Góp ý đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014:

Ngổn ngang ý kiến

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại trường THPT Yên Viên - Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại trường THPT Yên Viên - Hà Nội. Ảnh: Như Ý
TP - Hôm qua, tại Hà Nội, trong một hội nghị cấp quốc gia, Bộ GD&ĐT xin ý kiến lãnh đạo các địa phương, các Sở GD&ĐT về dự kiến điều chỉnh phương án thi - công nhận tốt nghiệp THPT 2014 và một số năm sau đó. Nhiều đại biểu cho rằng, ngoại ngữ phải là môn thi tự chọn, không nên là môn thi khuyến khích như Bộ GD&ĐT đề xuất.

Ngoại ngữ phải là môn thi tự chọn

Đại biểu đầu tiên nêu ý kiến không đồng ý với phương án xem ngoại ngữ như một môn khuyến khích là ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam. 

Theo ông Thắng, việc đưa môn ngoại ngữ thành môn thi khuyến khích là không nhất quán với quan điểm xem ngoại ngữ là môn học có vai trò quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Ông Thắng đề xuất hai phương án: Xem ngoại ngữ là môn tự chọn bình đẳng với các môn toán, lý, sinh, hoá, sử, địa; hoặc xem ngoại ngữ là môn thi bắt buộc giống như văn, toán. 

“Một vùng quê như Quảng Nam mà có số thí sinh xin thi môn thay thế môn tiếng Anh là quá ít và giảm dần. Chúng tôi có 50 trường THPT trong đó 14 trường ở miền núi, nhưng trong hai năm học gần đây, chỉ có 2 trường (có số lượng thí sinh chiếm 5% toàn tỉnh) thuộc diện này. Một môn học đã khẳng định được vị thế và ổn định như thế thì giờ đây vì lẽ gì lại thay đổi?”, ông Thắng băn khoăn.

Sau ông Thắng, lãnh đạo các Sở GD&ĐT Nam Định, Vĩnh Phúc, Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Bến Tre, TPHCM đề nghị đưa môn ngoại ngữ vào danh sách các môn tự chọn hoặc bắt buộc.

“Cá nhân tôi cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, không nên đưa ngoại ngữ là môn khuyến khích. Thậm chí với những khu vực có nhiều học sinh học giỏi ngoại ngữ thì có nên có một chương trình riêng cho các cháu?” 

Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế, phân tích: “Lâu nay, trong các văn bản của Bộ quy định ngoại ngữ là môn cứng. Hơn nữa, ta đang thực hiện đề án ngoại ngữ 2020. Giờ nên đưa vào tự chọn. Chúng ta cố gắng để nó đi ngang hơn là chùng xuống, nếu dừng lại thì sẽ tạo nên một hiệu ứng xấu, không chỉ với học sinh cấp THPT mà xuống cả đến tiểu học vì dư luận vốn rất nhạy cảm, đặc biệt là trong chuyện học hành thi cử”.

Ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, cho rằng, môn ngoại ngữ nếu “không đưa được vào bắt buộc thì ít ra cũng phải là tự chọn”. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nói: “Tôi đồng ý chỉ cần thi bốn môn. Nhưng nên có ba môn bắt buộc: toán, văn, ngoại ngữ. Những tỉnh không thể thi ngoại ngữ thì thi môn thay thế”.

“Làm ra điểm dễ thôi”

Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, với tỷ lệ được miễn thi tối đa 20% cho mỗi địa phương, các Sở GD&ĐT có thể xác định tỷ lệ miễn thi cụ thể cho riêng từng trường THPT, Trung tâm GDTX dựa vào một số tiêu chí chủ yếu như kết quả theo dõi, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học của trường; thành tích nổi bật của trường trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục; các trường thành lập hội đồng miễn thi để xét miễn thi và trình Giám đốc Sở GD&ĐT duyệt…

Với tỷ lệ miễn thi 20%, có hai luồng ý kiến đồng tình và không đồng tình. Trong số những ý kiến không đồng tình có ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định – nơi có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp dẫn đầu cả nước nhiều năm nay. 

Ông Tuấn đặt vấn đề: “Miễn thi 20% liệu có cần thiết? Tôi cho là không cần thiết. Việc xét miễn giảm không đơn giản mà hết sức phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực. Đánh giá giữa tỉnh này với tỉnh khác đã khác nhau. Đánh giá giữa các trường trong một tỉnh, giữa các giáo viên trong một trường cũng đã khác nhau. Không nên vì lý do để gọn nhẹ kỳ thi hơn mà miễn thi cho 20%”.

Với dự kiến giao cho Sở GD&ĐT đưa ra các tiêu chí cụ thể để được miễn thi và giao cho các trường tự xét, hầu hết ý kiến phát biểu đều không đồng ý. Ông Nguyễn Sĩ Thư, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, bày tỏ e ngại nếu đưa ra quy định này sẽ dẫn tới tình trạng có dư luận không tốt về những học sinh được miễn thi. Ông Thư nêu ví dụ, học sinh A giỏi hơn học sinh B nhưng có thể học sinh A phải thi, học sinh B được miễn thi, do trường của em B xét “dễ” hơn trường em A.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, Bộ nên đưa ra một bộ tiêu chí cứng để được miễn thi, các địa phương sẽ dùng bộ tiêu chí đó sàng lọc và lấy từ trên xuống và không vượt quá tỷ lệ mà Bộ cho phép. 

Việc “đá” trách nhiệm xây dựng tiêu chí sẽ khiến các Sở loay hoay với chuyện này nhiều tháng trong khi có rất nhiều nhiệm vụ cấp bách phải làm. Đặc biệt, việc xét miễn thi phải được thực hiện trên bình diện chung toàn tỉnh, không nên để các cơ sở xét.

Sau khi xác định phát biểu với tư cách cá nhân, bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang bày tỏ lo ngại rằng, nếu Bộ không đưa ra tiêu chí mà để các tỉnh tự chọn thì rất dễ phát sinh tiêu cực. Bà Việt nêu ví dụ: “Khi xét tuyển giáo viên mầm non, tôi công khai những ai tốt nghiệp trường trung cấp hoặc CĐ sư phạm mầm non là tuyển thẳng luôn. Năm đầu tiên chỉ có 15 em loại giỏi. Năm sau đã là 100 em. Vì thế, chúng tôi đành phải rút ý định tuyển thẳng những em giỏi mà chỉ cộng điểm. Tôi rất lo nếu Bộ đưa ra tiêu chí không rõ ràng, bởi ở dưới làm ra điểm cũng dễ thôi. Tôi cũng làm giáo dục nên hiểu làm ra điểm và quan điểm đánh giá là do từng giáo viên”.

Trong số 14 đại biểu đến từ các địa phương phát biểu ý kiến, tám vị không đồng tình phương án xem ngoại ngữ như một môn thi khuyến khích mà Bộ GD&ĐT đề xuất. Trong sáu ý kiến còn lại, bốn người đồng tình, hai người không đề cập.

MỚI - NÓNG