Người “phiên dịch” của núi rừng

Người “phiên dịch” của núi rừng
TP- Nhiều người gọi dự án PEDC (hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn) ở vùng kinh tế mới Đăl Lăk là "những người phiên dịch của núi rừng".

>> Mang chữ lên vùng kinh tế mới
>> Những người từ trong rừng ra   

Với đặc thù là vùng kinh tế mới, Đăk Lăk có khá nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Lớp học, để dung hòa được học sinh các dân tộc học một thứ tiếng chung không phải là điều dễ dàng cho các giáo viên. Vì vậy, ngay từ khi dự án PEDC (Hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn) ra đời, Đăk Lăk xem như đã có một hướng ra.

Cho đến lúc này, chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc dự án, những thành công mà dự án mang lại cho giáo dục Đăk Lăk đã được minh chứng rõ ràng. Nhiều người dân gọi những nhân viên hỗ trợ giáo viên trực thuộc dự án là “những người phiên dịch của núi rừng”.

Học tiếng và “phiên dịch”

Một ngày làm việc theo dự án PEDC của ông Hà Văn Vượng (xã Ia R’vê, huyện Easoup, tỉnh Đăk Lăk) cũng tất bật chẳng kém giáo viên. Các em học sinh vào lớp học, ông cũng ngồi ngay cuối lớp. Cô giáo đứng trên lớp, khi giảng đến một số từ khó, các em học sinh người dân tộc không hiểu, liền đưa mắt xuống cầu cứu ông. Ông đứng lên, nhắc: “Sam quả cam” (ba quả cam). Mắt học sinh sáng lên, cô giáo cũng tỏ vẻ gật gù, đưa ánh mắt biết ơn sang phía ông.

Ông Vượng là người dân tộc Thái, không có chuyên môn gì về việc giảng dạy, dù hồi học phổ thông, ông từng là học sinh giỏi huyện được cử lên thi môn Toán tại tỉnh Thanh Hóa. Nhưng nhà quá nghèo, ông phải bỏ học giữa chừng, theo làm nghề y với bố.

Ông tiếp tục đi học y tá để tiếp nối truyền thống gia đình. Năm 2002, ông Vượng đi kinh tế mới lên tận Đăk Lăk và tiếp tục được vận động làm y tế thôn bản và tiếp tục nghiên cứu đông y để chữa bệnh cho mọi người trong xã.

Từ tháng 4/2007, được mọi người tín nhiệm, ông bắt đầu kiêm nhiệm thêm công việc mới là làm nhân viên hỗ trợ giáo viên, có mặt tại trường Tiểu học, THCS Nguyễn Thị Định. Một công việc hoàn toàn “trái tay” nhưng khiến ông thích thú chẳng kém gì làm nghề thuốc.

Lương mỗi tháng ông Vượng được lĩnh chỉ khoảng 400.000 đồng. Vào dịp nghỉ hè, ông đi đến từng gia đình trong xã, dù xa xôi cách mấy, để vận động các em đến tuổi đi học đến trường dạy thêm. Nhiệm vụ ông đặt ra cho mình sẽ là giúp cho các em nhỏ khi vào lớp 1 sẽ không bỡ ngỡ với những con chữ, bài hát…

Những học sinh nào bỏ học, ông lại phải đến tận nhà thuyết phục phụ huynh cho con đến trường trở lại. Với tài “thuyết khách” của ông, gần 100% các em người dân tộc đến tuổi đi học tại địa bàn đều đã đến lớp.

Nhưng người “phiên dịch” giỏi như ông nhiều khi cũng chịu chết! Trong ngôn ngữ nói, tiếng Dao là khác biệt nhất so với tiếng Thái, Tày, Nùng. Ông kể, có em Bàn Mùi Phấy học rất giỏi nhưng khi cô giáo dạy ghép vần giữa một đồ vật với một công dụng của nó thì em không làm được. Hóa ra, để ghép “xẻng” với “xúc” thì em không hiểu “xẻng” là thế nào.

Tiếng Dao của ông Vượng khi ấy còn hạn chế. Cả ông, cả cô giáo, cả Phấy đều chẳng biết làm sao. Từ lần ấy, ông càng cố gắng học tiếng Dao nhiều hơn nữa bằng cách lân la đến nhiều gia đình người Dao hơn, nói chuyện, hỏi han… để nâng cao trình độ “sinh ngữ” của mình.

Ông Vượng bảo mình làm việc này vì thích và cũng vì thương các em học sinh người dân tộc quá. Các em phải học chữ, lại phải học giỏi thì mới làm được nhiều việc tốt khi lớn lên được. “Người tôi nhỏ thó, không được đi bộ đội cầm súng thì làm những việc như thế này mới cảm thấy có ý nghĩa” – Ông nói.

Thành công của một dự án

Dự án PEDC có thời gian hoạt động từ năm 2003 đến 2008, với tổng kinh phí là 247,34 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới là 138,76 triệu USD. Phần lớn số kinh phí này được dành cho việc xây mới thay thế các phòng học tạm ở gần 20.000 trường và điểm trường (14.902 điểm trường) với hơn 2,7 triệu học sinh, trong đó có gần 1,2 triệu học sinh ở điểm trường.

Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được triển khai ở 219 huyện thuộc 40 tỉnh khó khăn trong cả nước với gần 15.000 điểm trường và hơn 5.000 trường tiểu học. Hoạt động chính của dự án là nhằm giúp các trường, điểm trường trong 219 huyện đạt mức chất lượng tối thiểu.

Không như cách áp dụng dự án tại các tỉnh miền núi phía Bắc: Xây dựng các điểm trường, thu hút học sinh vùng xa xôi đến học, tại Đăk Lăk, cách áp dụng của dự án PEDC chủ yếu là trả lương cho một nhân viên để hỗ trợ giáo viên. Đa số các nhân viên hỗ trợ giáo viên này là người dân tộc, để vừa phiên dịch, vừa vận động học sinh đến lớp.

Họ chính là những người kề vai sát cánh cùng giáo viên trong việc truyền đạt niềm say mê con chữ hay giải quyết những việc không tên khác tại trường. Họ âm thầm làm công việc của mình, bất kể mưa nắng, bất kể khó khăn, dù khoản tiền trả cho họ hoàn toàn không đủ để so sánh.

Đăk Lăk đang làm ngày một tốt hơn điều mà bà Nguyễn Thị Loan - Trưởng phòng Giáo dục TP Buôn Ma Thuột, từng mong muốn tại buổi giao lưu những đại biểu thuộc dự án tại 40 tỉnh trên cả nước: “Các hoạt động của dự án sẽ góp phần thu hẹp bớt khoảng cách giữa học sinh các vùng miền vì đã đến lúc chúng ta cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Không thể chấp nhận sự thiệt thòi với trẻ em vùng khó khăn trong  một thời gian quá dài như vậy”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.