Nhiều rào cản, giáo dục đại học khó "cất cánh"

Nhiều rào cản, giáo dục đại học khó "cất cánh"
Theo nguyên bộ trưởng, giáo sư Trần Hồng Quân, 3 vấn đề lớn của giáo dục đại học là đầu vào quá hẹp, chương trình đào tạo lạc lõng với quốc tế và cách quản lý xơ cứng, nặng tính "xin cho".
Nhiều rào cản, giáo dục đại học khó "cất cánh" ảnh 1
Kỳ thi ĐH, CĐ hằng năm luôn căng thẳng. Ảnh: VnExpress

Đây chính là gốc rễ của nạn dạy thêm học thêm, tiêu cực thi cử và tình trạng cử nhân, tiến sĩ "giấy".

"Nói một cách hình ảnh là bóng dáng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp ở ngành giáo dục mạnh mẽ nhất so với các ngành khác. Tất cả những mục tiêu chiến lược đều đưa ra thời gian thực hiện 2009, 2010... mà thực ra để thực hiện những việc đó không lâu như vậy", ông Quân nêu quan điểm.

Đào tạo kiểu "thắt đầu vào, cởi đầu ra"

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân, nguyên nhân của những tiêu cực giáo dục một phần là do chỉ tiêu vào đại học quá ít. "Nếu không mở rộng cánh cửa vào đại học, tôi đố Bộ trưởng GD&ĐT giải quyết được nạn dạy thêm, học thêm, thi cử căng thẳng", ông Trân thẳng thắn nói.

Ông Trân ví von, lượng học sinh tốt nghiệp hằng năm như một dòng sông đang chảy qua con đập đại học, 10 người chọn 1. Để vượt qua con đập ấy, học sinh phải đua nhau học thêm. Cấp 3 học thêm chưa đủ, nay học sinh cấp 1, cấp 2 cũng học thêm. Thi cử đã trở nên nặng nề, căng thẳng.

Với cương vị Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, thường xuyên tiếp xúc với các nền giáo dục quốc tế, giáo sư Trân cho rằng, giáo dục đại học Việt Nam hiện "một mình một kiểu".

Trong khi các nước trên thế giới mở rộng cánh cửa đại học cho học sinh nhưng sẽ kiểm soát chặt đầu ra buộc sinh viên phải học tập cật lực mới hy vọng tốt nghiệp đại học. Còn ngành giáo dục trong nước là siết chặt đầu vào và thả lỏng đầu ra.

Trả lời trước Quốc hội, cựu Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Minh Hiển từng thừa nhận: "Quy mô giáo dục đại học nhỏ chưa chắc chất lượng đã cao vì nhu cầu quá lớn nên các trường không cần nâng chất đào tạo vẫn có sinh viên. Nếu mở thêm trường, tăng sức cạnh tranh mới hy vọng nâng chất lượng đào tạo. Nhưng vấn đề hiện nay là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phải được đảm bảo".

Mùa thi 2006, hơn nửa triệu thí sinh trượt đại học vì dưới điểm sàn. Quy định đăng ký xét tuyển theo nguyện vọng cũng khiến hàng nghìn thí sinh có điểm thi cao ngậm ngùi "năm sau thi tiếp" do nhiều trường có xu hướng tuyển sinh 100% nguyện vọng 1.

Nếu trượt nguyện vọng 1 thì cánh cửa vào đại học sẽ chỉ còn rất hẹp vì số chỉ tiêu nguyện vọng 2 không nhiều và cũng chưa chắc phù hợp với sở thích của thí sinh.

Năm 2005, cả nước có gần 1,4 triệu sinh viên, trung bình 167 sinh viên trên 10.000 dân. Trong số 311 trường ĐH, CĐ chỉ có 37 trường khối dân lập, tư thục và bán công.

Số lượng sinh viên các trường ngoài công lập hiện mới đạt gần 12% trong tổng số sinh viên, trong khi mục tiêu 2010 tỷ lệ này là 40%.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long, trong hai năm tới, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn tổ chức theo phương án "3 chung" như hiện nay.

Cuộc thay đổi cơ bản về tuyển sinh sẽ diễn ra vào năm 2009. Khi đó, sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi như thế nào sẽ còn phải... nghiên cứu tiếp.

Các đại học chưa được "cởi trói"

Theo ông Quách Đình Liên, Hiệu trưởng ĐH Thủy sản, vấn đề tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đã đề xuất từ lâu nhưng chưa thấy chuyển động nhiều.

"Bản thân ĐH Thủy sản cũng được phân bổ tài chính, nhưng quá trình thực hiện chi cái gì, chi như thế nào đều phải báo cáo cấp trên nên rất vẫn mất tự chủ”, ông Liên nói.

Là người từng giữ cương vị đứng đầu ngành giáo dục, giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng, bộ nên ngồi ở vị trí cao hơn để làm quản lý nhà nước và không nên làm thay các trường.

Các trường phải được tự quyết định chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, tự lựa chọn, học hỏi và áp dụng các chương trình nội dung phương pháp tiên tiến mà không cần phải xin phép. Nếu mạnh dạn giao quyền tự chủ lớn các trường sẽ chủ động sáng tạo.

Ông Quân lấy thí dụ về việc bỏ chương trình khung, nhiều trường không đủ khả năng tự làm chương trình, nhưng họ sẽ biết cách làm thế nào để có được chương trình đó như mời chuyên gia, lấy chương trình tiên tiến của trường khác...

"Cái quan trọng nhất là cuộc sống buộc họ phải vươn lên, buộc phải tìm cách nào tốt nhất, chứ không thể bị đóng trong một cái khung cứng chương trình của Bộ. Mà có khi cái khung đó đã lạc hậu, không ai chịu trách nhiệm", cựu bộ trưởng Giáo dục thẳng thắn.

Theo ông Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, việc phân bổ chỉ tiêu hiện nay quá cứng nhắc, hằng năm Bộ GD&ĐT chỉ có điều chỉnh nhỏ một cách cơ học. Trong khi, nguyên tắc phổ biến kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh phải dựa trên 2 yếu tố: tỷ lệ sinh viên/giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất/sinh viên.

"Cách giao chỉ tiêu hiện nay vẫn mang tính bao cấp, khiến các trường mất khả năng điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đào tạo. Chỉ tiêu tuyển bao nhiêu nên giao cho các trường tự xác định dựa trên các tiêu chí kiểm định chất lượng", ông Ga nói.

Theo một nguồn tin, trong tháng 12 tới, Bộ GD&ĐT dự kiến hoàn tất đề án Đổi mới cơ chế giao chỉ tiêu tuyển sinh, đề án Áp dụng chương trình tiên tiến trong giáo dục đại học và kế hoạch Triển khai đào tạo theo chế tín chỉ. Đề án xoá bỏ cơ chế chủ quản của các trường ĐH, CĐ dự kiến hoàn tất vào tháng 12/2008.

Theo Quốc Hưng
VnExpress

MỚI - NÓNG