Người thương binh phá rào cản ngôn ngữ

Người thương binh phá rào cản ngôn ngữ
TP - Hình ảnh người thương binh bước đi khập khiễng, cùng tập giáo án đến dạy ngoại ngữ cho các chuyên viên nước ngoài tại Hội An đã trở nên quen thuộc với người phố cổ.
Người thương binh phá rào cản ngôn ngữ ảnh 1
Thầy Kim bên giáo trình

Ông là nhà văn Cao Kim (67 tuổi, TX Hội An, Quảng Nam).

Với chiếc xe đạp cà tàng làm bạn, mỗi vòng xe của người thương binh hạng 1/4 thật nặng nề, nhưng hàng ngày ông vẫn lân la đến khắp những nơi có người nước ngoài công tác ở Hội An để quảng bá tiếng Việt.

Hỏi ông sao lại làm vậy? Ông cười: “Họ làm từ thiện cho mình, tại sao mình không dạy tiếng Việt để họ thuận tiện hơn trong công việc”.

Học sinh (HS) của ông mang đủ quốc tịch, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ… Dạy HS ngoại quốc từ năm 2004, ông đã rút ra được những kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

Ông nói: “HS đến từ châu Á chưa hẳn đã tiếp thu tiếng Việt nhanh. Mấy cậu học trò Nhật Bản thường phát âm ngắt quãng từng tiếng. Trái lại, HS ở Úc lại có năng khiếu bẩm sinh học rất nhanh, phát âm cũng rất chuẩn…”.

Ban đầu ông phải dạy “chay” vì không có giáo án tiếng Việt cho HS ngoại quốc. Và cũng chẳng có chút nghiệp vụ sư phạm nào. Lần mò hồi lâu, cùng vốn tiếng Anh kha khá của mình từ khi còn đi học, ông tự soạn một cuốn giáo trình mà ông vẫn gọi vui là “tam ngữ”.

Ông Kim giải thích: “Tôi dạy tiếng Việt nhưng phải lấy tiếng Anh làm trung gian để truyền đạt. Nếu là HS Nhật Bản thì ngoài dịch nghĩa tiếng Việt qua tiếng Anh, thì tôi lại nhờ người dịch cả sang tiếng Nhật nữa cho dễ hiểu”.

Hằng ngày ông tự đạp xe tới nơi những người nước ngoài đang làm việc để “xin” dạy tiếng Việt. “Chỉ có thể tranh thủ lúc họ xong việc mình mới dạy được” - Ông bảo. Có người nước ngoài nào đến Trung tâm học tập cộng đồng Tân An là ông lại tận dụng “phổ cập” cấp tốc tiếng Việt cho họ.

HS người ngoại quốc của ông đa số là làm công tác từ thiện hoặc tham gia trùng tu, bảo tồn các ngôi nhà cổ ở Hội An. Vì thế, họ thường nán lại đây lâu hơn. Ông Kim nói: “Họ làm việc với người Việt mình nhiều mà bất đồng ngôn ngữ thì sao đặng”.

Nhiều bận ông cũng suýt “cháy giáo án” vì những HS ngộ nghĩnh này. Ông Kim còn nhớ cô HS Nicole Wait (quốc tịch Anh) đang làm việc cho tổ chức phi chính phủ GVN. Cô học trò này không tài nào phân biệt dấu huyền và dấu sắc trong mấy tháng ròng.

Người thương binh phá rào cản ngôn ngữ ảnh 2
Các  học sinh nước ngoài trong buổi tốt nghiệp lớp học tiếng Việt cấp tốc của thầy Kim

Ông Kim cũng đau đầu với vấn đề nan giải này. Rồi sau này ông cũng thấu: “Nằm ngửa là dấu huyền; Nằm ngửa cổ cao chân là dấu ngã; Ngồi là dấu hỏi; Ngồi trên trái banh là dấu chấm hỏi; Sắp té về bên phải là dấu sắc”…

Thế mà những Nicole Wait (Anh) hay Renne (Canada), Lizi (Úc), Suzuki Chikoka (Nhật Bản)… cùng với vài trăm HS ngoại quốc  đã tốt nghiệp lớp tiếng Việt ngắn hạn do người thương binh này đào tạo.

Gặp nhau ngoài đường, những HS này đã gọi ông là chú Kim và xưng mình là con. Khi về nước họ vẫn thường gửi e-mail cho ông để hỏi một từ tiếng Việt khó hiểu. “Vậy là mãn nguyện rồi” - Ông cười.

Phá rào cản ngôn ngữ

Rời quân ngũ, ông Kim mang trên mình mấy miếng đạn còn sót lại và một phần xương thịt để lại nơi chiến trường. Về nhà ông chuyển hướng sang viết văn rồi làm khuyến học cho phường kiêm luôn “giám đốc” Trung tâm học tập cộng đồng Tân An.

Đây vừa là công việc ông yêu thích nhưng cũng là dịp ông tiếp xúc với những người nước ngoài tới đây làm từ thiện. Rồi ông thấy những người nước ngoài tới Hội An để làm từ thiện cho trẻ em nghèo phải vã mồ hôi hột để dùng cử chỉ “nói chuyện” với mấy đứa nhỏ ông Kim không đành lòng. “Họ đã tận tình như thế, mà mình không có gì đền đáp lại thì thật ngại” - Ông Kim tâm sự.

Từ đó ông lặn lội tìm đến địa chỉ các tình nguyện viên nước ngoài chỉ đơn giản là: “Có đi có lại mới được lâu bền”. Cứ vậy, HS ngoại quốc vừa tới Trung tâm học tập cộng đồng của phường Tân An (TX Hội An) hay bất cứ nơi đâu để làm tình nguyện thì ông lại tới “tiếp thị” tiếng Việt cho họ. Rồi ông nhận ra rằng: “Phá bước rào cản ngôn ngữ cũng là bước tự khẳng định mình với thế giới”.

Làm việc với người nước ngoài nhiều ông cũng “nhiễm” tác phong làm việc của họ. Không tồn tại khái niệm đi học chậm bao giờ. Dạy tình thương nhưng họ rất nghiêm khắc. Thế mà HS tới học ngoại ngữ ở đây vẫn đông mới lạ chứ” - Ông Kim cho biết.

Chuyện về ông  thương binh dạy tiếng Việt cho người nước ngoài được các HS ngoại quốc kể cho nhau nghe ngày một nhiều. Anh HS Renne (Canada) được thầy Kim “truyền” cho tiếng Việt vui quá đã “gọi” thêm vợ mình - cô Geye (dạy tiếng Anh tình nguyện ở Tân An) qua học.

Độ này người ta thấy ông Kim thương binh đi lại nhiều hơn. Ông đi “tiếp thị” học tiếng Việt cho tất cả dâu, rể người nước ngoài đang sinh sống ở phường Tân An và phố cổ.

Ông đang  thực hiện một ước mơ phá rào khi buổi đầu ông nghĩ chỉ dạy để trả ơn, còn giờ: “Chúng tôi đang xin Sở GD&ĐT mở cơ sở dạy tiếng Việt thật chính quy, bài bản. Và trong tương lai mình có thể sẽ xây dựng một Học viện tiếng Việt cho khu vực thì cũng nên lắm chứ” - Ông hào hứng.

Bảy năm làm Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng phường Tân An, ông vẫn được mệnh danh là vị giám đốc không lương.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.