“Người phản biện” ngành giáo dục

“Người phản biện” ngành giáo dục
Nếu có thể nói gọn trong một câu, trường hợp này đúng với Giáo sư -Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Hãn. Nhưng đó là “phản biện” đáng yêu đối với hầu hết những người quan tâm, lo lắng cho ngành giáo dục.
“Người phản biện” ngành giáo dục ảnh 1
Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Hãn. Ảnh: Người lao động.

Kể cả những người lãnh đạo ngành giáo dục, có thể khó chịu nhưng họ cũng phải thừa nhận những căn cứ khoa học thuyết phục ông đưa ra.

Với trách nhiệm của một nhà khoa học, ông tự nguyện tham gia phản biện hầu hết các chính sách lớn - nói đúng hơn là quốc sách - của ngành giáo dục. Tham gia giám sát phản biện xã hội trong giáo dục - khoa học, đổi mới giáo dục đại học, góp ý chương trình và biên soạn sách giáo khoa...

Gần đây nhất, “quả bom tấn” trong ngành giáo dục: Doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục lên tới 100 triệu USD/năm dựa trên sự độc quyền làm và in sách giáo khoa, ông cũng là một trong những nguồn phát ra.

“Chính xác hơn, tôi chỉ là người tập hợp, đưa thông tin này đến với công luận, xã hội” - Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn “đính chính”. “Doanh thu chứ không phải lợi nhuận trên 100 triệu USD/năm của Nhà xuất bản Giáo dục mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đưa ra” - ông Hãn chữa lại.

Với sự cẩn thận, chính xác của một nhà khoa học, ông trích dẫn các số liệu cụ thể... Những luồng thông tin này, trong đó có thể có vai trò của ông đã được sự quan tâm của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Mới đây, như chúng tôi thông tin, nguyên Thủ tướng đã có thư gửi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nêu những bất cập trong việc xuất bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục.

“Độc quyền in sách còn tệ hại hơn cả sự ngu dốt”

Thưa Giáo sư, xin Giáo sư lý giải thêm về con số 100 triệu USD?

Doanh số 100 triệu USD của Nhà xuất bản Giáo dục dựa vào số liệu của Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa Thông tin) và số tem “chống in lậu” do nhà xuất bản này sử dụng.

Năm 2001, tổng số xuất bản phẩm được xuất bản và phát hành là 237,76 triệu bản với tổng doanh thu 1.705 tỉ đồng, trong đó riêng Nhà xuất bản Giáo dục đã chiếm 200 triệu bản ấn hành (mỗi con tem 40 đồng, 8 tỉ tiền tem), tương đương 84% lượng in ấn cả nước, vào khoảng 1.434,2 tỉ đồng. Vào thời điểm đó, tương đương 100 triệu USD.

Kể từ đó đến nay, lượng phát hành sách của nhà xuất bản này tăng 10%/năm. Trước khi đưa ra công luận, tôi đã lưu ý sự không bình thường này với những người có trách nhiệm, kể cả giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục tại Văn phòng Chính phủ.

Ông đón nhận thông tin Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo tiến hành thanh tra tài chính và việc xuất bản sách giáo khoa như thế nào?

Tôi không bất ngờ! Đáng ra đã phải làm việc này từ lâu. Làm gì có quốc gia nào thay sách giáo khoa xoành xoạch hằng năm như ta? Lãng phí khủng khiếp.

Năm nào cũng thay đổi sách giáo khoa có rất nhiều cái tai hại. Đó là phản ánh hình ảnh của một nền giáo dục không ổn định, bất bình thường. Với các nước, ngay cả ở Mỹ, sách giáo khoa cũng được sử dụng nhiều năm, ở thế hệ chúng tôi là 30 năm.

Theo những số liệu thống kê, có thể khẳng định mỗi đầu sách khi thay mới, Nhà xuất bản có thể lãi tới cả triệu USD, đồng nghĩa với việc 1 triệu USD khác (sách của năm trước) chỉ còn giá của... giấy vụn!

Một thực tế đang tồn tại trong ngành giáo dục từ hàng chục năm nay là học sinh phổ thông đã bị “bội thực” sách giáo khoa, năm nào cũng bị ấn thêm sách giáo khoa. Ngược lại, ở bậc đại học thì đang “đói” giáo trình. Ấy thế mà người ta cứ nhào vào đòi làm sách giáo khoa còn giáo trình chả mấy ai màng.

Cái tội không có sách giáo khoa chuẩn

Giáo sư có suy nghĩ gì về sự độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục trong việc in sách giáo khoa?

Sự độc quyền ấy sinh thêm lắm cửa quyền. Theo số liệu do chính Nhà xuất bản Giáo dục công khai, để trung bình mỗi học sinh có một bộ sách mới thì Nhà xuất bản Giáo dục phải in khoảng 340 triệu bản.

Thế nhưng, năm nào Nhà xuất bản này cũng chỉ in một nửa số đó. Họ chỉ cần thay vài trang trong chương trình sách, năm nay bài tập ở trang 5, năm sau chỉnh sửa sang trang 7 thế là lại in sách mới.

Chả thế mà có học sinh nói với tôi rằng: “Bài tập thầy giao ở trang 5 nhưng sách của em lại ở trang 8”. Theo tôi, đây là hành vi gian dối trong giáo dục để trục lợi.

Theo Giáo sư, ai là người phải chịu trách nhiệm?

Theo Hiến pháp và luật pháp, trách nhiệm của việc thay sách giáo khoa không chỉ riêng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ý nghĩa của chương trình sách giáo khoa rất quan trọng. Chương trình là cốt lõi nền học. Sách giáo khoa là tài liệu mang tính pháp lý trong dạy và học.

25 năm nay, Việt Nam không có chương trình chính thức, không có sách giáo khoa chuẩn với nghĩa khoa học. Tất cả giao khoán cho Bộ GD-ĐT! Không một người có trách nhiệm nào trả lời trước Quốc hội và nhân dân để ổn định giáo dục phổ thông.

Cũng có một số giáo sư là đại biểu Quốc hội cho rằng chỉ cần một chương trình là có thể có nhiều bộ sách giáo khoa?

Đông tây kim cổ, chương trình chỉ có một. Sách giáo khoa thì phải hiểu là từ lớp 1 đến lớp 12 và phải có tư tưởng học thuật, chứ không phải là có 2 người (hay nhóm) khác nhau viết thì thành ra 2 bộ sách giáo khoa như cách hiểu ở Việt Nam hiện nay.

Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Hãn có 65 công bố khoa học, trong đó gần 50 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, được thưởng Huy chương Vì sự nghiệp khoa học - công nghệ, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp khuyến học.

Năm 1998, ông được Thủ tướng bổ nhiệm là ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia.

Hiện là ủy viên thường vụ Hội Vật lý Việt Nam, thư ký hội đồng biên tập sách dạy vật lý, toán cho bậc đại học, trên đại học; Tổng biên tập tạp chí Vật lý Ngày nay; giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ví dụ, ở ngành sinh vật học, có 3 cách viết sách giáo khoa: 1/ Từ đơn giản, cụ thể đến phức tạp; 2/ Ngược lại cách 1; 3/ Viết theo kiểu thực nghiệm.

Tuy nhiên, ở những nước còn giữ chế độ thi cử như Việt Nam mình, người ta phải chọn lấy một bộ chính thức (bộ này phải thực sự phổ thông, dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ), các bộ còn lại chỉ có tính tham khảo.

Chính vì cái cách làm theo kiểu hai người viết thành hai bộ sách giáo khoa ấy nên kỳ thi đại học năm 2003 mới có chuyện đề thi môn vật lý không chuẩn. Đầu tiên là các giáo viên chấm thi rồi đến các nhà chuyên môn tranh luận, “nóng” gần tháng trời. Ấy chỉ vì cái tội không có sách giáo khoa mang tính “pháp lệnh” chuẩn để tham chiếu xem ai đúng, ai sai.

Cách làm sách giáo khoa phổ thông hiện nay giống như việc xây tòa nhà giáo dục 12 tầng, mỗi tầng một người xây một kiểu bởi chẳng có thiết kế tổng thể cũng như chi tiết chuẩn cho cả tòa nhà. Viết đến đâu, thay “cuốn chiếu” đến đấy, chứ không chịu làm xong cả 12 lớp rồi mới thay. “Đó là cách làm kiểu nông dân!”.

Phàm việc gì nói cũng dễ hơn làm. Vậy nếu được giao trọng trách xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, ông có thể làm tốt như ông nói?

Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn chỉ trong vòng hai tháng đã biên soạn xong cả chương trình sách giáo khoa. Cái chương trình sách giáo khoa chuẩn bị “vội vàng khoa học” ấy thế mà vẫn sử dụng được ổn định ở miền Bắc cho đến năm 1954; ở miền Nam lâu hơn, đến tận 1972.

Năm 1955, Giáo sư Nguyễn Văn Chiển và Giáo sư Hoàng Tụy cũng chỉ mất 6 tháng cho công việc này và đã được sử dụng ổn định tới 35 năm.

Giữa năm nay, Giáo sư Trần Hữu Tá từ TP.HCM cũng có gọi điện ra hỏi: Tại sao có thể làm được trong thời gian ngắn và ít tiền như vậy? Tôi trả lời rằng phải tập hợp trí tuệ trong Nam, ngoài Bắc. Kinh nghiệm quý báu của lớp trí thức cách mạng lão thành như ông Lê Văn Giạng, Giáo sư Nguyễn Văn Chiển, Guáo sư Hoàng Tụy, nhà giáo Lê Hải Châu... trong việc thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa là rất quý báu.

Rồi việc kế thừa của lớp trước thôi cũng đã rút ngắn đáng kể thời gian. Tôi đã đối chiếu chương trình sách giáo khoa của miền Bắc, miền Nam trước 1975 (chỉ lược bớt một số phần không phù hợp) với sách của các nước tiên tiến như Mỹ, Nga hiện nay thì cơ bản là giống nhau.

Trên cơ sở hiện đại hóa kinh nghiệm này của các năm 1945, 1955, 1975 và đội ngũ trí thức hiện có, không có gì là không thể. Xin khẳng định, việc chuẩn bị và biên soạn chương trình sách giáo khoa từ lớp 1đến lớp 12 sẽ được hoàn tất và có thể triển khai ngay trong năm học tới.

Luật hóa việc thay sách giáo khoa

Thưa Giáo sư, cũng có một số ý kiến cho rằng để phá thế độc quyền này, tốt nhất là xã hội hóa, cho các nhà xuất bản khác, tư nhân cùng làm sách giáo khoa?

Chưa chắc! Chuẩn giáo dục gần 30 năm nay, lãnh đạo ngành giáo dục thực thi nhiều biện pháp nhưng có ra đâu. Có cho tư nhân làm cũng chẳng giải quyết được.

Vậy Giáo sư sẽ làm gì, nếu đóng góp của Giáo sư được lắng nghe, áp dụng?

Không phải ý kiến của tôi mà là những kinh nghiệm tôi học hỏi, chắt lọc được từ kinh nghiệm trong và ngoài nước. Tất cả các nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm về nội dung, in ấn; riêng sách giáo khoa thì nhà xuất bản chỉ là phương tiện của các nhà khoa học. Bản thảo chương trình sách giáo khoa là công trình khoa học cấp quốc gia. Sau khi bản thảo đã được hoàn chỉnh, nhà xuất bản nào cũng có thể in được.

Tất cả các nước đều có chế tài, sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định, ít nhất là sau 10 năm mới được thay. Nếu làm được như thế, tự thân Nhà xuất bản Giáo dục cũng sẽ “teo” đi rất nhiều mà cũng chẳng ai còn buồn nhảy vào cạnh tranh. Hiện nay, tất cả do Nhà xuất bản Giáo dục làm, từ chịu trách nhiệm biên soạn nội dung đến in ấn.

Vẫn là... ổn định chương trình sách giáo khoa!

Vốn đã nổi tiếng với tư cách “nhà phản biện” ngành giáo dục, Giáo sư cũng đã tự ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X hồi tháng 4/2006 vừa rồi. Vậy giả dụ, khi đó nếu trúng cử, Giáo sư sẽ làm việc gì đầu tiên?

Ổn định chương trình sách giáo khoa! Năm nay Nhà nước đầu tư cho ngành giáo dục 3,5 tỉ USD, chưa kể tiền đóng góp của dân, rồi hàng chục dự án vay của nước ngoài cũng gần 100 triệu USD... Chỉ khi nào ổn định được nền giáo dục thì Việt Nam mới tránh được sự thất thoát, lãng phí trong giáo dục.

Năm 2007 tới đây, cả nước sẽ bầu Quốc hội khóa XII, ông còn đủ nhiệt huyết và sự tự tin để tự ứng cử tiếp?

Tôi chưa biết!

Theo Thái An
Người Lao Động

MỚI - NÓNG