Nhóm tác giả chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi:

Người lớn đánh giá trẻ quá thấp

Người lớn đánh giá trẻ quá thấp
TP- Trong một bài viết do Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố hôm qua ở trên website của Bộ GD&ĐT, nhóm tác giả dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, được dư luận bàn tán sôi nổi thời gian qua, than phiền việc người lớn đánh giá trẻ quá thấp.

Trong bài viết, các tác giả chia sẻ: “Vấn đề đáng buồn nhất và cũng đáng  lo ngại nhất là khả năng của trẻ 5 tuổi bị một bộ phận người lớn đánh giá quá thấp.

 Ngay cả một số nhà tâm lý học cũng hoảng hốt cho rằng trẻ của chúng ta còn non lắm, chúng còn đang thơ bé quá, chúng chưa biết suy nghĩ, chưa biết làm gì cả; rằng CPTT này là quá “nặng”, “cao quá”, “không đúng tâm lý trẻ” và CPTT này chỉ có thể để dành cho trẻ “thần đồng và thiên tài”, “trẻ kiệt xuất”, “chỉ dành riêng cho đào tạo mũi nhọn với những trẻ em đặc biệt”…

“Không phủ nhận trong văn bản dự thảo CPTT, đây đó còn có những hạt sạn và rất trân trọng những ý kiến và thái độ mang tính xây dựng nhằm giúp nhóm tác giả và Bộ GD&ĐT hoàn chỉnh, sớm ban hành bộ CPTT, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy có một số ý  kiến rập khuôn, áp đặt một cách cứng nhắc hay đánh tráo khái niệm. Theo chúng tôi có thể coi những ý kiến như vậy là “sự ngộ nhận” về CPTT nói riêng và sự phát triển của trẻ em Việt Nam nói chung”.

(TS Trần Lan Hương, TS Trần Thị Nga, ThS Nguyễn Thị Thư –

các tác giả tham gia soạn thảo CPTT 5 tuổi)

Theo các tác giả, nhận thức sai lầm này của người lớn khiến trẻ yếu ớt đi, thụ động trong mọi hoạt động, trẻ được hình thành tâm lý mình không biết làm gì và không thể làm tốt được gì. Trong khi đó sự phát triển của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào người lớn cũng như kỳ vọng mà xã hội đặt ra với trẻ.

Mặt khác, nhận thức về sự phát triển của trẻ  đã chi phối toàn bộ cách ứng xử của người lớn với trẻ. Khi người lớn thay đổi ứng xử với trẻ (thay vì đánh giá thấp trẻ bằng lắng nghe trẻ nói, cho trẻ có cơ hội tự lựa chọn, tự quyết định, tự làm được, được chia sẻ với bạn bè – cô giáo, có sự thừa nhận của người xung quanh, được động viên khích lệ đưa ra ý tưởng sáng tạo dù đó là ý tưởng ngây ngô trong mắt người lớn) thì trẻ sẽ thay đổi (từ nhút nhát, thụ động chuyển sang tự tin, độc lập, mạnh dạn, năng động.v.v...).

Các tác giả đưa ra nhiều dẫn chứng để chứng minh rằng nội dung dự thảo CPTT không “nặng”, “cao quá”, “không đúng tâm lý trẻ”... như một số ý kiến chỉ trích.

Chẳng hạn, từ cách đây 18 năm, Bộ GD (nay là Bộ GD&ĐT) đã ban hành một quy định về đào tạo nhà trẻ, mẫu giáo (do chính GS TSKH Phạm Minh Hạc, một trong những nhà khoa học có ý kiến phản biện dự thảo CPTT, ký) với những nội dung mà các tác giả đánh giá là “cao siêu hơn nhiều so với các chỉ số trong CPTT”.

Một trong những nội dung “cao siêu hơn nhiều” là “Biết yêu thương kính trọng ông bà, cha mẹ, yêu kính Bác Hồ, những người lao động… Biết quan tâm thông cảm giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, những người gần gũi. Hiểu được những lời nói việc làm nào của mình, của bạn bè là tốt, xấu. Biết nhận lỗi, sửa lỗi, thật thà”.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Phản ứng trước ý kiến chuẩn này “còn cao hơn cả chuẩn tiến sĩ”, các tác giả cho rằng nội hàm của các chỉ số cần hiểu theo các nét đặc thù trong cuộc sống của trẻ nhỏ. Các tác giả lập luận: “Cùng là “giải quyết mâu thuẫn”, “sáng tạo” nhưng kỹ năng ở người lớn và trẻ em hoàn toàn khác hẳn nhau”

Các hoạt động (công việc) trong trường mầm non muôn màu muôn vẻ: cất dọn đồ chơi sau khi chơi, cắt dán một họa tiết hay một hình nào đó, kê bàn ghế để ăn cơm... Bắt đầu từ 5 tuổi, tất cả trẻ em đều cố gắng hoàn thành công việc. Vấn đề là cần có sự hỗ trợ của người lớn trong việc hướng dẫn phương thức hoàn thành nhiệm vụ cho trẻ. Nếu đến hết 5 tuổi, trẻ không có khả năng tiếp nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao thì trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc sống.

Ngoài ra, người lớn hoàn toàn có thể dạy cho trẻ ngay cả những điều một số người lớn không làm được. Chẳng hạn, cho dù người lớn hút thuốc nhưng trẻ có thể và có quyền được biết hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe.

Tài liệu tham khảo

Các tài liệu mà ba tác giả của bài viết đưa ra thuyết trình cho cơ sở khoa học của dự thảo CPTT 5 tuổi chủ yếu là tài liệu của các nhà khoa học sư phạm Nga, Liên xô cũ và trong nước.

Quan điểm, ý kiến của các nhà khoa học Nga được dẫn có A.A. Liublinxkaia, A.Ia. Kolotna, Ph.N.Semiakin, A.E.Kozưreva, K.N. Kornhilop, V.X. Mukhina.v.v... Quan điểm của các nhà khoa học trong nước có Nguyễn Thạc, Lưu Thị Lan, Nguyễn Xuân Thức, Đinh Thị Kim Thoa...

Ngoài ra, còn một nguồn tư liệu khác được nhắc đến nhiều trong bài viết là tài liệu của hội thảo toàn cầu về đánh giá tính xác thực của chuẩn phát triển trẻ tại Băng Cốc, Thái Lan (tháng 2/2008). Một số chi tiết lấy từ tài liệu này để đưa ra làm đối chứng chứng minh chỉ số trong dự thảo CPTT 5 tuổi yêu cầu thấp hơn chuẩn của Thái Lan. Ví dụ, dự thảo CPTT 5 tuổi: trẻ chạy liên tục 150 m; chuẩn của Thái Lan: chạy liên tục 400 – 500m.

Một tài liệu khác nói về giáo dục mầm non ở Singapore (Chương trình Mẫu giáo, Kindergerten Curriculum, 2003) cũng được nhắc đến trong bài viết: “Người Singapore kỳ vọng trẻ cần phải học được những giá trị và quy tắc đang điều khiển xã hội mà trẻ đang sống và phát triển cách cư xử cần thiết mang tính xã hội và đạo đức; trẻ cần phải học để trở nên nhạy cảm đối với nhu cầu của người khác.

Trẻ cần phải được học cách đối mặt với thành công và đương đầu với thất bại, vượt qua nỗi sợ hãi và sự lo lắng; trẻ phải trở nên con người chu đáo, lịch thiệp, tốt bụng và giàu lòng trắc ẩn, là những người biết hợp tác hiệu quả với người khác, trong khi vẫn theo đuổi những tham vọng cá nhân”.

Bao nhiêu trẻ đạt chuẩn là hợp lý

Chuẩn phát triển trẻ (CPTT) một mặt thể hiện khả năng của trẻ, mặt khác lại phải thể hiện được những kỳ vọng của quốc gia về mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn phát triển – là quan điểm của ba trong số các tác giả dự thảo chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.

Theo các tác giả, thường thì người ta lựa chọn các chỉ số mà có khoảng 40 – 60 phần trăm trẻ thực hiện được để xếp vào CPTT. Khi có khoảng 80 phần trăm trẻ đạt được các chỉ số, CPTT phải điều chỉnh nâng lên mức cao hơn.

Như vậy, đối với từng trẻ, có thể có những chỉ số ngày hôm nay không đạt được nhưng không có nghĩa là không thể đạt được. Trách nhiệm của người lớn là phải tìm nguyên nhân tại sao và điều chỉnh các tác động giáo dục của mình để trẻ phát triển tốt hơn chứ không bắt buộc phải đạt yêu cầu của chỉ số.

(TS Trần Lan Hương, TS Trần Thị Nga, ThS Nguyễn Thị Thư – các tác giả tham gia soạn thảo CPTT 5 tuổi)

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.