Nhân tài và 'vườn ươm lãnh đạo'

Sở KH&ĐT Đà Nẵng có 10 học viên Đề án 922 đang công tác. (Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại khu một cửa của Sở tại Trung tâm hành chính thành phố). Ảnh: Thanh Trần.
Sở KH&ĐT Đà Nẵng có 10 học viên Đề án 922 đang công tác. (Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại khu một cửa của Sở tại Trung tâm hành chính thành phố). Ảnh: Thanh Trần.
TP - 40 học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) của Đà Nẵng xin nghỉ việc ra khỏi đề án sau một thời gian công tác. Và có tới 32 học viên thuộc đề án trên đã bị khởi kiện ra tòa dân sự các cấp do không đủ thời gian làm việc cho thành phố theo hợp đồng đã cam kết trước đó.

Còn ở Quảng Nam, bắt đầu có một số cán bộ, trong đó có phó chủ tịch xã thuộc “Vườn ươm lãnh đạo” xin nghỉ việc. 

“Vườn ươm lãnh đạo” chính là đích hướng đến của Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (Đề án 500) của Quảng Nam. Tính chất phần nào hơi khác với Đề án nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng. Tuy nhiên, cũng như những đề án tương tự tại một số địa phương khác, về bản chất cũng là hướng đến tuyển chọn, đào tạo người có trình độ, khả năng cùng tố chất hơn người. Mà như báo chí vẫn quan gọi là “nhân tài”.

Nhân tài có nhất thiết phải trở thành quan chức, coi vị trí lãnh đạo, quản lý là cái đích để hướng đến? Đáng tiếc, đó lại là quan niệm đang rất phổ biến nhiều nơi. Như tại một Sở ở Đà Nẵng, “thành tích” được khoe là hiện có 4 “nhân tài” được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, và 2 người trở thành cán bộ nguồn của thành phố.

Bộ máy, cơ chế quản lý của hầu hết cơ quan nhà nước hiện vẫn chưa tương thích với những kiến thức, kỹ năng mà những người giỏi học hỏi được từ nước ngoài. Khi mức độ lương, thưởng cùng những sự vinh danh hầu như tỷ lệ thuận với chức vụ được nắm giữ. Chế độ chính sách cũng như sự đánh giá, ghi nhận dành cho những chuyên viên, chuyên gia giỏi thực thụ về chuyên môn vẫn bị khuất lấp đâu đó. Chưa kể những người tài đó thường bị “dìm” bằng nhiều kiểu khác nhau. 

Thế nên không chỉ những “nhân tài” kiên quyết xin nghỉ, mà không ít những người còn lại cũng trong tình trạng bấp bênh về tâm lý. Có thể họ gắn bó với công việc vì trách nhiệm với hợp đồng nhiều hơn là sự thoải mái, nhiệt tâm  cống hiến. Bởi những trí thức thuộc dạng tinh hoa ấy không phải ai cũng thiết tha đi theo con đường làm chính trị theo nghĩa trở thành lãnh đạo. 

Trong 32 nhân tài Đà Nẵng bị thành phố kiện ra tòa vì vi phạm hợp đồng, có 8 trường hợp đang trong quá trình xét xử, 10 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn thi hành án, 3 trường hợp đã bồi hoàn xong sau phiên sơ thẩm. Còn lại 11 trường hợp được rút đơn khởi kiện do họ đã kịp hoàn thành bồi hoàn kinh phí đào tạo cho địa phương trước khi vụ việc đưa ra tòa. Còn tại Quảng Nam, 4 người trong “vườn ươm lãnh đạo” xin nghỉ việc hiện cũng đứng trước nguy cơ phải đền bù cho nhà nước kinh phí đào tạo, bởi chưa hoàn thành 7 năm công tác liên tục theo cam kết ban đầu.

Pháp lý là rất rõ ràng, không cần bàn cãi. Tuy nhiên, việc “chảy máu” nhân tài sau thời gian dài bỏ tiền, bỏ công bồi dưỡng, đào tạo sẽ còn xảy ra, nếu chỉ “cầm máu” bằng những phiên tòa và những khoản đền bù.

Đó là khi cơ chế bộ máy nhà nước vẫn chưa gấp rút thay đổi. 

MỚI - NÓNG