Từ bài văn của học sinh Hà Minh Ngọc gây xôn xao dư luận:

Ngọn lửa đam mê đã được thắp lên như thế

Ngọn lửa đam mê đã được thắp lên như thế
TP - Nhiều bạn đọc đánh giá cao cách ra đề và cách chấm văn của cô giáo Nguyễn Bích Thảo. Tìm hiểu thì thấy thành ngữ “thầy nào, trò nấy” quả là đúng. Bởi thầy của cô Nguyễn Bích Thảo cũng từng dạy cô như thế.
Ngọn lửa đam mê đã được thắp lên như thế ảnh 1
Thầy Đặng Thuyên và học trò cũ Nguyễn Bích Thảo tại lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ của cô

Bài văn của em học sinh lớp 10, chuyên văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Minh Ngọc, gây xôn xao dư luận, ngẫu nhiên tạo ra một cuộc trao đổi, chưa mở tới vấn đề “dạy ra dạy”, cũng chưa động tới vấn đề “học ra học”, mà mới chỉ xới lên vấn đề nên ra đề bài, ra đề thi như thế nào.

Nó cũng đã đặt ra vấn đề người thầy. Nói đến người thầy, phải đề cập đến các yếu tố: Học vấn, năng lực sư phạm, lòng yêu say nghề nghiệp và những điều kiện vật chất, xã hội để người thầy hành nghề. Lại còn phải đề cập đến học trò nữa chứ. Rộng quá. Ở đây, chỉ trao đổi về thầy chuyên, trò chuyên văn thôi.

Muốn có bài văn như thế, phải có một đề mở như thế. Muốn có một đề mở như thế, phải có “cô giáo Bích Thảo - cháy mãi một tình yêu”, như tác giả Phương Hiếu đã viết. Làm sao để có một Bích Thảo học trò giỏi hôm qua, thầy giáo hôm nay, tôi tìm đến thầy giáo của Bích Thảo là Nhà giáo ưu tú Đặng Thuyên.

Nhìn bài làm của Hà Minh Ngọc, nhiều người hỏi sao lại có hai điểm 9, một điểm viết nhỏ lại có thêm dấu +. Bích Thảo giải thích, điểm nhỏ là điểm của bài văn và cảm xúc văn chương lần chấm đầu tiên. Lần chấm thứ hai, phải dùng lí trí tỉnh táo để xem xét toàn diện/ tổng thể các bài văn khá của cả lớp.

Xem tư liệu của thầy Thuyên, chợt nhận ra, mười mấy năm trước, lúc còn là học sinh lớp văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Thái Bình, Bích Thảo cũng được thầy Thuyên chấm như thế, cho điểm kiểu như thế.

Thầy Thuyên vẫn còn lưu giữ bài làm văn với đề: “Nguyễn Khuyến là một nhà thơ nông thôn.Ý kiến của em” của nữ sinh Nguyễn Bích Thảo. Bài cũng có một điểm 9 lớn và một điểm 8 nhỏ. Và lời phê ở đây không chỉ ở ô dành cho lời phê giáo viên mà còn ở nhiều chỗ bên lề. Đặc biệt thầy Thuyên còn chữa một số câu văn cho ngắn gọn hơn, trong sáng hơn.

Ai cũng hiểu, bây giờ cái gì cũng phân hóa. Phân hoá ghê gớm như phân hoá giàu nghèo. Việc học văn cũng vậy. Các trò học “đại trà” thì phần lớn học vô cùng đại khái. Nhưng các trò trường chuyên thì học chí chết. Được dạy đầu vào THPT (và cả trước đó, THCS và tiểu học) gồm những học sinh như Hà Minh Ngọc, thật là hạnh phúc. Nhưng không phải thầy nào cũng có được diễm phúc này.

Hồi ấy, lớp học sinh như thầy Đặng Thuyên đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội là oai đấy. Mà cũng chỉ được học có hai năm. Sau này phải học thêm một năm tại chức, mới được cấp bằng bốn năm. Nhưng ai cũng kêu, cái năm học thêm ấy thật vô cùng… vô duyên! Chỉ học có hai năm, làm sao vẫn có những thầy giỏi như Đặng Thuyên ở Thái Bình, như Trần Đồng Minh ở TP HCM? (Tôi chỉ kể hai người bạn cùng lớp cùng khoá 1960-1962 với tôi mà tôi gần gũi).

Cũng chỉ được đào tạo đại trà, nhưng nhờ tự học, tự mày mò nghiên cứu, tự nâng mình lên mà thành thầy dạy chuyên. Thầy dạy chuyên không lấy việc dạy trò cái gì làm trọng, mà quan trọng nhất là dạy như thế nào. Với học trò trường chuyên, cái chỉ là một, là cụ thể. Cách mới là con đường dẫn đến muôn vàn cái khác. Văn chương là cái cho mọi người, nhưng việc cảm thụ nó lại là việc của mỗi người. Trong cuốn sách Dàn bài tập làm văn lớp 12, người ta đã đăng ba bài làm của ba học sinh thầy Thuyên, cùng được giải quốc gia trong một kỳ thi. Bởi ba bài ấy hoàn toàn khác nhau.

Dạy đại trà ở bậc THPT, với mục đích cung cấp những kiến thức phổ thông về văn học, nên phải yêu cầu học sinh nắm được những kiến thức tối thiểu về văn học. Song, để khuyến khích hiểu biết, và cảm nhận văn chương của mỗi cá nhân, nhất thiết phải có những đề văn gợi mở.

PGS.TS Chu Văn Sơn cho rằng, nên có tỉ lệ 50/50. Đó là một ý kiến khoa học và thực tế. Với các lớp chuyên và tuyển sinh đại học, và dạy đại học, những đề văn gợi mở phải là chủ yếu. Bởi học sinh chuyên văn và sinh viên đại học có khả năng tự học, hơn nữa, tự nghiên cứu rồi. Thầy Thuyên, thầy Minh đều tập trung dạy học trò cách suy nghĩ, cách suy luận, cách diễn giải. Thế nên mới có loại đề: Em nghĩ gì về kết thúc Tắt đèn… Chí Phèo…. Bước đường cùng? Có những đề rất “quái” như Cảm nhận của em về Thuý Vân (chứ không phải Thuý Kiều), Thế nào là một bài thơ hay (Trần Đồng Minh).

Thầy Thuyên bảo, các cụ ngày xưa gọi nghề dạy học là nghề “gõ đầu trẻ” là có lý của nó. Phải đặt ra những câu hỏi, suy nghĩ về những tác phẩm, buộc các em phải động não, tự tìm ra lời giải đáp của riêng mình. Không nhai lại của thầy hay của ai khác. “Bất phẫn bất phát” là thế - Không dồn các em đến chỗ phải tức lên để tìm ra câu trả lời của riêng mình, thì tinh anh không thể phát lộ được. Thế nên mới có những cuộc hội thảo, thuyết trình. Thầy nào dạy chuyên văn cũng làm thế.

Thầy Minh đã tổ chức kết nghĩa với thư viện để các em khai thác nguồn tư liệu vô tận, để nghe những buổi nói chuyện văn chương; kết nghĩa với Nhà hát kịch để các em được xem, sau đó phát biểu suy nghĩ của mình. Nhiều khi đạo diễn phải gật đầu về những nhận xét chí lí của các em. Thầy còn mời các nhà văn đến nói chuyện, trao đổi.

Thầy Thuyên rất coi trọng việc dạy lí luận văn học. Đến bây giờ, đã nghỉ hưu nhiều năm, thầy vẫn được mời dạy mấy chuyên đề lớp chuyên văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Nào, văn học là gì? Hình tượng văn học nằm ở đâu trong tác phẩm? Vấn đề giải mã tác phẩm nghệ thuật? Có cần học cách thưởng thức nghệ thuật không?

Hai thầy đều có học sinh từng đoạt giải nhất, giải nhì và hàng chục giải ba, giải khuyến khích. Rất nhiều em theo nghề giáo. Nhà văn Châu Giang là niềm tự hào của thầy Minh. Thầy cũng làm thơ, viết văn nên phần nào hiểu được tâm lí sáng tạo và lao động nghệ thuật của nhà văn trong các tác phẩm mình dạy. Em Đinh Thụy Mỹ Quỳnh giải nhất văn toàn quốc năm 1996, sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế đã được thành phố Hồ Chí Minh cấp kinh phí học tiếp ở Úc làm cán bộ nguồn. Có năm thầy Thuyên đưa 8 học sinh thi, được 7 giải. Năm 1991, cả 8 học sinh thi đều đoạt giải. (Đoàn Thái Bình nhất toàn đoàn).

Tôi bảo Bích Thảo: “Nếu chỉ được nói một câu về thầy Thuyên thì em sẽ nói gì?”. Cô học trò trả lời rất nhanh: Thầy em có một cách gì đó để một vấn đề lí luận phức tạp cũng trở nên giản dị, dễ hiểu; một cách gì đó để chúng em cảm thấy văn rất gần với đời.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.