Nguyễn Hòa đã quá ư “hồn nhiên”?

Nguyễn Hòa đã quá ư “hồn nhiên”?
TPCN - Thưa tác giả Nguyễn Hòa… Tôi thực sự nghĩ ngợi về bài báo của anh. Anh đã “hồn nhiên” kéo lên tấm vải mỏng làm lộ một khoảng “sân khấu sự đời chạy đua bằng cấp” hiện nay ở nước ta.
Nguyễn Hòa đã quá ư “hồn nhiên”? ảnh 1
Ảnh minh họa

…Vâng. Thưa Tác giả Nguyễn Hòa (Tg N.H), tôi nhận xét anh “hồn nhiên” là vì sự học, sự dạy tại chức bây giờ đã là “chuyện muôn năm cũ” rồi.

Những chuyện rất là chuyện nội bộ của những người đi học – sao anh cứ nói, cười hơ hơ về nó chỗ đông người thế?

Nói dại, thế nhỡ sếp của anh, ông hàng xóm của anh, con của bạn anh, hay có khi chính là bạn anh… cũng dính vào “biến thái khác thường” ấy thì anh “sống với ai”. À, mà hình như chính anh cũng đang “bị đi học” tại chức thêm một bằng nữa thì phải – cuối bài báo anh  nói vậy mà?

Thú thực, chính tôi cũng từng học qua tại chức một nghề. Cả một số bạn thân của tôi cũng trưởng thành trên các nghề nghiệp thông qua việc đã tốt nghiệp tại chức.

Bình tâm mà nhìn nhận thì chủ trương và chính sách của Nhà nước duy trì hệ đào tạo Cao đẳng, Đại học, Cao học tại chức (gọi tắt là tại chức) là rất cần  thiết và quan trọng trong xã hội hiện nay.

Nó tạo cơ hội học tập nâng cao nhận thức văn hóa, tích lũy tri thức văn hóa – khoa học kỹ thuật ở trình độ Đại học cho một bộ phận nhân dân. Và để đi trên “con đường học tập tại chức” này, người muốn học phải đáp ứng một số yêu cầu sơ lược như sau (theo quy định hiện hành):

Một là, đã tốt nghiệp PTTH hoặc tương đương.

Hai là, đã và đang công tác chính thức hoặc hợp đồng (đúng nghề muốn đăng ký thi– học) tại một cơ quan Nhà nước nào đó liên tục, tối thiểu từ 3 năm trở lên.

Ba là, chấp hành quy định về đóng góp tiền phí học tập và các quy định khác trong quá trình học tập do nhà trường Đại học hoặc Trường - Trung tâm nào đó đăng cai địa điểm học đề ra.

Đại loại có 3 yêu cầu cơ bản như vậy cho các người có chí tiến thủ dự thi.

Nhưng thưa Tg N.H, thực tế cho thấy “con đường học tại chức” đã thật gập ghềnh và lơ mơ đến hơn 500-600% sự thật mà bài báo của anh phản ánh. Hiện tượng chạy được học, chạy được điểm, chạy được lấy bằng tại chức đang “phi mã”.

Nó tạo ra hệ quả: Có một xã hội chạy bằng cấp, chạy việc làm, chạy chức quyền… vô cùng tốn kém và mệt mỏi, ảnh hưởng rất xấu đến sự nghiêm minh của pháp luật và trật tự xã hội. Vậy thì, ai đó sẽ nói thế này: Anh hãy nói rõ, hãy chỉ ra xem ai, ở đâu – họ chạy thế nào, làm  láo thế nào…

Xin thưa ngay với Tg N.H và các quý vị bạn đọc rằng, có rất nhiều sự việc- hiện tượng không lành mạnh, không đúng pháp luật xảy ra hàng ngày, hàng năm xung quanh chúng ta.

Những hiện tượng đó ai ai cũng cảm nhận được, nói ra được nhưng “nắm tay, chỉ mặt” lại thật khó. Vì ngại, vì nể, vì cả nỗi sợ hãi nữa.

… Có một số sinh viên tại chức không có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương thì “bằng mọi nỗ lực tìm kiếm” cho ra. Có rất nhiều học sinh phổ thông “chưa qua gì” vẫn vô tư là “cán bộ được cơ quan đồng ý cho đi học”.

Khi đầu vào đã ổn rồi thì “đâm lao phải theo lao” đóng góp tiền bao nhiêu cũng OK đi! “Miễn  là lớp ta sau 4 năm nữa đều tốt nghiệp hết ấy mà”! Thế là các trò hợp lực nhau lại, tập trung cao độ “nhân -  tài - vật - lực” và huy động, “phối kết hợp” tối đa các tiềm năng và lợi thế của địa phương, khu vực mình để “áp đảo các thầy”. Họ làm “tê liệt gần hết lực lượng thầy”.

Thế cho nên thầy chưa bao giờ nhàn, sướng như hiện nay; trò chưa bao giờ học hành, thi cử dễ dàng “như một công nghệ ra lò” như hiện nay.

Trước thế trận như “ma trận” của học trò tại chức (cũng có rất nhiều trò là “các tay anh – chị trong làng tiền - tài và chức vị” nữa) thì thầy làm sao trụ được như “không khí đánh trận giả” ở trường chính quy phía sau được.

Thưa Tg N.H, còn chuyện đi chơi, đi ăn của các thầy ấy mà. Thôi, cái sự này tế nhị lắm, anh nên “bỏ qua” nếu có viết tiếp bài báo nữa. Theo tôi, đi thăm thú các danh lam thắng cảnh của các địa phương và đất nước cũng như hưởng thụ ẩm thực của từng vùng miền là một “nhu cầu tự nhiên, tất yếu, khách quan” ấy mà.

Người ta gọi nó là văn hóa du lịch, văn hóa  ẩm thực anh ạ! Nếu các trò không mời được thầy đi thì hóa ra trò hoặc thầy (hoặc ngược lại) mang tiếng là đứng ngoài văn hóa ấy à?

VT 27/6/2006

Kim Ngọc Đại

(Hội VHNT tỉnh Phú Thọ)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...