Nhập nhằng mùa luận văn

Nhập nhằng mùa luận văn
TP - Đằng sau mỗi luận văn là mồ hôi, công sức, tiền bạc… không thể đo đếm được. Và cũng chính đằng sau những luận văn ấy là những bất cập  song hành.

Mỗi năm, có hàng ngàn luận văn được bảo vệ tại các trường đại học. Đó là cả một vinh dự, là sự tưởng thưởng xứng đáng cho công sức học tập của những sinh viên xuất sắc...

Đang mất dần sự sáng tạo!

Ngành Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM là một trong những ngành học bao quát nhất, đề cập đến nhiều vấn đề nhất trong khối xã hội. Nhưng, thử nhìn vào danh sách 75 đề tài luận văn được bảo vệ trong năm học 2005 – 2006 này mới thấy sự sáng tạo, điều kiện thiết yếu trong việc chọn luận văn, đang dần trở thành thứ yếu.

Cũng như các năm học trước, đa số đề tài chỉ quanh đi quẩn lại: “Vấn đề giải quyết việc làm cho học sinh sau cai nghiện”, “Việc vui chơi của sinh viên KTX”, “Việc đọc sách báo của sinh viên KTX ĐHQG TPHCM”, “Vấn đề ăn ở, sinh hoạt của công nhân khu công nghiệp”…

Rất hiếm hoi mới bắt gặp được những luận văn mang tính đột phá, “khai quật” được các vấn đề mới mẻ.

Cũng tương tự như vậy, tại khoa Điện – Điện tử (ĐH Bách Khoa TPHCM), khoa được xem là sáng tạo nhất trong khối tự nhiên, các luận văn được bảo vệ năm 2005 – 2006 cũng rơi vào tình trạng “thừa truyền thống, thiếu sáng tạo” khi những đề tài cũng chỉ được gói gọn trong: Giao tiếp máy tính, điều chỉnh tốc độ động cơ…

Đặc biệt hơn, đã bao nhiêu khóa nay, Khoa Ngữ văn và Báo chí, ĐH KHXH&NV TPHCM luôn có một phương án dành cho sinh viên được bảo vệ luận văn: Bốc thăm.

Chuyện tưởng đùa mà có thật! Sinh viên tụ họp tại Văn phòng khoa, đề tài đã được các thầy cô bàn bạc, thống nhất. Sinh viên bốc thăm trúng đề tài giảng viên nào đưa ra sẽ được giảng viên ấy hướng dẫn. Ngay cả khâu chọn đề tài luận văn còn không được tự do, thử hỏi sinh viên lấy gì để sáng tạo?

T.Hằng – Ngành Chính trị, Khoa Triết học, ĐH KHXH&NV TPHCM – tâm sự:

“Em cũng là sinh viên được chọn làm luận văn nhưng em nhận thấy đa số luận văn thường phải đi theo hướng truyền thống mà mất dần đi sự sáng tạo. Có chọn những đề tài rộng hơn, đột phá hơn cũng thường được thầy, cô hướng dẫn đưa về những đề tài dễ dàng, ít tốn công sức tìm tòi.

Thời gian làm luận văn là thời gian thầy cô phải ra đề thi, chấm thi… nên hướng dẫn chẳng được là bao. Có khi cả mấy tháng trời làm luận văn chỉ gặp giáo viên hướng dẫn có 2 lần: Lúc báo đề tài và lúc bảo vệ đề tài. Có muốn làm cũng đành chịu!”

Hơn nữa, lâu nay việc bảo vệ luận văn thường được đóng khung bằng tâm lý: Đã được làm luận văn là chắc chắn được điểm cao. Thầy, cô cũng rất ngại phê cho sinh viên bảo vệ luận văn điểm quá thấp khi nghĩ đến công sức họ bỏ ra và “cũng là đồng nghiệp mình hướng dẫn”.

Cứ như thế, sinh viên chả dại gì “đào bới” đề tài quá khó, quá tốn kém công sức, tiền bạc. Đề tài nào mà chả được điểm cao. Bởi thế, qua từng khóa, từng khóa, tính sáng tạo cứ rơi rụng dần. Luận văn trở thành nơi để cóp nhặt, “xào nấu”, “nhai lại”.

Những luận văn bị chối bỏ

Việc bảo vệ luận văn luôn đi đôi với niềm tự hào. Được đứng trên bục bảo vệ luận văn là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Nhưng ngày càng rộ lên việc nhiều sinh viên xin từ chối làm luận văn. Chuyện khó tin nhưng có thật!

Lý do mà H, trường Đại học Kinh tế TPHCM nộp đơn lên khoa xin từ chối quyền làm luận văn hết sức thực tế: Điểm tổng kết 4 năm của H chỉ được xấp xỉ 7,5. Cộng, trừ đầu này đầu nọ nhưng dù có làm luận văn được 10 điểm H cũng không có cơ hội kéo điểm tổng kết của mình lên chứng chỉ tốt nghiệp giỏi được.

Vậy là xin nghỉ! Dại gì tốn thời gian, tiền bạc chạy theo đề tài trong khi cứ học tà tà thi tốt nghiệp, 5 điểm cũng chắc chắn được chứng chỉ tốt nghiệp khá rồi. Đa phần những sinh viên từ chối làm luận văn thường mang lý do như H.

Chuyện từ chối làm luận văn của N – Khoa Triết học, ĐH KHXH&NV TPHCM – đang nổi tiếng khắp cả khoa. N đệ trình lên khoa xin làm đề tài về Makiavelli, một triết gia người Italia. Đề tài quá mới, lại cần công sức tìm hiểu công phu, tài liệu lại không nhiều, giáo viên hướng dẫn N khuyên cô chọn đề tài khác.

Sau vài ngày suy nghĩ, N khẳng khái nộp đơn xin nghỉ làm luận văn với một lý do: “Em rất tâm đắc với đề tài này và không muốn làm bất cứ đề tài nào khác nữa. Bây giờ chưa có điều kiện làm, em sẽ để dành khi làm luận văn thạc sĩ”.

Vì nhiều lý do, một đề tài mang tính đột phá như của N đành bị gác lại. Trong khi đó, độ an toàn về điểm số khi thi tốt nghiệp luôn không cao bằng việc bảo vệ luận văn. N đã rất dũng cảm khi đứng lên  bảo vệ sự sáng tạo của mình.

Những trường hợp như H, N… không còn hiếm. Dù họ quyết định từ chối làm luận văn với bất cứ lý do gì, chúng chứng tỏ một điều hẳn sẽ làm các nhà quản lý giáo dục đau đầu: Luận văn ngày nay đang giảm dần giá trị!

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.