Người lớn học đánh vần

Người lớn học đánh vần
Không những không đóng học phí, cứ mỗi hai tháng, học viên được tặng mỗi người 8kg gạo. Đó là học viên những lớp học chữ, học toán dành riêng cho anh Ba “xe thồ”, chị Tư “phụ hồ”, bác Năm “hủ tiếu”... giữa những xóm lao động đông đúc tại TPHCM.
Người lớn học đánh vần ảnh 1
Anh Lý Còn (48 tuổi) và chị Triệu Thị Phương (31 tuổi) tại lớp học chữ - Ảnh: L.Trang (Tuổi Trẻ)

Cách đây hơn 10 năm, khi là một sinh viên mới ra trường, chị Nguyễn Thị Chính tình nguyện về làm giáo viên dạy lớp tình thương ở lớp học xóa mù chữ nằm giữa con hẻm chật chội trên đường Hậu Giang, phường 12, quận 6, TPHCM. 10 năm sau, chị đã là một cô giáo 32 tuổi.

Ngoại trừ những thay đổi về tuổi tác, tuần ba buổi, chị vẫn đều đặn đến lớp, dạy những chữ cái đầu tiên cho những học viên mà chị phải gọi bằng anh, chị hoặc cô, chú.

Dì, cháu cùng học

Dáng người nhỏ thó, chị lọt thỏm giữa phòng học hơn 30 người, đủ lứa tuổi từ trẻ đến già. Chỉ vào Lâm Diễm Hương (20 tuổi), học viên gắn bó với lớp học xóa mù chữ này lâu nhất, chị nói: “Hồi lớp học mới ra đời, nó còn là đứa trẻ con tinh nghịch, giờ đã lớn phổng phao. Cứ học được một thời gian rồi bỏ học, quên hết lại phải học từ đầu, học hết mức quy định xóa mù chữ mà vẫn thèm học nên tôi phải lấy sách lớp 4, lớp 5 của học sinh tiểu học để dạy tiếp cho em”.

Nhà nghèo, ba chị em Hương chia nhau đi làm công từ hồi còn nhỏ. Mỗi người một nghề, đêm đêm lại đến lớp học chữ. Mới 20 tuổi mà Hương đã đổi không biết bao nhiêu nghề: phụ việc, buôn bán, làm đồ thủ công, chở hàng...

Chị và em Hương học được một thời gian rồi bỏ, riêng Hương vẫn trung thành với lớp học và cô giáo mà Hương coi như người thân. Trừ hôm nào phải làm tăng ca, nếu không Hương đều cắp tập vở đến lớp. Hương vừa dẫn một đồng nghiệp cùng đến lớp, và cả cô cháu gái gọi Hương bằng dì cũng đến với lớp học.

Những đôi bàn tay gân guốc vì ngày ngày phải vặn, bẻ thanh nhôm, sắt thành những khung móc đồ, khi ngồi trước tấm bảng đen lại trở nên mềm mại, nắn nót viết chính tả, làm toán cộng trừ nhân chia...

Lớp học của anh Ba “xe thồ”, chị Tư ”hủ tiếu”...

Mỗi học viên một nghề nghiệp. Nghề trở thành “biệt danh” trong lớp học, như anh Còn “phụ hồ”, chị Bình “vàng mã”, em Linh “làm nhôm”...

Người chuyên bê hủ tiếu, người chạy xe thồ, người làm bốc vác ở chợ, có hôm đang học thì chồng con réo gọi về hay bà chủ quán dọa đuổi việc.

Có người vác bụng bầu đến lớp, chỉ mong con mình sau này đừng thất học như mẹ.

Ngày làm lụng vất vả, tối cắp sách đi học đúng giờ, họ ngồi học ngay ngắn và chăm chú như những con ong cần mẫn.

Với nhiều người, đó là giấc mơ được đến trường có từ thời niên thiếu mà phải đến tuổi lên chức bác, cô mới trở thành hiện thực.

Lớn lên với nghề làm guốc “gia truyền”, nhưng chẳng may ngón tay cái bị máy cắt gỗ cắt mất đốt trên, anh Lý Còn phải chuyển sang làm phụ hồ. Năm nay, anh 48 tuổi, con trai lớn đã học tới lớp 9. Anh khoe: “Thằng nhóc chăm chỉ và học giỏi lắm”.

Nói về người đàn ông mà hai bàn tay phủ một lớp bụi vôi vữa trắng xóa, không rửa sạch được, cô giáo Chính nhận xét anh là học viên chăm chỉ và điềm đạm nhất lớp.

Anh cặm cụi viết “cô Tý đi đò”, chăm chú nghe cô giáo chỉ đáng tuổi con hướng dẫn, chỉ từng nét sổ, nét vòng. Ngón tay cụt làm cây bút chì mất điểm tựa, nét chữ cứ nghiêng sang phải, lóng ngóng mãi vẫn không viết nét thẳng được.

Anh kể, bà xã đi phụ việc nhà người ta, hai vợ chồng dồn sức nuôi hai đứa con ăn học cũng vất vả, chật vật lắm, tết nhất chẳng dư được đồng nào. “Nhưng ra đường không biết chữ, người ta đưa cái đơn không biết ký cũng nhục lắm. Nên cả ngày đi làm về mệt, có khi chả kịp ăn cơm cũng phải đi học cái đã. Cứ cuối tháng, phường tặng gạo đỡ đần gia đình được ít nhiều”.

Mới về Vĩnh Long thăm con, chị Triệu Thị Phương (31 tuổi) đã tất tả đạp xe đến lớp. Ngồi học mà chị cứ ôm khư khư trước ngực chiếc túi xách đựng đôi dép mới mua và ít tiền bạc, giấy tờ từ đầu đến cuối buổi. Tay ôm, tay viết.

Hỏi chuyện học chữ, chị hớn hở kể: “Hai đứa con sinh đôi của mình học lớp 3, hôm bố nó chở lên thành phố chơi, thấy mẹ học chữ a, chữ b, nó la lên: “A, mẹ mới học có lớp 1, mà con thì học lớp 3 rồi”. Hồi trước chúng biết mình đi học, nhưng mình giả bộ nói là mẹ học lớp 5 vì ngại với con quá...”.

Chị vừa kể vừa cười như quên hết mệt nhọc của nghề giúp việc ở một gia đình đông người, cứ sáng giặt giũ, chiều lau dọn, chăm em bé, không phút nào ngơi nghỉ mà đồng lương chỉ được non 1 triệu đồng. Cứ 2 - 3 tuần, nhớ con quá chị lại xin cô giáo nghỉ học để về quê thăm con.

Theo Lưu Trang
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG