Nghị lực vươn lên của cô giáo trẻ khuyết tật

Cô giáo Phan Thị Thúy bên cạnh học trò.
Cô giáo Phan Thị Thúy bên cạnh học trò.
Bỏ qua những mặc cảm của một người khuyết tật vận động, cô Phan Thị Thúy đã không ngừng cố gắng, nỗ lực hết mình theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo. Hiện cô Thúy dạy môn Giáo dục Công dân tại Trường THPT Lý Tự Trọng (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Vượt lên số phận

Chúng tôi  đến trường THPT Lý Tự Trọng (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) tìm gặp cô giáo Phan Thị Thúy. Giáo viên nhà trường cho biết, cô Thúy đang cho học sinh kiểm tra học kỳ. Nhìn cô qua lớp học, khó ai có thể biết được rằng đó chính là một cô giáo khuyết tật vận động, đôi chân cô vẫn đi, đôi tay vẫn cầm phấn… Nhưng để được như vậy, cô đã mất hơn 20 năm rèn luyện.

Cô Phan Thị Thúy sinh năm 1985, quê tại xã Bình Định Nam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Vắng cha từ nhỏ, Thúy được người mẹ là bà Nguyễn Thị Luyện một mình tần tảo nuôi con. Nhưng thật không may, cô Thúy vừa ra đời đã bị khuyết tật vận động bẩm sinh. Người mẹ nuốt đắng vào lòng và bà hiểu rằng nếu không luyện tập cho con thì sẽ khiến con phải ngồi xe lăn.

Cô Thúy cho biết: "Hồi sinh ra, tay trái tôi teo lại, mềm như cọng bún, chân trái tôi không thể chạm đất được. Mẹ tôi kể, khi tôi được 3, 4 tháng, đáng ra con người ta đã biết lật rồi, còn tôi muốn lật lại, chỉ có thể dùng tay phải và chân phải để vặn người qua".

Từ đó, người mẹ ngoài thời gian làm ruộng, những lúc rảnh rỗi bà thường xoa bóp chân tay cho con. Những năm học tiểu học, cô Thúy được mẹ cõng đến trường.

Cô Thúy nói: "Đều đặn cứ sáng tối, mẹ cột cái dây su vào trụ cột, bảo tôi cầm tay trái dây kéo ra vào, còn chân trái mẹ bảo tôi tập đi lại quanh nhà". Và cho đến tận bây giờ, cô Thúy vẫn dành vài tiếng để tập kéo dây cao su.

Đến năm cô học trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (huyện Thăng Bình, cách nhà gần 5km), những khi ấy đôi chân cô đã bắt đầu đi lại được.

"Nếu người ta 6 giờ đi học, tôi phải đi từ 3, 4 giờ sáng, cứ đi mãi khi nào tới trường thì trời vừa đúng 7 giờ vào học" - cô Thúy chia sẻ.

Cứ như vậy, hôm nào trời nắng cô tự đi, hôm nào mưa, bạn bè lại đến đón. Cô nói: "Nhà nghèo, xe đạp cũng không có mà đi, cho nên mẹ không thể lại cõng tôi như còn nhỏ, bạn bè đi ngang qua gặp thường cho tôi đi nhờ".

Cho đến những năm học tại Trường THPT Lý Tự Trọng, chính là ngôi trường hiện cô đang dạy học, cô mới có nổi một chiếc xe đạp, trường cách nhà tận 9km. Hàng ngày, cô chịu khó đạp xe từng chút một về nhà.

Nghị lực vươn lên của cô giáo trẻ khuyết tật ảnh 1

Cô giáo Phan Thị Thúy trên lớp học.

Dạy cho những số phận kém may mắn…

Năm 2003, Thúy đăng ký thi vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng nhưng không đậu, cô được xét vào Trường Đại học Sư phạm Quảng Nam, khoa Kế toán. Học được 2 năm, vì nung nấu ước mơ đứng trên bục giảng, cô tiếp tục thi vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, khoa Lịch sử, từ đây cô tiếp tục chạm tay đến ước mơ dạy học.

Cô Thúy nói: "Hồi học đại học, tôi làm đủ mọi việc để có tiền sống, tôi quét rác ký túc xá, dù mỗi tháng chỉ có 200 nghìn đồng, tôi đi phục vụ bàn cho đến dạy thêm tại nhà".

Sau khi tốt nghiệp, cô dạy tại một trường ở TP.HCM, được 1 năm, cô xin về Trường THPT Lý Tự Trọng để gần nhà, nhất là khi mẹ cô đã lớn tuổi.

Ngoài thời gian dạy, cô lại nhận rèn luyện thêm cho học sinh yếu kém tại nhà, hầu hết học sinh cô nhận dạy đều có hoàn cảnh khó khăn. Cô chia sẻ: "Ban đầu chỉ có vài em học, đến nay đã có 14 học sinh, các em từ lớp 3 đến lớp 8".

Với suy nghĩ rằng mình đã từng rất vất vả đến trường và giờ đây dù vẫn còn nghèo, cô luôn mong muốn giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn.

Nghị lực vươn lên của cô giáo trẻ khuyết tật ảnh 2

Cô giáo Thúy chia sẻ về những dự định sắp tới.

Em Nguyễn Thị Sỹ, học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, cùng quê xã Bình Định Nam với cô có hoàn cảnh hết sức đáng thương: sinh ra không có cha, mẹ một mình nuôi em và anh trai lớn, nhà chỉ trông vào vài thước ruộng.

Tương tự, em Võ Thị Liễu, lớp 5, trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, gần nhà cô Thúy, cũng không có cha, em sống với mẹ.

Hiện cả hai em Sỹ và Liễu đều cố gắng học tập, nhiều năm liền là học sinh khá.

Được biết, hiện cô Thúy còn là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Định Nam, tiếp tục thực hiện những việc làm giúp cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Chia sẻ về mong ước của mình, cô Thúy cho biết: "Tôi hi vọng mình sẽ mở rộng được chỗ dạy tại nhà và dạy miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn, những em không thể đến trường hoặc học kém".

Thầy Đinh Văn Nhân - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng, cho biết: "Biết hoàn cảnh của cô Thúy vô cùng khó khăn lại tật nguyền, nhà trường cũng tạo điều kiện cho cô dạy học tại trường, trước hết là hợp đồng môn Giáo dục Công dân khối 10.

Tuy nhiên nếu có đợt xét biên chế, trường cũng sẽ giúp đỡ để cô được xét. Cô Thúy là người nhiệt tình, cô còn tham gia vào Hội Chữ thập đỏ, dạy học cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn".

Theo Nguyễn Trang
Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG