Ngừng hoạt động trường đại học không đủ điều kiện

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO – Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ thanh tra việc bảo đảm điều kiện hoạt động của các cơ sở giáo dục, quyết tâm đình chỉ hoạt động đối với những trường, chương trình không đủ điều kiện.

> Chấm thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng có sai sót
> Những điểm mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013
> Các trường không đảm bảo chất lượng, học sinh sẽ quay lưng

Đó là một trong những nội dung được Bộ GD&ĐT nêu trong Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển Giáo dục 2011 - 2020 và thực hiện Kết luận số 51-KL/TƯ Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI, diễn ra sáng nay (23-1).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Quy hoạch lại

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc triển khai quy hoạch lại các trường đại học, cao đẳng chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 2011 - 2015, ngành giáo dục tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ; chủ trì, phối hợp với các bộ ngành để thực hiện đổi mới quản lý giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ sẽ sắp xếp, quy hoạch hệ thống các trường đại học và cao đẳng đã thành lập. Chỉ đạo chặt chẽ việc cho phép thành lập, hoạt động giáo dục của các trường đại học, cao đẳng mới.

Thanh tra việc bảo đảm những điều kiện hoạt động của các cơ sở giáo dục, đình chỉ hoạt động đối với trường, chương trình không đủ điều kiện.

Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng khung trình độ quốc gia, xây dựng một số trường đại học và trường nghề chất lượng cao; xây dựng chính sách đối với nhà giáo, chính sách hỗ trợ người học thuộc diện chính sách; xây dựng chính sách về tài chính nhằm tăng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục.

Thực hiện giao quyền tự chủ cho các trường đại học, hoàn thiện Đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015; triển khai thực hiện Luật Giáo dục Đại học với việc tập trung xây dựng tiêu chí phân tầng, xếp hạng đại học để làm cơ sở tập trung đầu tư hình thành một số trường đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết thêm, giai đoạn này sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục để xử lý nghiêm sai phạm, công khai trước công luận.

Củng cố, hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ sức thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.

Giai đoạn hai từ 2016 - 2020, Bộ GD&ĐT cho hay, sẽ tập trung củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tiếp tục đổi mới giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

Nâng cao đội ngũ nhà giáo

Thảo luận tại sáu đầu cầu, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện thành công chiến lược phát triển giáo dục, ngành cần quyết liệt trong đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục, thực hiện phân cấp quản lý.

Nhiều đại biểu tham dự nhấn mạnh, cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, vì đó là lực lượng nòng cốt quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục.

Ông Bùi Trọng Đắc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho rằng, để đạt tới các mục tiêu của chiến lược, cần có sự chuẩn bị dài hơi.

Ông Đắc cho rằng, nhiệm vụ nào cũng quan trọng, nhưng quan trọng nhất phải xây dựng đội ngũ giáo viên. Nếu giáo viên không phù hợp, không thể đáp ứng các yêu cầu, đơn cử như Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên. Các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên cũng phải thay đổi để phù hợp với đổi mới chương trình, sau này không mất thời gian đào tạo lại.

“Chính phủ tiếp tục có chính sách đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn. Phân bổ kinh phí phải phù hợp với từng địa bàn, không nên cào bằng, phải có ưu tiên cho vùng khó khăn” - ông Đắc kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, quan tâm đến vấn đề đào tạo giáo viên.

Theo ông Minh, phải thay đổi và phát triển nguồn nhân lực, vì đó là xương sống của sự phát triển. Phải quan tâm mọi cách để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thu hút sinh viên giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo.

Cùng chung quan điểm, Ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội) khẳng định, Bộ GD&ĐT quyết tâm rà lại các yếu kém để chấn chỉnh, xây dựng trường đẳng cấp, là hướng đi đúng.

“Cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên của tất cả các cơ sở giáo dục, vì đó là lực lượng nòng cốt để thực hiện đổi mới giáo dục” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, cần xây dựng chiến lược thu hút nhân lực chất lượng cao để phục vụ ngành giáo dục. Hiện nay, các ngành đang cạnh tranh mạnh mẽ về thu hút nhân tài, ngành giáo dục muốn người giỏi cũng phải có chiến lược, cơ chế đặc biệt.

Theo Viết
MỚI - NÓNG