Nhân lực IT: Thầy thiếu, trò yếu!

Nhân lực IT: Thầy thiếu, trò yếu!
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình hình nhân lực công nghệ thông tin của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện cầu đang vượt xa cung. Dự báo, đến năm 2015, con số thiếu hụt này có thể lên 250 nghìn lao động.
Nhân lực IT: Thầy thiếu, trò yếu! ảnh 1
Dự báo, đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiếu hụt có thể lên 250 nghìn lao động công nghệ thông tin.

10 tỷ USD là tổng số vốn mà các "đại gia" công nghệ thông tin nước ngoài như Intel, Foxcon, Renesas, đã đầu tư vào Việt Nam nhằm phát triển ngành công nghệ thông tin, chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất vi mạch, máy tính, điện thoại - viễn thông cùng nhiều linh kiện thiết bị điện tử, vi mạch khác.

Các dịch vụ “ăn theo” hay còn gọi là các ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ vì thế cũng sẽ phát triển, như đầu tư sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, các dịch vụ công nghệ thông tin chất lượng cao.

Điều này dẫn đến nguồn lực công nghệ thông tin trong những năm sắp đến sẽ thiếu hụt nặng thêm.

Hiện Việt Nam có khoảng 350 nghìn lao động công nghệ thông tin, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Từ năm 2004 đến nay, chỉ tiêu đào tạo công nghệ thông tin tăng đều 50% nhưng cũng chưa thấm tháp vào đâu.

Có nghịch lý là trong khi ở hầu hết các ngành kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang thiếu hụt trầm trọng lao động công nghệ thông tin thì mỗi năm vẫn có hàng nghìn sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp ra trường mà chưa thể tìm được việc làm, nhất là ở các doanh nghiệp nước ngoài.

Bởi theo một cuộc khảo sát gần 200 doanh nghiệp phần mềm và công nghệ thông tin tại TPHCM gần đây, chỉ dưới 14% số ứng viên là trúng tuyển.

Một số doanh nghiệp vì nhu cầu, đã chấp nhận giải pháp: tuyển dụng và đào tạo lại, gây lãng phí thời gian và công sức của doanh nghiệp, người lao động, nhà tuyển dụng...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin của chúng ta chưa sát thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, đào tạo học thuật là chủ yếu, chưa bắt kịp “nhịp độ” đào tạo của một số quốc gia trong khu vực và thế giới.

Các ngành, các trường đào tạo công nghệ thông tin chưa có một quy chuẩn thống nhất cấp quốc gia để chuẩn hóa hoặc liên thông trong việc đào tạo và cấp chứng chỉ, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi chứng chỉ mỗi kiểu giá trị khác nhau.

Ngoài ra, số lượng giáo viên tham gia giảng dạy công nghệ thông tin trên cả nước còn quá thiếu cả về số lượng lẫn trình độ chuyên môn.

Tính đến nay, trong cả nước chỉ khoảng 0,6% giáo viên công nghệ thông tin có trình độ giáo sư, 5,15% phó giáo sư, 14,75% tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, còn lại là đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp...

Tìm giải pháp

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại một hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông, được tổ chức đầu năm 2008 tại Đà Nẵng nói: “Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam có tiềm năng hợp tác với các đối tác nước ngoài rất tốt, vì vậy phải làm sao để có thể thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong nước”.

Ông cũng đánh giá: thị trường công nghệ thông tin, môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam rất lớn nên sự kết hợp cung - cầu, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay là cực kỳ cần thiết.

Một chuyên gia của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa), cho biết: cả thế giới hiện đang thiếu khoảng 1,5 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, con số này sẽ là 3 triệu vào năm 2020. Các nước phát triển mạnh như Mỹ, Nhật Bản, EU... đang thiếu hụt trầm trọng, đây chính là tiềm năng và cơ hội cho lao động công nghệ thông tin Việt Nam có thể vươn ra thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, “vấn đề là ở chỗ, 3 nhà (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp) phải gắn bó với nhau, đưa ra lộ trình cụ thể, xác định được quy mô đào tạo cần thiết, phải phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành liên quan cũng như cần phải đánh giá, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

Theo Xuân Nghi
 VnEconomy

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.