Nhặt “sạn” SGK lịch sử chỉ là giải pháp tình thế

Nhặt “sạn” SGK lịch sử chỉ là giải pháp tình thế
TP - Một giáo viên dạy văn đã nghỉ hưu ở Thanh Hóa đã bỏ công ra nhặt “sạn” trong sách giáo khoa môn Lịch sử. “Sạn” nhiều đến mức ông thấy cần phải viết gần chục bài góp ý khác nhau gửi cho Bộ GD&ĐT.

>> Nên "cải cách" sách giáo khoa lịch sử

Nhặt “sạn” SGK lịch sử chỉ là giải pháp tình thế ảnh 1
Sách giáo khoa Lịch sử sai, sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ  Ảnh: Hồng Vĩnh

Tuy nhiên, theo tác giả của những bài góp ý này cũng như các nhà sử học, vấn đề của môn lịch sử không chỉ dừng lại ở những hạt sạn trong sách giáo khoa.

Bỏ ra nhiều tháng trời nhặt “sạn” trong sách giáo khoa lịch sử

Nhà giáo Đinh Văn Hiến, nguyên giáo viên môn Văn trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa), năm nay 65 tuổi. Tuy dạy Văn nhưng do sở thích và yêu cầu của công việc (tư vấn cách học cho học sinh ôn thi khối C) nên ông rất quan tâm các môn Lịch sử, Địa lý. Qua đó, ông phát hiện sách giáo khoa môn Lịch sử từ lớp bốn tới lớp mười hai đặc biệt nhiều “sạn” so với các môn học khác.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ GD&ĐT (tháng 7/2008) về việc góp ý cho chương trình – SGK, từ cuối năm 2008 ông đã gửi nhiều lá thư góp ý SGK môn Lịch sử về địa chỉ gopySGK@moet.edu.vn.

Được sự khích lệ của NXB Giáo dục và TS Quách Tuấn Ngọc (Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT), từ cuối tháng 12/2008 đến tháng 2/2009, ông đã gửi nhiều bài viết trên diễn đàn mạng giáo dục EduNet.

Những bài viết đó về sau ông tổng hợp lại thành gần chục bài báo đăng trên một tờ báo mạng (đứng tên đồng tác giả với một giáo viên dạy lịch sử là học trò cũ của ông).

Số “sạn” mà theo nhà giáo Đinh Văn Hiến cần phải nhặt nhiều đến nỗi với mỗi lớp học, ông phải viết thành một bài riêng: Lịch sử lớp năm – Phan Bội Châu còn sống?; Lịch sử lớp sáu – trang nào cũng phải sửa; Lịch sử lớp bảy - Địch bị tiêu diệt hoàn toàn...  vẫn chạy thoát?..., cứ vậy cho đến lớp mười hai.

Hàng trăm lỗi đã được phát hiện, kèm theo đề xuất sửa lại của người nhặt sạn. Để thống kê được số sạn này, nhà giáo Đinh Văn Hiến cho biết, ông đã mất nhiều tháng ròng rã.

Lỗi to hay nhỏ, tùy quan niệm từng người (?!)

Với Tiền Phong Cuối tuần, nhà giáo Đinh Văn Hiến chia sẻ: “Tôi góp ý theo sự hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nghĩa là chia lỗi thành các mục lỗi diễn đạt, kiến thức, lỗi chính tả, viết hoa. Trong các loại lỗi đó, loại nào SGK Lịch sử cũng mắc.

Theo tôi, SGK là mẫu mực, không được mắc lỗi. Dù là nhỏ nhưng sao không sửa? Có phải là sách mới in đâu mà là sách in đã lâu rồi. Vừa rồi Bộ phát động cả nước sửa nhưng cuối cùng chỉ sửa có 129 lỗi tất cả các môn từ  lớp một đến lớp mười hai, trong đó môn Sử chỉ sửa dăm bảy lỗi”.

Theo nhà giáo Đinh Văn Hiến, việc chỉnh sửa những lỗi nhỏ SGK trên bản thảo hiện có là rất cần thiết. Người học không thể chấp nhận cùng một nhân vật lịch sử, một sự kiện lịch sử nhưng SGK lớp dưới nói một đằng, SGK lớp trên nói một nẻo.

Trước việc nhặt “sạn” của nhà giáo Đinh Văn Hiến, một số ý kiến trong dư luận cho rằng mấy năm gần đây Bộ GD&ĐT tuyên bố SGK không là pháp lệnh, do đó việc SGK mắc một số lỗi như rất nhiều xuất bản phẩm khác đang hiện diện trong đời sống nên được xem là bình thường. Nhưng nhà giáo Đinh Văn Hiến không thỏa mãn với cách nhìn nhận này.

Ông nói: “Với các lỗi sai trong SGK, chỉ một số giáo viên thích tìm hiểu, chịu khó trau dồi kiến thức mới phát hiện ra. Còn đa phần tưởng là SGK đúng. Hậu quả là học sinh chịu thiệt.

Thực tế đã chứng minh, trong các cuộc thi thố, dù chính thức (do ngành GD&ĐT tổ chức) hay chỉ là sân chơi dành cho lứa tuổi học trò, kiến thức trong SGK được dùng làm chuẩn để đánh giá kết quả trả lời của thí sinh”.

Nhưng nhà giáo Đinh Văn Hiến cũng thừa nhận, các chỉnh sửa như ông đã góp ý chỉ là giải pháp tình thế. Còn truy tìm tận gốc nguyên nhân tại sao môn lịch sử không hấp dẫn với học sinh, chất lượng dạy học môn Lịch sử trong nhà trường thấp thì liên quan tới nhiều vấn đề khác: chương trình, cách dạy của giáo viên v.v...

Nhà giáo Đinh Văn Hiến nhận xét: “Đọc SGK Lịch sử, tôi có cảm giác những tác giả viết sách xem như học sinh chỉ phải học có một môn và tất cả  mọi học sinh đều phải học sâu, biết sâu về lịch sử. Chương trình nặng nề khiến học sinh mệt mỏi. Các cháu nói với tôi, chúng cháu phải học nhiều quá nhưng chỉ thấy rối cả đầu, học xong chẳng đọng lại cái gì cả. Theo tôi, các tác giả phải thực tế hơn, đồng cảm với học sinh hơn để có thể thiết kế được một chương trình môn lịch sử gọn nhẹ hơn, có ấn tượng với người học hơn”.  

Hậu quả của một lối làm sách luộm thuộm

Nhặt “sạn” SGK lịch sử chỉ là giải pháp tình thế ảnh 2
GS Đinh Xuân Lâm
GS Đinh Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, Chủ biên SGK Lịch sử lớp chín: Quan điểm của tôi là nhiệt liệt hoan nghênh những ai có ý kiến đóng góp cho chương trình SGK.

Khi nhận được các ý kiến, trước hết chúng ta cần phải đọc kỹ nội dung góp ý. Nếu ý kiến đóng góp đúng thì tiến hành tiếp thu. Nếu người ta nói sai thì mình phải trao đổi lại với người góp ý.

Về việc tiếp thu ý kiến người dân góp ý cho chương trình SGK các môn học, NXB Giáo dục đã tổ chức họp với các tác giả SGK và giao cho GS Phan Ngọc Liên, Tổng chủ biên SGK môn Lịch sử thay mặt các tác giả trả lời các góp ý cho môn này.

Tôi đã đọc kỹ những bài góp ý của ông Văn Hiến. Có những điểm ông ấy nói chưa chính xác, kiến thức lịch sử chưa được cập nhật. Nhưng có những ý kiến ông ấy nói đúng.

Chẳng hạn, ông ấy nói, Quỷ môn quan nằm ở Lạng Sơn. Hoặc về làng Ràng (SGK) - làng Giàng (góp ý của ông Văn Hiến), quê của nhân vật lịch sử Dương Đình Nghệ. Tôi cũng là người Thanh Hóa nên có biết cái làng ấy - một nơi nổi tiếng có giống cam rất ngon.

Ở quê tôi, có nơi người ta gọi đó là làng Ràng. Nhưng ông Văn Hiến đã chứng minh trên các văn bản hành chính bây giờ người ta gọi đó là làng Giàng.

Để sửa lỗi sai này, SGK Lịch sử nên ghi tên làng theo văn bản hành chính hiện hành và có thể chú thích thêm, dân địa phương có nơi gọi là Ràng...

Sở dĩ có những sai sót đó, theo tôi, là do mặt tổ chức biên soạn SGK hơi luộm thuộm. Bộ GD&ĐT khoán trắng cho NXB giáo dục. Thành phần tham gia biên soạn SKG thì cồng kềnh. Biên tập mỗi cuốn sách có đến năm, sáu ông. Mỗi ông được chia mấy bài. Các ông lại ở xa nhau và cũng chẳng có trao đổi gì với nhau cả. Mỗi cuốn đã có một ông chủ biên rồi, cả môn học lại có một ông tổng chủ biên mà ông tổng chủ biên thì lại chẳng phải làm gì cả!

Chương trình của chúng ta là chương trình đồng tâm. Do đó, học sinh lớp trên sẽ học lại những kiến thức đã học ở lớp dưới nhưng giới hạn kiến thức sâu, rộng hơn. Nhưng vì làm ăn không bài bản, các tác giả viết sách không có mối liên hệ thống nhất nên nội dung cũng không thống nhất.

Trước tình hình đó, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị Nhà nước nên thành lập Hội đồng Quốc gia xây dựng chương trình học cho từng môn. Chương trình có tính pháp lý rồi mới bắt tay vào biên soạn SGK. Đồng thời cũng cần có Hội đồng biên soạn SGK với một tỷ lệ nhất định giáo viên phổ thông tham gia.

Cứ như hiện nay, những tác giả SGK chủ yếu là giảng viên ĐH, rất ít người may mắn đã từng là giáo viên phổ thông trước khi trở thành giảng viên ĐH. Nhưng đề nghị này vẫn chưa được Bộ GD&ĐT chấp nhận.

Tại sao học sinh không thích học Lịch sử, theo tôi đầu tiên đó là do chương trình làm chưa tốt, SGK viết chưa tốt.

Muốn sử hấp dẫn học sinh, giáo viên phải yêu sử

Nhặt “sạn” SGK lịch sử chỉ là giải pháp tình thế ảnh 3
TS Nguyễn Thị Hậu
TS Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử: Tôi không tham gia biên soạn sách giáo khoa,  và cũng không trực tiếp giảng dạy khối phổ thông, về những sai sót của sách giáo khoa Lịch sử mà gần đây công luận lên tiếng, tôi nghĩ rằng mình, với tư cách “người ngoài cuộc” có ý kiến thì rất dễ chủ quan vì chưa rõ quy trình biên soạn cũng như những quy định, nguyên tắc của việc biên soạn SGK.

Có điều dễ nhận thấy là SGK là loại ấn phẩm đặc biệt nhưng còn khá nhiều lỗi ở cả từ ngữ và con số, dễ dẫn đến tình trạng “mâu thuẫn” giữa đoạn trước đoạn sau hay sách này với sách khác.

Tuy là lỗi kỹ thuật chứ không phải kiến thức, nội dung sai nhưng khâu biên tập cần cẩn trọng hơn vì không thể chấp nhận những sai sót như thế, nhất là sách về lịch sử.

Tuy nhiên, khắc phục những lỗi đó không có nghĩa là môn Sử sẽ hấp dẫn hơn. Ở hội thảo năm do Hội Khoa học Lịch sử VN tổ chức tháng 3/2008, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng đòi hỏi môn Sử cần được xem trọng hơn trong nhà trường. Nhưng xem trọng không có nghĩa là phải tăng thời lượng học môn Sử lên. Theo tôi, vấn đề mấu chốt ở đây phải làm sao để học sinh thích nghe sử.

Tôi từng trao đổi với các giáo viên phổ thông, có lẽ các bạn cần phải nhìn nhận lại cách giảng dạy của mình. Chương trình thì cứng, điều kiện cơ sở vật chất yếu, giáo viên truyền đạt không hấp dẫn thì làm sao học trò thấy sử hay? Mà để truyền đạt hấp dẫn, trước hết GV phải có sự đam mê với môn học, phải chịu khó trau dồi, cập nhật kiến thức. Nếu chỉ biết đổ lỗi tại chương trình, điều kiện vật chất thì chưa đủ. 

Ngoài ra, cách kiểm tra đánh giá dạy học môn Sử trong nhà trường hiện nay cũng khiến giáo viên khi dạy thì lệ thuộc SGK, học sinh khi học buộc phải nhớ máy móc. Mình mong muốn học sinh yêu thích, nhiều cảm xúc khi tiếp cận lịch sử. Trong khi những đánh giá lại mang nhiều  lý tính.

Giữa sử và văn hóa có một mối quan hệ gắn bó, không tách rời. Khi học về lịch sử, điều quan trọng là học sinh nhìn nhận được giá trị cốt lõi của sự kiện, bài học kinh nghiệm của các giá trị cốt lõi đó. Ở một mức độ cao hơn, học sinh khi học Sử sẽ biết phân tích, đánh giá, phán xét.

MỚI - NÓNG