Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học:

Nhiều hoạt động phong phú, giàu ý nghĩa

Các cá nhân đạt giải “Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”.
Các cá nhân đạt giải “Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”.
TP - Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2015 ngành GD&ĐT trong cả nước sẽ triển khai nhiều hoạt động phong phú để thực hiện có hiệu quả Chương trình nước sạch về vệ sinh môi trường (NSVSMT) trong trường học…

Nhiều hoạt động phong phú

Bộ GD&ĐT cho biết năm 2014 đã triển khai nhiều hoạt động phong phú và thiết thực để thực hiện chương trình NSVSMT trong trường học. Đã tổ chức thành công lễ mít tinh hưởng ứng Ngày môi trường thế giới và ra quân triển khai Chương trình tại thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang và thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh. Phối hợp với Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu và bảo vệ nguồn nước” lần thứ 11 và Diễn đàn đối thoại “Học sinh với việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” tại Bộ TN&MT.

“Với trên 22 triệu học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin, giáo dục, truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường. Mục tiêu đề ra đến cuối năm 2015, 100% các trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh”. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại lễ mít tinh ra quân triển khai chương trình

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác NSVSMT tại tỉnh Kiên Giang và Quảng Ninh cho cán bộ quản lý, cán bộ y tế trường học và giáo viên của 35 sở GD&ĐT các tỉnh, thành. Cũng trong năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai và hoàn thành dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực cho công tác truyền thông về vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân trong các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông, trường nội trú và ký túc xá ở khu vực nông thôn VN” do cơ quan phát triển quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tài trợ.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã khảo sát, đánh giá thực trạng về điều kiện NSVSMT các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, trường nội trú và ký túc xá ở khu vực nông thôn trong hệ thống giáo dục quốc dân tại 3 tỉnh đại diện 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược truyền thông nâng cao ý thức về NSVSMT tại các cơ sở giáo dục này. Triển khai thí điểm công tác truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức về NSVSMT cho thầy và trò của các trường tại một số địa phương…

Tăng cường giám sát, đánh giá

Theo Bộ GD&ĐT, một trong những trọng tâm trong năm 2015 là sẽ tăng cường công tác giám sát, đánh giá đối với các hoạt động của chương trình. Cụ thể như tổ chức các đoàn giám sát liên ngành Y tế - GD&ĐT- Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về nước sạch, vệ sinh trường học trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả các biện pháp truyền thông giáo dục nói riêng và cả Chương trình nói chung đến sự thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người học, chất lượng sức khỏe và học tập của trẻ em, học sinh. Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành có liên quan trong đánh giá, thống kê số liệu về công tác nước sạch, vệ sinh trường học.

Cũng trong năm nay Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục tổ chức các hội thảo, tập huấn hướng dẫn xây dựng kế hoạch, sử dụng và bảo quản công trình cấp nước và vệ sinh trong trường học cho cán bộ chuyên trách và giáo viên tại các cơ sở giáo dục. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp về nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học. Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD&ĐT, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Bộ này cũng nêu ra một số đề xuất kiến nghị. Điển hình như tổng ngân sách UBND các tỉnh, thành phố phân bổ cho ngành GD&ĐT tại địa phương để triển khai Chương trình NSVSMT trong trường học (bao gồm cả vốn sự nghiệp và đầu tư phát triển) năm 2014 chỉ đạt trên 39 tỷ đồng (đạt 42,35% so với nhu cầu kế hoạch) là còn thấp. Do vậy rất khó khăn cho địa phương có thể đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có tỷ lệ công trình hợp vệ sinh còn thấp nên ưu tiên bố trí nguồn vốn bổ sung cho ngành GD&ĐT địa phương triển khai thực hiện Chương trình.

MỚI - NÓNG