Người ra đề bài văn gây xôn xao dư luận: Cháy mãi một tình yêu

Người ra đề bài văn gây xôn xao dư luận: Cháy mãi một tình yêu
TP - Với niềm tin trong sáng, sự đeo đuổi bền bỉ một tình yêu, cô giáo Bích Thảo đã thổi sự đam mê vào tâm hồn những học sinh với triết lý: Học văn để làm người.
Người ra đề bài văn gây xôn xao dư luận: Cháy mãi một tình yêu ảnh 1
Cô giáo Nguyễn Bích Thảo. Ảnh: Hồng Vĩnh - Phương Hiếu

Để có bài văn xuất sắc, nhận được hưởng ứng của đông đảo dư luận mà học sinh Hà Minh Ngọc đã viết sau ngày khai trường phải kể đến chất xúc tác, khởi nguồn cho cảm hứng của cô giáo Nguyễn Bích Thảo.

Với niềm tin trong sáng, sự đeo đuổi bền bỉ một tình yêu, cô giáo Bích Thảo đã thổi sự đam mê vào tâm hồn những học sinh với triết lý: Học văn để làm người.

Còn mãi “lửa” đam mê Văn học

Tới thăm cô giáo Bích Thảo tại căn hộ nhỏ trên tầng 3 khu tập thể Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) đúng lúc chị đang say sưa trao đổi qua điện thoại với học trò về tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Cuộc thăm viếng của tôi khiến chị Thảo đành phải hẹn học trò gọi lại vào buổi tối để trao đổi tiếp.

Chị Thảo bắt đầu câu chuyện: “Mình rất vui khi nhận được sự ủng hộ của dư luận. Ngay sau bài viết “Gặp tác giả bài văn gây xôn xao cư dân mạng” trên Tiền phong, mình và các học trò đã dành thời gian để động viên, khuyến khích nhau.

Đối với môn Văn, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã được ban lãnh đạo nhà trường áp dụng trước khi ra bộ sách giáo khoa mới. Thế nhưng, đây thực sự là lời khích lệ, động viên tinh thần quý giá đối với cả cô và trò trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm phương pháp dạy và học. Điều đó chứng tỏ sự đổi mới của cô, trò nói riêng và của khối chuyên Văn (trường ĐH Sư phạm) nói chung là đúng hướng”.

Vẫn còn nguyên cảm xúc như vừa đọc bài văn của cô học trò nhỏ Hà Minh Ngọc, chị Thảo như thấy lại hình ảnh của mình năm nào. Sinh năm 1975, yêu văn thơ từ nhỏ, năm lớp 4 chính thức theo học chuyên Văn; tuổi 16 chính thức trở thành nữ sinh trường chuyên Thái Bình.

”Lửa” đam mê môn Văn thủa học sinh mình có được là nhờ người thầy chủ nhiệm theo mình suốt 3 năm cấp 3 - Nhà giáo ưu tú Đặng Thuyên. Cảm xúc ấy đã theo mình đến tận bây giờ và không thể phai mờ trong cuộc đời mình.

Trong quãng đời sinh viên (khoa Văn ĐH Sư phạm), sau này là giáo viên, bao chuyện văn chương và những phức tạp trong cuộc đời mình đều chia sẻ với thầy. Nhờ đó mà tình yêu văn học luôn được vun đắp và vẫn vẹn nguyên trong mình”.

Bởi có một tình yêu, yêu văn thơ và yêu những dòng cảm xúc nhân văn mà một trong những thành công lớn mà thầy và trò đạt được là giải Nhất học sinh giỏi Văn toàn quốc (giải nhất duy nhất) của Bích Thảo vào năm 1990-1991.

Để giữ được “lửa” đam mê đó, chị miệt mài theo đuổi nghề giáo viên Văn cho dù có những lúc khó khăn và bế tắc. Chị Thảo trầm giọng nhớ lại: “Mình đã có 10 năm làm giáo viên, nhưng đó là ở những môi trường không chuyên Văn. Có những lúc, sau buổi lên lớp mình thấy buồn, thấy nản bởi có người biến văn thành một phương tiện để đạt một mục đích nào đó rồi quên!

Sau khi lấy bằng Thạc sĩ Văn chương ở ĐH Sư phạm, giờ đây, cô giáo Bích Thảo được quay trở lại cái nôi đào tạo của mình và làm chủ nhiệm lớp 10, khóa thứ 2 chuyên Văn của khối chuyên THPT, mình thầm tự nhủ đó là món quà quý giá, tiếp thêm tình yêu để mình thể hiện những tâm huyết, khát khao ấp ủ trong cuộc đời”.

Làm bạn để làm thầy

Người ra đề bài văn gây xôn xao dư luận: Cháy mãi một tình yêu ảnh 2

Hà Minh Ngọc (phải) trong lớp học cùng các bạn. Ảnh: Hồng Vĩnh

“Người ta vẫn thường nói: “Người thầy là người bạn lớn của học trò”, nhưng mình muốn làm nhiệm vụ của người thầy trước hết với tư cách là người bạn của học sinh” – Chị Thảo bộc bạch - Ảnh hưởng của người thầy đối với trò rất lớn và đó phải là ảnh hưởng tích cực, trong sáng”.

Hiếm có giáo viên nào lại phê lời nhận xét chân thành trong bài làm của học sinh, nhưng với cô Bích Thảo, đó là minh chứng của thành ý: Làm thầy, trước tiên phải là bạn của học sinh. Mặc dù cô và trò mới quen nhau được 3 tháng nhưng ngày nào điện thoại nhà cô cũng bận vì học sinh gọi đến trao đổi hoặc tranh luận với cô về bài giảng.

Nhờ có sự gần gũi mà trong thời ngắn, lớp 10 chuyên Văn đã có sự trao đổi thông tin khá thú vị. Qua diễn đàn trên mạng của trường, chị Thảo và những học sinh thường xuyên đưa ra những chuyên đề về sách. Chị bổ sung thông tin và tư liệu cho học sinh bằng cách post lên diễn đàn.

Đối với học sinh khó khăn, không có điều kiện truy cập internet, chị photo tài liệu cho các em nghiên cứu. Chị Thảo vui vẻ kể: “Lớp mình đang thành lập “thư viện di động”, giống như chuyên mục “mỗi tuần một cuốn sách”. Mỗi tuần, các em đọc những cuốn sách tâm đắc sau đó viết phần tóm tắt cuốn sách, nêu vài cảm nhận trên diễn đàn để giới thiệu với các bạn khác.

“Thư viện” này giúp các em rèn luyện kỹ năng tóm tắt tác phẩm đồng thời tạo điều kiện cho những bạn khác không có điều kiện mua sách cũng được biết nội dung qua phần tóm tắt. Sau đó, tổ giáo viên và học sinh lập nên “nhóm cùng đọc” để chấm cho học sinh nào có phần bình hay nhất”. 

Chia tay khi chị Thảo sắp tới giờ lên lớp, chị nhắn nhủ với tôi rằng, sự kiện bài viết của Hà Minh Ngọc cũng như cách ra đề của chị không có gì quá đặc biệt, bởi nó xuất phát tình yêu văn học và sẽ không sự lựa chọn nào khác!

Chị Thảo tâm sự: “Làm việc gì cũng thế, với một tình yêu được nuôi dưỡng và trân trọng sẽ mang đến những bất ngờ thú vị. Đó chính là sự hấp dẫn của cuộc sống- quà tặng cho mỗi người”.

MỚI - NÓNG