Nghịch lý trong qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ

Nghịch lý trong qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ
Nhìn vào thực tế áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh 2005, một nghịch lý đã xảy ra: điều 33 qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ tuy giúp các trường tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng chất lượng đầu vào lại bị giảm.
Nghịch lý trong qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ ảnh 1
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào ĐH Dân lập Hồng Bàng năm 2005. Ảnh: Tuổi Trẻ

Thậm chí có trường không thuộc diện được sử dụng qui chế này cũng tự cho mình được quyền áp dụng...

Mỗi nơi một kiểu

Mục đích của điều 33 trong qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ là tạo điều kiện cho các trường ĐH vùng và các ĐH đóng trên địa bàn khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu cũng như phục vụ việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương.

Theo điều 33 qui chế tuyển sinh, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng ưu tiên là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.

Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch giữa các đối tượng ưu tiên được phép lớn hơn 1 nhưng không quá 2 điểm; với các trường đào tạo theo địa chỉ, đào tạo nhân lực cho địa phương thì mức chênh lệch giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 2 điểm.

Qui định giãn cách chung chung như vậy nên khi đi vào thực tế thì mỗi trường áp dụng một kiểu, thậm chí trong một trường nhưng lại có đến ba cách tính điểm ưu tiên khu vực khác nhau!

Điển hình như Trường ĐH Dân lập Phú Xuân (Huế), trong thông báo xét tuyển của mình, trường áp dụng ba cách tính điểm ưu tiên khu vực khác nhau: KV2 cách KV3 1,5 điểm; KV2 - NT cách KV2 một điểm và KV1 cách KV2 - NT 0,5 điểm! ĐH Sư phạm Đồng Tháp có cách tính điểm “một nhà hai ngõ” như vậy.

Trong khi hầu hết các ngành có điểm chênh lệch khu vực là 0,5 thì một số ngành khác như Sư phạm Hóa học, Sư phạm tiếng Anh, hệ CĐ các ngành Sư phạm âm nhạc, Sư phạm giáo dục thể chất… lại có mức chênh lệch điểm khu vực là 1 điểm.

Trong khi đó, một số trường lại áp dụng mức chênh lệch giữa các đối tượng là 1 điểm và giữa các khu vực là 2 điểm như ĐH Dân lập Duy Tân (Đà Nẵng), Bình Dương, Cửu Long...

Riêng hai trường ĐH Cần Thơ và ĐH Tây Bắc có cách tính điểm hợp lý hơn khi khoảng cách giữa các khu vực và đối tượng ưu tiên không quá lớn.

ĐH Cần Thơ tính chênh lệch giữa KV2 và KV3 là 1,5 điểm và kể từ KV2 điểm chênh lệch được tính theo qui định chung là 0,5 điểm. Trong khi đó, ĐH Tây Bắc lại không giãn cách điểm khu vực mà lại vận dụng điều 33 cho đối tượng ưu tiên khi mỗi nhóm đối tượng ưu tiên được tính cách nhau 2 điểm.

Đặc biệt, ĐHDL Hồng Bàng mặc dù nằm ngay trên địa bàn TP.HCM nhưng cũng áp dụng chênh lệch điểm ưu tiên khu vực của ngành dệt may và da giày lên 2 điểm, mà theo lý giải của nhà trường là "đã được Bộ GD-ĐT cho phép nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh vùng sâu vùng xa"(?).

Nên có điểm sàn riêng?

Để hạn chế các trường vì chạy theo chỉ tiêu mà tuyển đầu vào quá thấp, Bộ GD-ĐT đã quyết định áp dụng điểm sàn nhằm không cho các trường tuyển sinh dưới sàn và cũng nhằm nâng chất đầu vào tuyển sinh. Tuy nhiên khi áp dụng điểm sàn thì không ít trường lại “khóc ròng” bởi không tuyển đủ chỉ tiêu.

Thế là điều 33 trong qui chế tuyển sinh lần đầu tiên ra đời trong kỳ thi tuyển sinh 2005 như một cái phao để các trường dựa vào mà điều chỉnh mức chênh lệch điểm ưu tiên và khu vực cho phù hợp với tình hình tuyển sinh của mình.

Bài toán về chỉ tiêu xem ra đã có lời giải nhưng một vấn đề nảy sinh khác cũng cần được quan tâm khi vận dụng qui chế này: lượng tăng lên nhưng chất lại giảm xuống, tuyển nhầm và bỏ sót!

Khi các trường áp dụng mức chênh lệch khu vực là 2 điểm và đối tượng là 1 điểm thì tổng số điểm mà một thí sinh được hưởng chế độ nhiều nhất được cộng lên đến 8 điểm. Và như thế, thí sinh này chỉ cần 7 điểm để trúng tuyển vào khối A, B và 6 điểm để vào khối C, D (với những trường có điểm chuẩn bằng điểm sàn).

Chẳng hạn ĐH Dân lập Cửu Long với vùng tuyển hầu hết đều từ KV2 trở xuống (toàn bộ Đồng bằng Sông Cửu Long không có KV3 mà từ KV2 trở xuống), khi đó những thí sinh được hưởng mức điểm cao nhất chỉ cần 7 điểm để vào khối A, B và 6 điểm để vào khối C, D! Một mức điểm quá thấp khiến vai trò của điểm sàn đã không còn ý nghĩa! Các trường ĐH Dân lập Bình Dương, Duy Tân cũng có mức điểm tương tự.

Không chỉ đầu vào quá thấp mà việc vận dụng triệt để điều 33 còn dẫn đến tình trạng “tuyển nhầm và bỏ sót”. Nghĩa là tuyển những thí sinh có điểm quá thấp trong khi lại bỏ sót những thí sinh có điểm cao hơn nhiều.

Chẳng hạn, những thí sinh được hưởng điểm ưu tiên nhiều nhất chỉ cần 6 điểm để vào khối C, D ĐH Dân lập Cửu Long trong khi những thí sinh ở KV2 đạt 11,5 điểm lại phải chấp nhận bị loại!

Tình trạng không hay này chắc chắn cũng sẽ xảy ra phổ biến trong mùa tuyển sinh năm nay, nhất là ở những trường áp dụng mức điểm chênh lệch tối đa.

Trong bối cảnh như vậy thì cách làm của ĐH Cần Thơ xem ra dễ chấp nhận hơn cả. Với việc chỉ áp dụng chênh lệch khu vực 1,5 điểm từ KV3 xuống KV2 và 0,5 điểm từ KV2 trở xuống nên số điểm mà những thí sinh được hưởng ưu tiên nhiều nhất được cộng là 4,5 điểm.

Và bởi vùng tuyển của trường hoàn toàn từ KV2 trở xuống nên điểm sàn chung của trường là 13,5 đối với khối A, B và 12,5 với khối C, D. Với cách tính như vậy, điểm trúng tuyển tối thiểu (với một số ngành lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn) dừng lại ở mức 9,5 với khối C, D và 10,5 với khối A, B.

Như vậy ĐH Cần Thơ đã vận dụng qui chế để ấn định một điểm sàn riêng có thể chấp nhận được với cách tính điểm ưu tiên theo qui định chung.

Và như vậy, việc định một mức điểm sàn riêng cho các trường đóng tại vùng khó khăn, các ĐH đào tạo nhân lực cho địa phương xem ra hợp lý hơn so với việc áp dụng điều 33, vừa có thể đảm bảo chỉ tiêu vừa không phải tuyển đầu vào quá thấp cũng như hạn chế thấp nhất tình trạng “tuyển nhầm và bỏ sót”. Hơn thế, điểm sàn vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

Theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.