Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010:

Ngoại ngữ, tranh cãi gay gắt

Ngoại ngữ, tranh cãi gay gắt
TP - Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010 được tổ chức hôm qua, 9 -1, là ngoại ngữ (NN) trở thành môn thi không bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đề xuất mới của Bộ GD&ĐT.
Ngoại ngữ, tranh cãi gay gắt ảnh 1
Trao đổi bài sau giờ thi kỳ thi Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 - Ảnh: Phạm Yên

1.198 đại biểu đại diện cho 450 ĐH, CĐ, Sở GD&ĐT và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên cả nước họp qua 6 đầu cầu truyền hình để bàn thảo những vấn đề ngành GD&ĐT chủ trương đổi mới trong 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Những đổi mới đã gây nên nhiều ý kiến tranh cãi  và lo lắng.

Theo ông Huỳnh Văn Hoa - GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, hai mươi năm qua, nền giáo dục của chúng ta đã đạt đến sự thống nhất và ổn định là có ba môn thi bắt buộc (toán, ngữ văn, NN) và các môn luân phiên còn lại đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nay lại có sự thay đổi - ngoại ngữ trở thành môn thi luân phiên. Điều này có mâu thuẫn với chiến lược dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020?

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM còn gọi đó là hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”!

Bà Phan Thị Thu Hà , Phó GĐ tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: “NN là một môn quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai. Nếu chỉ học mà không thi thì không có động lực để dạy và học.  Nếu ngay từ đầu đã xác định không phải thi thì chắc chắn học sinh sẽ không học.

Tôi thực sự lo lắng cho năng lực NN của công dân trong tương lai. Chỉ nên dừng ở mức vùng nào khó khăn có thể thi môn thay thế”.

Đại biểu từ ĐH Vinh còn đưa ra một con số giật mình về tình hình chất lượng dạy môn NN ở trường phổ thông khi NN còn là môn bắt buộc. Theo đó, kiểm tra ngay từ  đầu vào ĐH số sinh viên đủ điều kiện vào học đối với môn NN chỉ đạt 30%; 70% phải học bổ sung môn này và có những sinh viên đến hết năm thứ nhất mới đủ điều kiện để học.

Hồ sơ dự thi gây nhiều tranh cãi

Thí sinh nộp một hay nhiều hồ sơ và có được đổi nguyện vọng trước khi thi không? Có nên để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 và 3 trực tiếp cho các trường như Bộ GD&ĐT chủ trương đổi mới trong năm 2010 hay không, là những vấn đề được tranh cãi nhiều nhất ở hội nghị.

Giám đốc ĐH Huế Nguyễn Văn Toàn cho rằng không nên thay đổi theo hướng thí sinh chỉ nộp một hồ sơ và được đổi nguyện vọng trước khi thi. Giám đốc ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga lại cho rằng làm như thế là hạn chế được hồ sơ ảo…

Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM Nguyễn Đức Nghĩa lại cho rằng không nên bắt thí sinh chỉ  nộp 1 hồ sơ, dù thí sinh nộp nhiều hồ sơ để thỏa mãn các nguyện vọng chọn ngành nghề đào tạo, các trường vẫn có thể giải quyết được.

Không cho phép thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại trường như chủ trương mới năm nay của Bộ, cần bắt buộc thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển qua đường chuyển phát nhanh. Ý kiến này của ông Từ Quang Hiển, GĐ ĐH Thái Nguyên được nhiều đại biểu đồng tình nhất.

Xem xét lại việc ĐH, CĐ tuyển sinh TCCN

Đối tượng dự thi vào ĐH, CĐ chỉ bó hẹp trong học sinh nay được mở rộng thêm cho đối tượng học sinh trung cấp nghề (TCN), hệ tốt nghiệp THCS, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Về ý tưởng này, bà Song Hà, Phó phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội, đề nghị, để đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể cho trường TCN đào tạo.

Bên cạnh việc xem xét lại thực trạng giao chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ để đảm bảo chất lượng ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT cần xem xét lại việc tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trong các trường ĐH, CĐ.

Theo bà Song Hà, chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội đã có tới 50 trường ĐH, CĐ đào tạo TCCN, đào tạo 40.000 chỉ tiêu. Hà Nội vốn đã có 37 trường TCCN và đó chính là áp lực và gây khó khăn cho công tác tuyển sinh.

Xem xét lại nhiều vấn đề

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, học theo phân ban nhưng  thi tốt nghiệp  THPT lại cho phép học sinh tự chọn làm bài, có thể vào phần có phân ban hoặc không phân ban, để tạo sự công bằng cho người học và đảm bảo mặt bằng kiến thức phổ thông khi thí sinh vào đời.

Đối với quyết định bắt buộc hay không bắt buộc thi đối với môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT,  Phó Thủ tướng cho biết vấn đề sẽ được bàn lại theo hướng ngoại ngữ có thể sẽ là môn bắt buộc, nhưng những nơi khó khăn có thể thi môn thay thế.

Ông cũng kết luận, chấm thi theo cụm là để đảm bảo khách quan, nghiêm túc và an toàn nhưng những nơi đi lại xa quá thì sẽ được xem xét.

Về lệ phí thi, Phó Thủ tướng cho biết Bộ GD&ĐT sẽ bàn bạc với Bộ Tài chính. Nếu vấn đề không thống nhất được thì sẽ trình Chính phủ quyết định trong tháng giêng theo tinh thần là giảm bớt hồ sơ ảo.

Về học sinh khiếm thị dự thi ĐH, theo Phó Thủ tướng, nên xem xét lại số lượng người dự thi và, nếu có thể, sẽ tạo điều kiện, giảm nhẹ thi cử để đối tượng thí sinh này đỡ vất vả.

Về thi trắc nghiệm (TN), Phó Thủ tướng nói: Vấn đề sẽ được xem xét lại. Nếu thi TN tốt và đáng tin cậy thì sẽ mở rộng thêm;  nhưng những môn thi cần kiểm tra khả năng diễn đạt, khả năng logic... sẽ khó thi bằng hình thức TN.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, về cơ bản các học sinh đã học hết trường TCN và hoàn thành chương trình văn hóa THPT được thi tuyển sinh vào ĐH. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.