Nghiên cứu đào tạo cao đẳng cho học sinh hết lớp 9

Thủ tướng giao các bộ ngành nghiên cứu phương án đào tạo trình độ cao đẳng nghề cho học sinh tốt nghiệp cấp 2
Thủ tướng giao các bộ ngành nghiên cứu phương án đào tạo trình độ cao đẳng nghề cho học sinh tốt nghiệp cấp 2
Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng đã giao các bộ ngành 1 số giải pháp để đạt mục tiêu phát triển giao dục nghề nghiệp (GDNN), như nghiên cứu đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp lớp 9, hỗ trợ tài chính cho đào tạo nghề…

Cần tạo chuyển biến mạnh trong đào tạo nghề

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống các quy định pháp luật về GDNN từng bước được hoàn thiện; cơ sở GDNN phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; chất lượng được tăng cường; ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Để đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác dự báo nhu cầu xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới và cập nhật dữ liệu theo định kỳ.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển GDNN; vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề. Huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

Chỉ đạo rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN.

Tăng cường gắn kết 3 “nhà” trong đào tạo nghề

Thủ tướng Chỉ thị các bộ ngành, địa phương tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề, đã qua đào tạo.

Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương trong GDNN.

Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho GDNN; chủ động thu hút và ưu tiên sử dụng vốn ODA để đầu tư cho các cơ sở GDNN.

Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống quản lý và đánh giá kỹ năng nghề; đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong GDNN; rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; triển khai khung trình độ quốc gia về GDNN; xây dựng và triển khai chương trình chuyên gia quốc tế trong GDNN; nghiên cứu, có giải pháp tăng cường hiệu quả GDNN gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xu hướng tự động hóa.

Nghiên cứu đào tạo cao đẳng cho học sinh hết lớp 9 ảnh 1

Sẽ có các giải pháp tài chính để hỗ trợ các trường đào tạo nghề, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề

Nghiên cứu đào tạo cao đẳng cho học sinh 9+

Thủ tướng cũng giao Bộ LĐ-TB&XH tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; nghiên cứu, thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành hoặc nghề; đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (tốt nghiệp lớp 9); tiếp tục triển khai các chương trình chuyển giao từ ngước ngoài…

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT nâng cao năng lực dự báo, thống kê về lao động có kỹ năng, nhất là những kỹ năng trong tương lai, những ngành, nghề mới; chủ trì tổng hợp phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước trung hạn, hàng năm và các nguồn vốn khác để phát triển GDNN.

Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, bố trí vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực GDNN; trình Chính phủ việc áp dụng tỷ lệ vay lại phù hợp đối với nguồn vốn vay nước ngoài cho phát triển GDNN; rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN.

Bộ GD&ĐT được Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thực hiện tốt công tác GDNN và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học nghề; ban hành và hướng dẫn quy định về kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở GDNN trong quý III/2020, học liên thông từ học nghề lên đại học.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao các nhiệm vụ về tham gia phát triển GDNN với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ TT&TT, UBND các địa phương, các hiệp hội, như: các chính sách hỗ trợ tín dụng; ưu đãi doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo nghề, hợp tác đào tạo nghề…

MỚI - NÓNG