằng đồng tiền bản tệ); hay Dự án tăng cường năng lực giáo dục cho các trường sự phạm và cán bộ quản lý ngành giáo dục (vay vốn Ngân hàng phát triển Châu Á-ADB).

Với những tồn tại bất cập trên, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính nên đề xuất thay đổi cung cách quản lý đối với LHS theo diện 322.

Theo đó, Đại sự quán có thể quản lý về con người khi học tập tại nước sở tại. Bộ GD&ĐT mà trực tiếp là Ban đề án 322 cần được tăng quyền chủ động hơn nhằm giải quyết các khó khăn bất cập nói trên.

Bộ tài chính nên để Ban đề án chủ động trong việc cấp kinh phí cho LHS, nhằm tránh tình trạng chuyển tiền muộn. Bộ Tài chính cũng nên thay đổi cách thức thanh toán, chuyển từ đồng đô la Mỹ sang đồng tiền bản tệ; xây dựng lộ trình tăng SHP theo sự trượt giá sinh hoạt tại các nước (có tăng, có giảm).

Nếu khắc phục được các tồn tại nêu trên, đề án sẽ hoạt động hiệu quả hơn, LHS yên tâm học tập và nhà nước cũng không bị lãng phí khi đầu tư vào đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật tương lai này.

Dương Vũ Hà
Từ Australia

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.