Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam cải cách giáo dục

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam cải cách giáo dục
Theo ông Takigawa Takuya, Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, hiện nguồn vốn ODA của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào giáo dục tiểu học và đang ở giai đoạn thí điểm ở tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, trong những năm tới, viện trợ giáo dục, đặc biệt là các dự án mang tới cách học, cách dạy mới...sẽ được áp dụng cho nhiều cấp học phổ thông khác, thậm chí cả đại học và nhân rộng trên cả nước.

Từ phần “cứng”...

Trường Tiểu học xã Ninh Sơn (THNS) ở Vĩnh Yên, Bắc Giang là một điển hình về lợi ích mà dự án viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản mang tới.

Suốt nhiều năm qua, THNS chỉ có 4 phòng học cũ nát, chung với trường cấp II, còn lại các lớp học bố trí ở khắp 7 thôn trong xã.

Với hơn 4 tỷ đồng viện trợ phần “cứng” của Nhật Bản, gần 20 phòng học, thư viện, phòng chức năng khác đã mọc lên trong một khuôn viên riêng biệt.

Trường THNS ngày nay không khác gì một khu văn phòng hiện đại. Kể từ tháng 4/2005 khi tiếp nhận cơ sở vật chất mới này, giáo viên và học sinh ở trường như phấn chấn hẳn lên, hiệu quả dạy và học được nâng cao rõ rệt.

THNS chỉ là 1 trong khoảng 320 trường tiểu học ở Việt Nam được “thay da đổi thịt” nhờ khoản viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản.

...tới phần “mềm”

Nếu phần “cứng” tạo ra diện mạo mới cho các trường học, phần “mềm” mới thực sự mang tới những thay đổi về chất.

Trong tổng thể liên quan đến cải cách giáo dục cấp tiểu học năm 2001, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ cho các dự án “Phát triển giáo dục cấp tiểu học” và đến năm 2004 đã hoàn thành.

Hiện Nhật Bản đang triển khai dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường đào tạo giáo viên theo cụm và quản lý trường học tại Việt Nam” và Bắc Giang được chọn làm tỉnh thí điểm trước khi nhân rộng ra cả nước.

Với tổng kinh phí khoảng hơn 4 triệu USD kéo dài trong 3 năm (2005 - 2007), các giáo viên, cán bộ quản lý và cán bộ chính quyền địa phương ở Bắc Giang được tiếp cận với những phương pháp hoàn toàn mới mẻ trong giảng dạy, quản lý học sinh.

Ngoài việc tổ chức các chương trình đào tạo, Chính phủ Nhật Bản còn cử tình nguyện viên (TNV) trẻ trong Đoàn TNV hải ngoại Nhật Bản (JOCV) tới tận các trường tiểu học ở Việt Nam để thực hành phương pháp mới.  

Nhật Bản chính thức nối lại viện trợ cho Việt Nam vào năm 1991. Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản giành cho Việt Nam liên tục tăng lên từ chỉ 2 tỷ yên năm 1991 lên 112 tỷ yên năm 1999. ODA trong năm tài khoá 2004 là 92,6 tỷ yên.

Tổng số ODA mà Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam từ năm 1991 – 2004 là 1.108,1 tỷ yên, trong đó vốn vay là 885 tỷ, viện trợ không hoàn lại là 76,1 tỷ và hợp tác kỹ thuật có 54,4 tỷ yên. ODA của Nhật Bản chiếm 26,5% trong tổng số ODA mà Việt Nam nhận được năm 2004.

MỚI - NÓNG