Nhiều khó khăn trong tích hợp liên môn

TP - Một trong những điểm mới của chương trình phổ thông sắp tới đó là sẽ tổ chức dạy tích hợp ở bậc THCS. Phương thức này không mới đối với một số trường phổ thông của Việt Nam, nhất là các trường ngoài công lập. Nhưng theo nhận định của những trường này, thì sẽ có rất nhiều khó khăn.

Tại hội thảo giáo dục 2017 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức hôm qua, ông Đỗ Ngọc Thống, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT cho biết chủ trương dạy tích hợp trong chương trình mới có một số điểm khác biệt so với chương trình hiện hành như tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở các cấp học, tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; Yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp và thi, kiểm tra, đánh giá giáo dục.

Theo ông Đỗ Ngọc Thống, với chương trình mới, cấp THCS sẽ tích hợp ở mức độ thấp một số môn như Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên.

Đứng ở góc độ thực tế, bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng điều hành trường Phổ thông liên cấp song ngữ Wellspring đưa ra một khía cạnh khác trong vấn đề tích hợp chương trình đào tạo. Theo bà Minh, nhu cầu tiếp cận và học các môn học bằng tiếng Anh như Toán, Khoa học và Công nghệ Thông tin;  tiếp cận với chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp của các môn học trong các chương trình quốc tế; học và sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai đang ngày càng gia tăng.

“Vì vậy, chúng tôi cho rằng giải pháp phù hợp nhất với số đông hiện nay là học sinh cần thụ hưởng một chương trình giáo dục tích hợp những mặt mạnh của chương trình giáo dục Việt Nam với những ưu điểm của các chương trình giáo dục tiên tiến khác trên thế giới” – bà Minh cho hay.

Tuy nhiên, thực hiện chương trình tích hợp này đang gặp một số vấn đề khó khăn và rào cản.

Đó là chúng ta chưa có đầy đủ khung pháp lý quy định và hướng dẫn cụ thể cho việc triển khai Chương trình phổ thông song ngữ và cho việc lồng ghép, tích hợp thực sự Chương trình quốc tế tại Việt Nam, thậm chí thiếu cả quy định pháp lý cho việc cập nhật Chương trình và giáo trình Ngoại ngữ như Tiếng Anh ở bậc phổ thông theo chuẩn quốc tế trong hệ thống giáo dục quốc dân.

“Việc thiếu cập nhật và chậm cải tiến ở tất cả các khâu dẫn tới bất cập trong triển khai, gây lãng phí rất nhiều nguồn lực của gia đình, xã hội, ngân sách của chính phủ.  Sự cứng nhắc của chương trình và lộ trình giảng dạy cũng khiến học sinh học quá tải, chưa thực sự tuân theo phương châm “lấy người học làm trung tâm” để đáp ứng được nhu cầu, năng lực của từng cá nhân và nhu cầu thực tế của xã hội…” – bà Minh nói. Vì vậy,  bà Minh  cho rằng cần phải sửa một số quy định
hiện hành.

Đào tạo đơn môn nhưng dạy tích hợp

Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến được thực hiện từ năm học 2018-2019. Tức là giáo viên THCS sẽ phải dạy tích hợp. Tuy nhiên, ông Trần Trung Ninh, Khoa Hóa học, trường ĐH sư phạm Hà Nội cho biết, việc đào tạo giáo viên phổ thông của nước  ta hiện nay là để dạy đơn môn.

“Với mục đích điều tra thực trạng nhận thức của giảng viên về dạy học tích hợp, chúng tôi đã gửi phiếu điều tra đến 100 giảng viên khoa Hóa học, Vật lý, Sinh học của một số trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm 2, ĐH Sư phạm – ĐH Huế, ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên, ĐH Sư phạm TPHCM, thu về 81 phiếu.

Kết quả cho thấy, đa số giảng viên có hiểu biết cao về năng lực đặc thù của học sinh ở môn mà sinh viên của họ sẽ dạy ở trường phổ thông, hiểu lý do vì sao phải thực hiện dạy học tích hợp nhưng lại có hiểu biết không cao về dạy học tích hợp. “Như vậy, theo lộ trình đổi mới giáo dục, đến năm 2019, giáo viên sẽ dạy môn học tích hợp khoa học tự nhiên tuy nhiên họ chỉ được đào tạo dạy học đơn môn” – ông Ninh cho hay.

Trong khi đó, một trong những rào cản khi thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới là thi cử. Về vấn đề này GS. Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên  chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, quan điểm chung của Bộ GD&ĐT là giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2020.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết mục đích của học sinh Việt Nam vẫn là học để thi ĐH. “Vậy trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới, đổi mới mới đánh giá như thế nào để đánh giá được năng lực thực của người học. Đánh giá đó có thông qua điểm số như hiện nay hay không?” – ông Nghĩa đặt câu hỏi đối với ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.

MỚI - NÓNG