Người thầy đầu tiên

Năm 1955 Bác Hồ đến thăm những học sinh Việt Nam đầu tiên sang LX học tập
Năm 1955 Bác Hồ đến thăm những học sinh Việt Nam đầu tiên sang LX học tập
Cách đây 53 năm, mùa thu 1961,tôi nhận được giấy triệu tập đi học ở khoa Ngoại ngữ,Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Là học sinh từ Việt Bắc về,tôi vô cùng háo hức và cũng hết sức bỡ ngỡ trước cuộc sống mới ở thủ đô.

Ở năm thứ nhất tôi được biên chế vào lớp A có 20 sinh viên.

Người thầy đầu tiên của tôi là cô Nguyễn Tuyết Minh mới được đào tạo 7 năm ở khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Lê-nin Mát -xcơ-va vừa về nước.

Tất cả chúng tôi đều rất phấn khởi và phải thừa nhận rằng ngay từ giờ học đầu tiên cô Minh đã chinh phục chúng tôi bằng trình độ tiếng Nga, nhan sắc và tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Ngày lên lớp nào chúng tôi cũng mong có giờ của cô.

Cô tận tình chỉ bảo, uốn nắn từng sai sót của chúng tôi. Qua các giờ học của cô chúng tôi được biết đến Điện Crem-li với quảng trường Đỏ lịch sử, dòng Vôn-ga mênh mang, thiên nhiên Nga với những cánh rừng bạch dương bất tận,cùng con người Nga đôn hậu,giàu lòng nhân ái......

Những năm Không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, bồng đứa con 2 tuổi trên tay, cô Minh cùng sinh viên rời Hà Nội đi sơ tán.

Đó là những năm tháng thật khó khăn,gian khổ.

Lương tháng đã hết,chiếc xe đạp hỏng cần sửa chữa,thuốc men cho con chưa mua được....nhưng cô Minh chưa bỏ một giờ lên lớp nào.

Đêm đêm bên cây đèn bấc đã vặn nhỏ,kể cả những ngày đêm trên bầu trời Hà Nội diễn ra trận" Điện Biên Phủ trên không" người ta vẫn thấy cô làm việc, chuẩn bị giáo án, tài liệu để mai lên lớp.

Người thầy đầu tiên ảnh 1

PGS-TSKH Tuyết Minh tại hội thảo khoa học 2013                                     

Trong khoảng thời gian hơn 2 thập kỷ, cô giáo Tuyết Minh cùng tập thể đồng nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên giỏi nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức tốt. Họ đã tỏa đi khắp mọi miền của đất nước ,đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vào những năm 70,80 thế kỷ trước cô giáo tôi đã bảo vệ thành công hai luận án TS và TSKH. Đặc biệt luận án TSKH với đề tài :" Các bình diện hình thái học chức năng trên cơ sở của phạm trù chức năng-ngữ nghĩa " khiến động" trong tiếng Nga đối chiếu với tiếng Việt ,được giới học giả trong và ngoài nước đánh giá cao.

Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên LB Nga, chuyên viên cao cấp Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga.X.V.Xôn-xê-va nhận xét:" Công trình nghiên cứu của TSKH ngữ văn Nguyễn Tuyết Minh có ý nghĩa lí luận và thực tiễn sâu sắc đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển ngành Việt ngữ học, Nga ngữ học cũng như ngôn ngữ học đại cương. Vấn đề mà tác giả đặt ra dựa trên các luận chứng khoa học chắc chắn đang thức tỉnh những ý tương khoa học mới mẻ.Có vốn tiếng mẹ đẻ và tiếng Nga tuyệt vời, các cứ liệu ngôn ngữ được tác giả viện dẫn đều sắc sảo, đắt giá, các quan điểm học thuật được hình thành logic,giàu tính thuyết phục."

Luận án được in thành sách dày 500 trang. Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên nhất trí công nhận đây là luận án TSKH.

Ngày 13/10/2000 Hội đồng khoa học cũng đã tổ chức bỏ phiếu bầu TSKH Ngữ văn Nguyễn Tuyết Minh là Viện sĩ Hàn lâm nước ngoài chuyên ngành Bách khoa toàn thư Nga.

26 năm trở lại đây Viện sĩ Tuyết Minh là một trong những người đầu tiên trong nhóm 9 nhà khoa học Việt Nam và LB Nga được giao nhiệm vụ biên soạn bộ Đại từ điển Việt Nga mới (ĐTĐVNM) hai tập dày khoảng 2000 trang.

Cô Minh không chỉ đảm nhận việc đề xuất các luận chứng khoa học của công trình, thuyết minh, thuyết phục các cơ quan chức năng phê duyệt mà còn làm cụ thể từ khâu thiết kế bản từ, đến biên tập hiệu đính từng mục từ. Không thể kể hết những khó khăn vất vả mà cô giáo tôi đã trải qua. Đặc biệt vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, ở nước Nga xảy ra những biến động chính trị dữ dội chưa từng có. Hợp đồng biên soạn từ điển gần như bị lãng quên, sinh hoạt phí tối thiểu cũng bị hạn chế,chỗ làm việc,chỗ ăn ở không có .......

Trong hoàn cảnh đó, để duy trì cuộc sống và tiếp tục biên soạn từ điển chồng cô giáo tôi phải nhận công việc phụ giúp cho một của hàng Việt Nam ở Mát-xcơ-va. Trong lòng cô giáo tôi chỉ nung nấu một khát vọng: Thực hiện bằng được mục tiêu đề ra.

Thế rồi cuối năm 2012,sau gần 3 thập kỷ lao động gian khổ, miệt mài, sáng tạo của tập thể các nhà làm từ điển với linh hồn là hai biên tập viên chính: Nhà Việt ngữ học V.An-đrê-ê-va và PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh, ĐTĐVNM đã được nhà xuất bản" Sách Phương Đông" thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB.Nga tổ chức xuất bản, đã ra mắt bạn đọc.

Hiện ấn phẩm đã được bán tại câc cửa hàng Mat-xcơ-va và không lâu sẽ có ở Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử Từ điển học Việt Nam một cuốn đại từ điển song ngữ kiểu mới, đa chức năng của tiếng Việt văn hóa hiện đại được biên soạn theo những yêu cầu từ điển học thế giới hiện đại đã có ở Việt Nam. Dù còn một số sai xót nhỏ song ĐTĐVNM vẫn là một cuốn từ điển song ngữ đồ sộ nhất ở Việt Nam.

Đối với cô giáo tôi, ĐTĐVNM chưa phải là cao điểm cuối cùng cần chinh phục . Hiện cô Minh đang bắt tay vào việc biên soạn cuốn từ điển tiếp theo" Từ điển song ngữ thành ngữ Việt Nga, Nga-Việt".

MỚI - NÓNG