Nhiều học sinh miền núi bỏ học sau Tết

Nhiều học sinh miền núi bỏ học sau Tết
TP - Tại Thanh Hóa, tình trạng học sinh bỏ học trước và sau Tết Nguyên đán đã diễn ra nhiều năm qua, đặc biệt ở miền núi. Vẫn là những nguyên nhân cũ, nhưng giải pháp chưa có gì mới nên thực trạng này chưa giải quyết được.
Nhiều học sinh miền núi bỏ học sau Tết ảnh 1

Do ở xa trung tâm huyện hàng chục km, nên nhiều học sinh THPT ở xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân đã nghỉ học vì nghèo đói. Ảnh: Hoàng Lam

Tại các huyện Mường Lát, Thường Xuân, Quan Hóa…, đến cuối học kỳ I năm học 2009- 2010, đã có hàng trăm học sinh bỏ học. Tuy nhiên, số học sinh bỏ học ở nhiều nơi không dừng lại ở con số sau học kỳ I mà tiếp tục gia tăng sau Tết.

Hết học kỳ I năm học 2009- 2010, tại huyện miền núi Như Thanh có 130 học sinh bỏ học. Phần lớn học sinh bỏ học vào thời điểm này và sau Tết mang tính thời vụ, số lượng luôn biến động. Tâm lý nghỉ Tết khiến cho học sinh nghỉ học sau Tết nhưng khi được vận động, một số lượng học sinh lại trở lại lớp học.

Một số lượng lớn học sinh khác ở miền núi Thanh Hóa bỏ học sau dịp Tết để đi làm thuê ở các tỉnh ngoài (chủ yếu là các tỉnh phía Nam), do đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

Tại một số huyện miền núi, cứ sau dịp Tết là có nhiều cơ sở, đơn vị, công ty ở các tỉnh ngoài đưa ô tô về tận bản, xã để huy động lực lượng lao động đi làm. Nhiều em học sinh có học lực yếu kém, đời sống gia đình khó khăn đã bỏ học và ký hợp đồng đi làm thuê.

Tại huyện miền núi Như Thanh, đến ngày 26- 2 vẫn chưa có số liệu chính thức về số học sinh không trở lại lớp học sau dịp Tết.

Ông Lê Anh Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh xác nhận: “Thực trạng học sinh bỏ học mỗi khi sau Tết Nguyên đán đã và đang xảy ra nhiều năm qua. Chủ trương của huyện là không để bất kỳ học sinh nào phải bỏ học vì lý do kinh tế (không đủ tiền ăn học, tiền mua sách…).

Nếu trường nào có học sinh bỏ học vì không có tiền chi phí để theo học thì phải lập báo cáo về huyện để có phương án hỗ trợ các em học sinh khó khăn. Hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá nguyên nhân học sinh bỏ học; đồng thời, vận động học sinh trở lại lớp đang được các trường, chính quyền địa phương thực hiện...”.

Tại 11 huyện miền núi của Thanh Hóa hiện có số lượng lớn học sinh ở các cấp phải trọ học (dựng lều, thuê nhà trọ), hoặc phải đi về trong ngày trung bình khoảng 10 km đường rừng núi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học thời vụ trong dịp Tết.

“Khi con trai tôi còn đi học THCS, cứ khoảng 2 giờ sáng mỗi ngày tôi phải gọi nó dậy để cơm nắm đến trường xa 12 cây số. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cháu không thể trọ học. Việc đi lại trong ngày thôi cũng đủ cho cháu mệt, lấy sức đâu mà học.

Học lực yếu không theo kịp các bạn nên cháu chán không muốn tới trường. Năm 2008, học hết lớp 7, cháu bỏ học và không muốn trở lại trường dù ở nhà phải làm lụng vất vả” -  Ông Lò Văn Diện, thôn Yên Vinh, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh cho biết.

Trong khi đó, ông Lang Xuân Thủy, cán bộ chính sách xã Yên Nhân, huyện miền núi Thường Xuân cho rằng học sinh nghỉ học còn có lý do các em thuê nhà trọ học ở trung tâm huyện thường bị các bạn khác bắt nạt. Do sợ bị đánh nên chẳng em nào dám báo cáo sự việc với nhà trường hay chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Tài Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Cầm Bá Thước (Thường Xuân) cho biết, số học sinh bỏ học sau Tết chủ yếu rơi vào số học sinh có điểm thi vào lớp 10 thấp.

Mỗi năm tỉnh này có tới hàng nghìn học sinh bỏ học (từ năm học 2008- 2009 đến đầu năm học 2009- 2010 có gần 6.000 em bỏ học).

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.