Ngọn đèn giữa núi!

Ngọn đèn giữa núi!
TP- Gần 25 năm gắn bó với núi rừng đại ngàn Trường Sơn, cô giáo Phan Thị Pháp không chỉ đem con chữ về với con em dân tộc mà còn dạy cho dân bản cách sống văn minh và biết cách  làm giàu trên chính bản làng của mình.
Ngọn đèn giữa núi! ảnh 1
Cô giáo Phan Thị Pháp và các em học sinh người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở bản Khe Ngài

Từ Quốc lộ 9, mất gần 2 giờ trèo đèo, lội suối chúng tôi mới tìm đến được nhà cô giáo Phan Thị Pháp, ngôi nhà gỗ tựa vào lưng núi đơn sơ nhưng ấm cúng.

Nhớ lại những ngày đầu lên đây “cắm bản”, cô Pháp cho biết, quê cô ở xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình). Năm 1983, tốt nghiệp THSP Đông Hà (Quảng Trị), cô viết đơn tình nguyện xin được lên miền núi dạy học.

Cuộc đời vui buồn của cô giáo bản cũng bắt đầu từ đây. Cô được điều động về bản Khe Ngài - xa trường chính đến 11 km, để dựng điểm trường mới.

Trước mắt cô, bản Khe Ngài hiện ra giữa bạt ngàn lau sậy, cây dại... nằm tách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. Cùng sinh sống với đồng bào dân tộc một thời gian, cô bắt đầu thấu hiểu những khó khăn thiếu thốn của họ.

Được sự vận động của già làng Pả Man, dân bản nhiệt tình dựng trường lớp. Chỉ sau một ngày, 2 phòng học bằng tranh tre nứa lá mọc lên giữa bản Khe Ngài. Mấy ngày đầu chỉ có một vài em đến lớp nhưng sau đó số lượng tăng lên 17.

Và cứ thế, tiếng ê a học bài mỗi sáng lại vang lên giữa đại ngàn Trường Sơn. Nhiều người dân bản lâu nay không biết “mặt mũi” cái chữ như thế nào, thấy các em say sưa tập viết, tập đọc cứ ngẩn ngơ đứng ngoài cửa sổ nhìn cô giảng bài.

Thương họ, cô nói với già làng Pả Man là nếu ai rảnh thì đêm tranh thủ đến lớp cô sẽ dạy xóa mù chữ... Mới nói với già làng hôm trước, hôm sau đã có nhiều người lớn tuổi trong bản, có người trên lưng đang còn địu con, người thì còn lấm lem bùn đất vừa mới trên rẫy về cũng đến lớp để học chữ.

Không chỉ “cắm” ở bản Khe Ngài, mà trong suốt 25 năm lên núi “trồng người” của mình, bước chân của cô giáo Pháp đã đến nhiều bản làng xa khác như Tà Lênh, Ka Tu, Xa Lăng, Vùng Kho, Ba Ngào... của xã Đakrông. Bây giờ bản Khe Ngài đã có 4 lớp với 50 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 với 4 phòng học.

Dạy dân bản trồng lúa nước, sống văn minh

Già làng Pả Man khoe với chúng tôi: “Cô giáo Pháp giỏi lắm cán bộ ạ, cô không những dạy cái chữ cho lũ làng mình mà còn dạy cả việc làm ăn, việc trồng lúa nước thế nào cho nhiều hạt, việc chăn nuôi thế nào để lợn, gà to béo nữa...

Cũng nhờ cô ấy mà dân mình biết sống văn minh hơn, bỏ những tập tục lạc hậu... Lũ làng mang ơn cô giáo Pháp nhiều lắm...”. Thật vậy, đi đâu cũng nghe dân bản kể về cô một cách đầy trân trọng.

Cô Pháp cho biết, trước đây dân bản trồng lúa không bao giờ bón phân vì sợ làm bẩn hạt ngọc của Giàng ban cho, sợ Giàng nổi giận mà quở phạt, ăn cơm thì bốc bằng tay...

Chẳng đành lòng, cô trăn trở làm sao để dân bản không còn mê tín, không tin theo những tập tục lạc hậu... Thế là từ một cô giáo dạy chữ, nay cô lại tìm mọi cách dạy dân bản làm ăn, sinh sống sao cho văn minh.

Sau những buổi dạy học, cô tranh thủ đến làm quen với các già làng, trưởng bản ở các thôn trên địa bàn xã Đakrông. Mỗi khi không lên lớp là cô đến thăm dân bản, gần gũi rồi vận động chị em đồng bào dân tộc tham gia công tác xã hội, rồi vót đũa tre để ăn cơm cho hợp vệ sinh, vận động họ khi ngủ phải mắc màn, nuôi gà lợn thì phải làm chuồng riêng...

Ban đầu đồng bào không nghe, vì bao đời nay họ sống vậy mà có sao đâu. Không nản, cô cố gắng giải thích cho họ hiểu. Dần dà “mưa dầm thấm đất”, mãi rồi họ cũng nghe và làm theo cô, vì cô giáo nói đúng, nói ưng cái bụng của dân bản.

Những ngày dạy học ở bản Khe Ngài, thấy người lớn, trẻ nhỏ trong bản suốt ngày cứ đóng khố “trần” da thịt ra với nắng cháy, mưa dầm. Thương họ, cô dành số tiền lương ít ỏi của mình rồi sau đó lặn lội xuống tận thị xã Đông Hà mua vải lên tự cắt may áo, quần để tặng các cụ già, em nhỏ trong bản.

Nhiều lần đi ngang qua khe suối trong bản Khe Ngài, cô nhìn thấy nhiều đám đất bằng phẳng thuận lợi cho việc trồng lúa nước, trong khi dân bản lại thiếu đói quanh năm. Thế là cô trình bày với già làng về việc trồng lúa nước. Được già làng và dân bản cho phép, cô bắt đầu vận động một số thanh niên trong bản đắp đập, cuốc đất, gieo mạ làm lúa nước.

Vụ đầu tiên lúa nước đã cho năng suất cao hơn nhiều lần so với lúa rẫy. Cây lúa nước đã giúp cô Pháp “chinh phục” được dân bản, thế là từ đó dân bản trồng lúa nước theo cách của cô. Những mảnh đất hoang nằm gần khe suối đều biến thành ruộng lúa xanh rì của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở bản Khe Ngài.

Cô còn vận động bà con làm thủy điện nhỏ để có điện xem tivi, cho con cái học hành; tổ chức cho chị em dân bản Khe Ngài gói bánh chưng đón Tết cổ truyền như người “dưới xuôi”.

“Bây giờ đời sống dân bản Khe Ngài đã khá lên nhiều lắm rồi... dân bản biết bán trâu, bò làm dịch vụ như hộ gia đình Pả Thắng bán trâu mua máy xay xát gạo phục vụ bà con dân bản... tất cả là nhờ cô Pháp đấy...” - Già làng Pả Man phấn khởi cho biết. 

MỚI - NÓNG