Mô hình trường học mới VNEN:

Ngừng hỗ trợ kinh phí từ 31/5

Ngừng hỗ trợ kinh phí từ 31/5
TP - Mô hình trường học mới (VNEN) được Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2013 và nhận nguồn hỗ trợ kinh phí từ Ngân hàng thế giới (WB). Tuy nhiên, từ 31/5 tới dự án sẽ  ngừng được hỗ trợ kinh phí. Giờ đây, trách nhiệm tiếp tục duy trì và phát triển mô hình VNEN thuộc về các địa phương.

VNEN được WB và UNESCO hỗ trợ để các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới thiết kế cho các nước đang phát triển và đã triển khai thành công ở nhiều nước, trong đó có Cộng hòa Colombia.  Tuy nhiên, những ngày đầu VNEN đi vào các trường học, các thầy cô, cán bộ quản lý không khỏi sốc, hoang mang. Thực hiện mô hình này, sẽ thay đổi toàn bộ phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Mọi hoạt động đều diễn ra tại nhóm. “Giáo viên kêu trời vì khó có thể vừa bồi dưỡng cách làm việc cho các nhóm, vừa dạy SGK cũ theo phương pháp mới. Phụ huynh kêu trời vì con học chả hiểu gì, các em không thể tự nhìn sách SGK mà học được” – Cô giáo Vũ Thị Hải Anh, trường tiểu học Võ Thị Sáu, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai Hải Anh nhớ lại khi bắt đầu áp dụng VNEN hồi tháng 8/2012.

Nhưng có lẽ, khó khăn nhất khi triển khai VNEN đó là sự đồng thuận của phụ huynh. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc, giáo viên trường tiểu học thị trấn Đô Lương, Nghệ An cho biết có phụ huynh đã từng dắt tay con vào tận lớp thắc mắc con tôi sẽ thế nào khi kiểm tra vở của con cả một tuần không có một điểm số nào.

VNEN là mô hình giáo dục hoàn toàn mới tại Việt Nam. Chính vì vậy, mô hình này thành công hay không thành công là ở giáo viên. Một cô giáo ở Bắc Giang cho biết, qua 4 năm triển khai dự án, giáo viên có nhiều cái được. Trong đó, đầu tiên chính là khoảng cách giữa giáo viên và học sinh đã bị xóa nhòa. Giáo viên gần gũi với học sinh của mình hơn. “Nếu nói dạy theo VNEN giáo viên sẽ nhàn hơn là không hẳn đúng. Giáo viên không phải soạn bài nhưng vẫn phải bổ sung kiến thức cho các bài giảng và đầu tư nhiều thời gian cho công tác chuyên môn” – cô giáo ở Bắc Giang chia sẻ. 

VNEN khó áp dụng được ở Hà Nội, TPHCM

Tuy nhiên, qua qua trình triển khai, cũng có thể nhận thấy, VNEN vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Theo một chuyên gia giáo dục, VNEN sẽ rất khó triển khai ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Vì sĩ số trong các trường tiểu học ở các quận trung tâm của hai thành phố này quá lớn, 50-60 học sinh/lớp nên khó triển khai học theo nhóm. Điều này cũng lý giải vì sao cho đến giờ, số trường của Hà Nội triển khai VNEN chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Một vấn đề nữa mà dư luận đang băn khoăn đó chính là với mô hình VNEN, khó đào tạo mũi nhọn. Trả lời Tiền Phong về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho rằng phải có ý kiến đánh giá từ các nhà khoa học mới khẳng định được điều đó.

Mặt khác, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết bộ sách giáo khoa của mô hình VNEN sẽ được tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh, hoàn thiện theo chương trình sắp ban hành để trở thành một trong những bộ sách phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng từ năm học 2018-2019.

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết năm học 2015-2016 có tất cả 2.730 trường (ở 53 tỉnh, thành) tự nguyện áp dụng mô hình, nâng tổng số trường áp dụng mô hình lên 4.177 trường, chiếm gần 30% tổng số trường tiểu học trong toàn quốc.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.