Ngành Công nghệ thông tin và ngành Khoa học máy tính có khác nhau không?

Sinh viên ngành CNTT
Sinh viên ngành CNTT
TPO - Một thí sinh dự thi THTP quốc gia 2019 và đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ đã gửi đến tòa soạn báo Tiền Phong một băn khoăn: Năm nay, em muốn đăng ký học ngành khoa học máy tính. Nhưng em không biết ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin khác nhau như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, PGS. Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết: 

Đã từ lâu, ở Việt Nam, khi muốn trở thành lập trình viên, hay chuyên gia phát triển phần mềm, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc theo học ngành Công nghệ Thông tin (CNTT).

Tuy nhiên, nếu theo dõi các chương trình đào tạo của các trường đại học trên Thế giới, đặc biệt các trường ĐH kỹ thuật – công nghệ nổi tiếng của Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, chúng ta sẽ thấy họ hầu như không đào tạo ngành CNTT (Information Technology) mà đa phần cung cấp các chương trình đào tạo về Khoa học Máy tính (Computer Science).

Rõ ràng ở đây có sự khác nhau về cách hiểu trong đào tạo ĐH liên quan đến lĩnh vực CNTT giữa Việt Nam và Thế giới. Sự khác nhau này có thể gây ra đôi chút khó khăn khi chuyển đổi bằng cấp, hoặc công nhận tương đương khi sinh viên có nhu cầu đi du học chuyển tiếp hoặc xin việc tại thị trường lao động quốc tế.

Ở đa phần các ĐH trên Thế giới, các nội dung đào tạo liên quan đến máy tính, như toán rời rạc,giải thuật, cấu trúc dữ liệu, kỹ thuật lập trình, cơ sở dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, trí tuệ nhân tạo… được cung cấp trên cơ sở ngành đào tạo Khoa học Máy tính (KHMT).

Học ngành này, sinh viên sẽ có khả năng làm chủ mọi khâu để phát triển một phần mềm, một chương trình, và một hệ thống thông tin xử lý các vấn đề trong thực tiễn, ví dụ: phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP, trò chơi video, website thương mại trực tuyến, phần mềm nhận dạng chữ viết…

Còn CNTT là nghề mang tính kỹ thuật viên nhiều hơn, ví dụ: cài đặt, vận hành, quản trị hệ thống máy tính, hệ thống mạng, hệ thống cơ sở dữ liệu. Vì vậy, nếu muốn học để trở thành lập trình viên, và nhà phát triển phần mềm thì nghĩa là học KHMT, chứ không phải học CNTT.

Ngoài ra, nếu người học muốn hiểu biết thêm về phần cứng, bên cạnh phần mềm thì có thể chọn ngành Kỹ thuật Máy tính (Computer Engineering): ngành này là lai giữa ngành Khoa học Máy tính (nghiêng về phần mềm), và ngành Kỹ thuật Điện-Điện tử (Electrical &Electronic Engineering, nghiêng về phần cứng).

Ngành KTMT hướng tới việc phát triển các hệ thống tính toán tích hợp tối ưu giữa phần cứng và phần mềm. Nghĩa là, học về ngành này, sinh viên sẽ nắm được cả về cách viết phần mềm, làm phần cứng, và làm thế nào để tích hợp phần mềm và phần cứng này thành một hệ thống tối ưu để giải quyết một vấn đề thực tiễn.

Ví dụ: phát triển camera thông minh truyền hình ảnh về trung tâm dữ liệu: kỹ sư phải làm phần cứng (tích hợp các mô-đun thu nhận ảnh, mô-đun vi xử lý, mô-đun truyền thông), viết phần mềm thu nhận hình ảnh, xử lý hình ảnh, và truyền hình ảnh về trung tâm.

Cuối cùng, trong thời gian gần đây, sự bùng nổ của Internet và các hệ thống thu thập dữliệu đã tạo ra các nguồn dữ liệu khổng lồ (big data), mà nếu được khai thác hợp lý sẽ tạo ra những thông tin vô cùng giá trị, ví dụ: dự báo nhu cầu nhân lực ngành KHMT, KTMT tại Việt Nam và trên Thế giới; dự báo điểm chuẩn thi đại học các trường theo từng ngành…

Vì vậy, các lĩnh vực xử lý dữ liệu, vốn nằm trong KHMT đã tách ra để tạo thành một ngành mới: Khoa học Dữ liệu (Data Science). Học về KHDL, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về toán (đặc biệt về xác suất, thống kê), khoa học máy tính (đặc biệt về học máy, khai phá dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…), và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của một số lĩnh vực để có thể trở thành các nhà khoa học dữ liệu.

Triển vọng nghề nghiệp của sinh viên ngành KHDL không chỉ dừng lại ở việc làm cho các các công ty về CNTT, mà trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0 này, sinh viên ra trường còn có thể làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn sâu của mọi tổ chức có nhu cầu khai thác dữ liệu, như: tài chính – ngân hàng – bảo hiểm – chứng khoán, phân tích thị trường, tư vấn-dự báo-hoạch định chính sách…

Vì vậy, có thể nói rằng, dù còn có thể có một số cách hiểu khác biệt (như ở Việt Nam), nhưngphổ biến trên Thế giới hiện nay, liên quan đến đào tạo nhân lực trong lĩnh vực CNTT nói chung, các trường đại học đang cung cấp các chương trình đào tạo trong 3 ngành cốt lõi: KHMT, KTMT, và KHDL.

Trong đó: KHMTchuyên sâu về công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin…; KTMT chuyên sâu về hệ nhúng và IoT, mạng máy tính, an toàn thông tin…; và KHDL chuyên sâu về xử lý dữ liệu, và trí tuệ nhân tạo.

Hiện tại, ở Việt Nam, một số trường kỹ thuật trong đó có Đại học Bách Khoa Hà Nội, đã theo cách phân ngành như trên để vừa đảm bảo thiết kế chương trình theo thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy đổi bằng cấp tương đương, và quan trọng hơn, giúp các em sinh viên định hướng ngay từ đầu lĩnh vực đúng với năng lực, phù hợp với đam mê để phát triển sự nghiệp của mình.

MỚI - NÓNG